60 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

16:42 | 06/11/2018
(LĐTĐ) Giữa lòng phố cổ, có một người phụ nữ gần 60 năm nay luôn âm thầm tận tụy, tâm huyết với công việc “vác tù và hàng tổng”. Đó là cụ Nguyễn Thị Tuyết Nga, 85 tuổi, tổ trưởng tổ dân phố số 4 phường Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
60 nam an com nha vac tu va hang tong Chuyện về những người “vác tù và hàng tổng”
60 nam an com nha vac tu va hang tong Cụ bà 11 năm “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”

Duyên nợ với “nghề” tổ trưởng

Một buổi chiều cuối tháng 10, tôi tìm đến con phố Hàng Gai, nơi được mệnh danh là “con đường tơ lụa” của Hà Nội. Giữa khu phố sầm uất bậc nhất Hà Thành ấy vẫn lưu giữ những cửa hàng kinh doanh tơ lụa lâu đời. Số nhà 67 Hàng Gai, nơi cụ Nga sống, cũng như nhiều nhà khác đã 20 năm nay gắn bó với nghề bán tơ lụa, như để giữ gìn nếp nghề truyền thống của mảnh đất kinh kỳ này.

Cụ Nga tiếp đón chúng tôi căn phòng nhỏ nhắn, đơn sơ, vật dụng lớn nhất có lẽ là chiếc tủ đựng đầy tài liệu, kê ở đầu giường, nơi cụ lưu giữ các loại giấy tờ, số sách kể từ khi đảm nhiệm cương vị tổ trưởng tổ dân phố cho đến bây giờ.

60 nam an com nha vac tu va hang tong
Cụ Nga – người phụ nữ hơn 60 năm “vác tù và hàng tổng” nơi phố cổ

Trên tường nhà treo chiếc bằng khen người tốt việc tốt của thành phố trao năm 2015. Cụ bảo, bằng khen, giấy chứng nhận thì nhiều, thế nhưng cụ không treo, chỉ giữ lại tấm bằng khen ấy, để làm kỉ niệm 55 năm cụ đã cống hiến cho nơi này mà thôi.

Khi hỏi về hành trình gần 60 năm làm công việc “vác tù và hàng tổng” của mình, người phụ nữ Hà Thành với mái tóc búi cao, gương mặt phúc hậu ấy mỉm cười, đưa đôi mắt nhìn về phía cửa đầy hoài niệm và bắt đầu kể: Phố Hàng Gai bây giờ có nhiều thay đổi, trước đây, cả dãy phố này là những khu nhà cổ 1 tầng, giờ đây, cùng với dòng chảy của thời gian, các căn nhà cũ được xây mới, khiến trúc cũng có phần khác xưa.

Quê gốc của cụ vốn không phải ở đây, mà ở thôn Phù, xã Đông Mỹ, Huyện Thanh Trì, sau này đến năm 1954 cụ mới chuyển tới đây sinh sống. Những ngày đầu, cụ là một thương nhân buôn bán vải ở chợ Đồng xuân, do khéo léo, lại có tài ăn nói, hiểu lòng người nên được mời tham gia làm cán bộ cải tạo tiểu thương (làm tổ trưởng phát lương cho các tiểu thương) ở 43 phố Lãn Ông. Một thời gian sau, cụ chuyển sang làm thủ kho cho Công ty Bông Vải Sợi (56 Lý Thái Tổ).

Ở độ tuổi ngoài 20, cô gái Hà Thành xinh đẹp, giỏi giang ấy luôn hết lòng, tận tâm với công việc của mình vậy nên được rất nhiều đồng nghiệp cảm phục, yêu mến. Cũng chính vì vậy mà năm 1960, cụ được những người có tiếng nói trong tổ dân phố tìm đến, nhờ cậy đảm nhiệm công việc “vác tù và hàng tổng” này.

“Tôi chính thức làm tổ trưởng tổ dân phố từ ngày 3/5/1960. Buổi tối, lúc mới đi làm về, có ông Đắc, ông Thu, ông Xuân ở 63 phố Hàng Gai, sang nhà tìm, đấy là những người rất có tiếng nói trong tổ dân phố lúc bấy giờ và cũng là đồng nghiệp, quen biết với chồng tôi. Họ sang nhờ cậy tôi đảm nhiệm cương vị tổ trưởng tổ dân phố, bởi cả tôi và chồng đều là người làm việc nhà nước, thành thạo, hiểu biết nhiều thứ, nên họ tin tưởng, muốn giao phó nhiệm vụ.

Lúc đầu tôi cũng đắn đo, băn khoăn nhiều lắm, vì công việc bận rộn, đặc biệt việc cải tạo tiểu thương lúc bấy giờ rất vất vả, lại thêm con nhỏ, chồng cũng là cán bộ nhà nước đi làm suốt ngày. Thế nhưng thấy các ông ấy cứ tha thiết nhờ cậy mãi, lại nghĩ bản thân đã được mọi người tin cậy thì nên có trách nhiệm nên tôi nhận. Ấy vậy mà từ đó đến nay, ngoảnh đi ngoảnh lại cũng đã gần 60 năm trôi qua. Nhiều khi tự hỏi điều gì khiến mình có thể làm việc này lâu đến như vậy? Chính bản thân tôi cũng không tìm thấy câu trả lời”. Cụ Nga tâm sự.

