Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV: Vấn đề nóng, trả lời nhanh

13:00 | 01/11/2018
(LĐTĐ) Kỳ họp thứ 6 Quốc hội Khóa XIV dành hẳn 3 ngày (30, 31/10 - 1/11) chất vấn các thành viên Chính phủ. Điểm mới của phiên chất vấn lần này theo phương pháp hỏi nhanh - đáp gọn. Các đại biểu chất vấn bất kỳ nội dung gì và tùy theo lĩnh vực, Bộ trưởng phụ trách và các Phó Thủ tướng… phải trả lời. Trong đó, lĩnh vực giáo dục và xây dựng được các đại biểu quan tâm.
ky hop thu 6 quoc hoi khoa xiv van de nong tra loi nhanh Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV: Sẽ bầu Chủ tịch nước và thông qua 9 dự án luật
ky hop thu 6 quoc hoi khoa xiv van de nong tra loi nhanh Chống tham nhũng làm đến nơi, đến chốn
ky hop thu 6 quoc hoi khoa xiv van de nong tra loi nhanh Phân công chuẩn bị nội dung Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV

“Quy định sinh viên bán dâm 4 lần bị đuổi học”, điển hình về năng lực kém

Cách đây 4 ngày, báo chí đồng loạt đưa tin về việc Bộ GDĐT đang tiến hành soạn thảo dự thảo Thông tư về Quy chế công tác học sinh, sinh viên đối với các ngành đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng, trung cấp. Theo đó, sinh viên sư phạm nếu phát hiện bán dâm 4 lần sẽ bọ đuổi học. Ngay lập tức, thông tin này đã làm nóng nghị trường Quốc hội và một số đại biểu đã chất vấn Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ về vấn đề “tế nhị” trên.

ky hop thu 6 quoc hoi khoa xiv van de nong tra loi nhanh
Toàn cảnh phiên chất vấn.

Trả lời câu hỏi này của các đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho hay, Quy định buộc sinh viên thôi học khi bán dâm lần thứ 4 đã được quy định từ năm 2007, đến đầu 2016 đã có Thông tư quy định nội dung này. Bộ trưởng Nhạ cho biết thêm, khi rà soát Thông tư, bản than ông đề nghị những nội dung không phù hợp.

Tuy nhiên, trong quá trình sửa đổi, một số cán bộ chuyên môn năng lực hạn chế, ý thức trách nhiệm kém nên đã đưa lên cổng thông tin điện tử dẫn đến dư luận có ý kiến. "Tôi đã chỉ đạo ngay xử lý trách nhiệm cá nhân liên quan. Quan niệm của tôi thì không đưa nội dung này vào trong Thông tư nữa" – Bộ trưởng Nhạ khẳng định.

Dẫu mới là dự thảo, song theo nhìn nhận của PV thì bộ máy giúp việc đang có vấn đề cả về năng lực (văn hóa và kiến thức luật). Như chúng ta đã biết mua, bán dâm là hành vi bị pháp luật cấm. Thế mà, trong thông tư (trước đây) cũng như dự thảo hiện nay lại quy định sinh viên sư phạm nếu bán dâm trên 4 lần bị đuổi học.

Câu hỏi đặt ra, Bộ GDĐT quản lý rất nhiều trường, song chỉ quy định với sinh viên trường sư phạm nếu bán dâm sẽ bị đuổi? Đây quả là bộ máy chuyên viên tham mưu quá yếu kém về nhận thức gây ra sự hiểu nhầm về đạo đức xã hội với những sinh viên sư phạm - những thầy cô tương lai của đất nước.

Thứ nữa, theo quy luật của pháp luật, hành vi bán dâm sẽ bị phạt hành chính, nếu có dấu hiệu cấu kết tổ chức mua, bán dâm xử lý hình sự. Vậy mà bộ máy tham mưu soạn thảo văn bản vẫn cố “đẻ” ra câu “nếu bán dâm quá 4 lần sẽ bị đuổi học”. Quy định này đi ngược lại các văn bản luật hiện hành!

Không bằng lòng với cách trả lời của Bộ trưởng Nhạ, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) cho hay, khi chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục bà đã trích dẫn lời Thủ tướng Chính phủ, với những văn bản có sai sót, sửa đổi, Bộ trưởng chủ trì soạn thảo phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng.

Với tư cách là đại biểu Quốc hội, đồng thời là phụ huynh học sinh, đại biểu Hiền tỏ ra rất bức xúc vì một người phụ trách về công tác trẻ em là Bộ trưởng vẫn chưa chịu trách nhiệm về Dự thảo Thông tư ban hành Quy chế học sinh sinh viên gây bức xúc trong dư luận xã hội thời gian qua.

Vì vậy, theo ĐB Hiền, chỉ khi nào Bộ trưởng nhận thấy trách nhiệm của người đứng đầu, nhận ra năng lực quản trị của bộ máy giúp việc, của bộ máy quản lý nhà nước về giáo dục có vấn đề, có hạn chế; thì mới có được giải pháp để lấy lại sự tôn nghiêm của quản lý giáo dục. Bộ trưởng phải nhìn thẳng vào sự thật, không tránh né, không tác động để có những giải pháp tích cực hơn. Theo một số đai biểu, quy định trái khoáy này là một trong những minh chứng về năng lực yếu kém của không ít cán bộ, công chức hiện nay.