Dạo ấy, công việc của tổ trưởng là vận động bà con đi sơ tán, đào hầm, đào đường, đến từng nhà thăm hỏi xem có bao nhiêu nhân khẩu, quê gốc ở đâu, để làm hộ khẩu… Công việc tưởng chừng đơn giản nhưng lại vô cùng khó khăn ở thời điểm ấy. Bởi lẽ khu phố Hàng Gai là nơi tập trung nhiều tiểu thương, họ kinh doanh buôn bán, người đến người đi thường xuyên, rất khó quản lý.

Cụ Nga kể, “Khổ nhất thời đấy là việc kê khai nhân khẩu để lập danh sách, cấp phát tem phiếu. Đây là công việc liên quan đến đời sống của người dân nên phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ. Ngày ngày, cứ hết việc của công ty tôi lại phải lao vào công việc của khu phố, có những ngày ngồi cặm cụi tới 2h 30 phút sáng cắt tem phiếu, bên cạnh là đứa con thơ đang quấy khóc. Thật sự rất vất vả”.

Trong thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hết vận động nhân dân đào hầm trú ẩn, đi sơ tán, bảo vệ tài sản, tính mạng, đến việc động viên con em tòng quân, ủng hộ sức người sức của cho tiền tuyến… Mọi công việc dường như quá sức với một người phụ nữ, vậy nhưng nhờ sự tâm huyết, trách nhiệm cụ luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ.

Dấu chân in hằn lên khu phố

Thấm thoắt đã gần 60 năm trôi qua, cô gái trẻ trung, năm xưa đã trở thành cụ bà 85 tuổi, dấu vết thời gian in hằn trên mái tóc bạc nhưng nhiệt huyết với công việc không vì vậy mà trở nên suy giảm. Bao năm qua, mọi con đường, ngõ ngách, từng bậc cầu thang của các hộ trong tổ dân phố, đều in hằn dấu chân cụ Nga. Đặc biệt kể từ khi nghỉ hưu, cụ dành thêm thời gian để đến từng nhà động viên, thăm hỏi. Cả khu phố đều coi cụ như thành viên trong nhà, mỗi khi nhắc tới cụ Nga tổ trưởng, ai nấy đều tỏ ra hết lòng yêu thương, kính trọng.

Ở tuổi 85, công việc tổ trưởng của cụ Nga đã bớt vất vả hơn xưa. Hiện nay công việc chủ yếu của cụ là tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước đến với người dân trong khu phố, nhắc nhở đổ rác đúng giờ, đúng quy định, thu các loại quỹ của tổ… Vào độ tuổi xưa nay hiếm, nhưng việc nghe báo đài, tiếp thu thông tin chính trị - xã hội không làm khó được cụ, bởi đôi mắt, đôi tai của cụ vẫn còn rất tinh tường.

Nhờ khả năng vận động khéo lại được mọi người tín nhiệm, tin yêu nên mọi loại quỹ cụ đều thu rất nhanh, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu. “Tôi vẫn tự mình tới từng nhà để vận động người dân đóng quỹ, chắc người ta nghĩ cụ này già lắm rồi, ủng hộ cụ ít nhiều để cụ còn về nhà với các cháu. Thế nên loại quỹ nào tôi cũng thu được nhanh hơn, nhiều hơn các tổ khác trong phường”. Cụ Nga hóm hỉnh đùa.

Gần 60 năm làm công việc “vác tù và” nơi phố cổ, từ những ngày đầu vất vả, không có trợ cấp chỉ làm đơn thuần vì tâm huyết, trách nhiệm cho đến nay, trong cả quá trình dài ấy cụ vẫn khẳng định chưa từng nghĩ tới việc sẽ bỏ dở công việc mà mình đang làm. Cụ Nga bảo: “ Công việc tổ trưởng này là cái việc cho không ai làm, bắt không ai nhận, vì nó vừa vất vả lại không có lương.

Trước đây tôi dự định sẽ chỉ làm đến tròn 60 năm sẽ nghỉ vì tuổi cao, sức yếu rồi, thế nhưng trong các cuộc họp dân phố, người dân nói với tôi rằng, công việc này là do người dân tin tưởng, giao phó cho tôi, hi vọng, tôi có thể đảm đương nó đến những giây phút cuối cùng, thế nên tôi đã nghĩ lại. Có lẽ, tôi sẽ gắn bó với công việc này thêm một thời gian nữa, cho tới khi sức khỏe không cho phép chẳng hạn”.

Hơn nửa thế kỷ làm công tác tổ dân phố, kiêm tổ trưởng Người cao tuổi, thành viên Tiểu ban quản lý di tích đình Cổ Vũ (85 Hàng Gai), tổ trưởng Tổ Phụ nữ… Cụ luôn được mọi người kính trọng bởi khả năng và uy tín cao khi thực hiện công tác hòa giải, dân vận khéo, tạo sự đồng thuận của dân. Đặc biệt, cụ là người tâm huyết, có nhiều đề xuất trong giữ gìn và bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử đình Cổ Vũ.

Đối với con cháu trong gia đình, tuy biết công việc của cụ là công việc không tên, vất vả, nhưng luôn ủng hộ hết lòng để cụ yên tâm làm việc, bởi đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc của cụ.

Hiện nay, dù tuổi cao, nhưng cụ vẫn rất minh mẫn và nhanh nhẹn. Ngoài trăm việc không tên nơi tổ dân phố, với khả năng thông thạo tiếng Pháp từ hồi trẻ, cụ Nga thường giúp con cháu quản lý, kinh doanh cửa hàng tơ lụa. Với cụ, tổ trưởng tổ dân phố hay kinh doanh tơ lụa đều một hình thức an dưỡng, thú vui lúc về già.

Lê Thắm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này