Sau phần trả lời của Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Quốc hội đã phê bình Bộ GDĐT, đồng thời nhấn mạnh: "Nội dung nào không hợp lý, phản cảm, gây bức xúc trong xã hội thì phải sửa ngay. Cần rút kinh nghiệm khi văn bản chưa hoàn thiện đã đưa lên mạng, gây bức xúc”.

Bổ sung đủ nguồn vốn để phát triển nhà ở xã hội, nhà cho công nhân

Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà, đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) nêu: “Chính phủ đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả quan trọng trong việc giải quyết vấn đề nhà ở cho các đối tượng có công với cách mạng và nhà ở đối với các hộ nghèo. Tuy nhiên, nhà ở đối với công nhân thì hiện nay đạt kết quả còn rất khiêm tốn. Đề nghị Chính phủ cho biết những chính sách và giải pháp mới hiệu quả để khắc phục tình trạng nêu trên?”.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết nhà ở xã hội, trong đó có nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp và nhà ở đô thị luôn được quan tâm, coi đây là trọng tâm trong chính sách phát triển nhà ở quốc gia.

Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương nỗ lực cố gắng và thực hiện được 3,8 triệu m2 nhà ở cho công nhân và nhà ở xã hội, trong đó có khoảng 1,8 triệu m2 nhà ở cho các hộ nghèo đô thị, khoảng 2 triệu m2 cho nhà ở công nhân. Tuy đã có cố gắng, nhưng so với yêu cầu còn rất thấp. Vì vậy, theo Bộ trưởng Hà, hiện nay, cung-cầu cho nhà ở này đang mất cân đối gay gắt.

Để giải quyết được vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03 năm 2017 về một số giải pháp để thúc đẩy phát triển nhà ở, trọng tâm là nhà ở cho công nhân của khu công nghiệp và nhà ở đô thị. Do đó, chúng tôi nghĩ rằng nếu các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chỉ thị với các nhiệm vụ, giải pháp rất cụ thể, chúng ta sẽ có chuyển biến mới trong vấn đề đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân các khu công nghiệp.

Vấn đề có tích chất quyết định mang tính đột phá để giải bài toán nhà ở xã hội, nhà cho công nhân Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nói, mấu chốt vẫn phải bố trí đủ vốn ngân sách nhà nước theo quy định của Luật Nhà ở để hỗ trợ những người mua nhà vay để thuê mua nhà ở, trong đó có công nhân của các khu công nghiệp. Trong kế hoạch đầu tư trung hạn 5 năm, mặc dù Quốc hội, Chính phủ quan tâm nhưng mới bố trí được chưa đầy 1,2 nghìn tỷ đồng cho nhu cầu này, trong khi đó nhu cầu thực tế khoảng 9.000 tỷ đồng.

"Hiện nay, các đối tượng mua nhà xã hội, đặc biệt là công nhân khu công nghiệp cũng rất mong muốn có khoản này để hỗ trợ nâng cao khả năng thanh toán cho việc mua và thuê mua nhà ở của họ. Mong rằng Quốc hội quan tâm vấn đề này, Chính phủ đã dự kiến bố trí khoảng 2-3 nghìn tỷ đồng, xử lý vốn dự phòng của kế hoạch trung hạn 5 năm"- Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho hay

Tình trạng vi phạm xây dựng diễn ra phổ biến

Trên góc độ vi phạm xây dựng, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) nêu vấn đề nhiều công trình xây dựng không giấy phép, sai giấy phép mọc lên như tòa nhà ở phố Lê Trực, Hà Nội, đang thách thức sự kiên nhẫn của cử tri. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Xây dựng cho biết lộ trình giải quyết dứt điểm các vi phạm ở chung cư như hiện nay.

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho biết trong những năm qua, hoạt động xây dựng dần đi vào nền nếp, trật tự; số vụ vi phạm giảm dần. Tính bình quân 3 năm từ năm 2016 tới 9 tháng năm 2018, số vụ vi phạm hoạt động xây dựng đã giảm, bình quân là 13,2% tương đương với 1.100 vụ/năm.

Tuy nhiên, tình trạng vi phạm trong hoạt động xây dựng vẫn còn diễn ra khá phổ biến và diễn biến phức tạp. Một số vụ việc vi phạm chưa được phát hiện kịp thời, một số vụ việc chưa được xử lý một cách dứt điểm, nghiêm minh. Ví dụ, 9 tháng năm 2018, có đến 10.881 công trình vi phạm, trong đó xây dựng không phép là 3.060 vụ, sai phép là 5.481 vụ và các vi phạm khác là 2.340 vụ.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà cho rằng, một trong những nguyên nhân dẫn đến việc này là còn thiếu một số quy định pháp luật hoặc một số các quy định pháp luật đã có nhưng chưa đủ rõ dẫn tới các sai phạm. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành pháp luật về hoạt động xây dựng của một số chủ thể tham gia như các nhà thầu, chủ đầu tư, thậm chí cơ quan quản lý nhà nước, một bộ phận nhân dân còn chưa tốt.

Về giải pháp khắc phục tình hình trong thời gian tới, Bộ trưởng Hà nói: “Về phần mình, Bộ Xây dựng và tôi với tư cách là Bộ trưởng xin hứa với Quốc hội sẽ làm hết sức mình. Tôi không dám hứa và không dám cam kết về một lộ trình cũng như thời điểm có thể chấm dứt vi phạm trong hoạt động xây dựng, nhưng tôi xin nhắc lại, tôi xin hứa sẽ nỗ lực hết sức mình”.

H.Phạm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này