Lạm dụng truyền dịch: Lợi bất cập hại

10:11 | 19/10/2018
(LĐTĐ) Theo nhiều chuyên gia y tế, hiện nay việc lạm dụng truyền dịch, truyền nước đang ngày càng gia tăng. Sự tùy tiện này khiến cho phương pháp truyền dịch, có thể dẫn đến những hậu quả đáng tiếc đe dọa sức khỏe, thậm chí khiến người bệnh tử vong nhanh chóng.
lam dung truyen dich loi bat cap hai Bé trai 22 tháng tuổi tử vong sau khi truyền dịch tại phòng khám tư
lam dung truyen dich loi bat cap hai Vụ nữ sinh viên tử vong sau truyền dịch: “Không có sai sót chuyên môn”

Mất mạng vì truyền dịch

Thời gian gần đây đã có một số sự cố về việc người dân tự ý truyền dịch tại nhà.Tuy nhiên nhiều người dân vẫn rất chủ quan trong việc truyền dịch, không cần khám bệnh, chẳng cần được chỉ định, thậm chí bất chấp cả quy định cấm của ngành y tế. Đơn cử, vừa qua vụ việc bé trai 22 tháng tuổi (Long Biên,TP. Hà Nội) tử vong sau khi được truyền dịch tại phòng khám tư đã gióng lên hồi chuông cảnh báo tình trạng người dân lạm dụng truyền dịch. Đặc biệt, là truyền dịch tại những phòng khám tư không đảm bảo chuyên môn.

Cụ thể ngày 15/10 cháu N.G.B. được bố mẹ đưa đến khám tại phòng khám Chuyên Khoa Nội của bác sĩ Nguyễn Thị Kim Cúc ở quận Long Biên (Hà Nội) với các dấu hiệu ho, sốt. Bác sĩ Cúc kê đơn thuốc điều trị tại nhà, sau khi uống thuốc một ngày, bệnh nhân không đỡ, kèm theo bị tiêu chảy, nôn nhiều lần nên gia đình đưa cháu B. đến khám lại tại phòng khám của bác sĩ Cúc vào ngày 16/10. Cháu B. được bác sĩ Cúc khám và trực tiếp truyền dịch (loại dịch Ringer lactat), truyền được 15 phút thì bệnh nhân có dấu hiệu tím tái, bác sĩ Cúc ngay lập tức rút kim truyền và trực tiếp cùng gia đình đưa bệnh nhân vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cấp cứu.

lam dung truyen dich loi bat cap hai
Người dân chỉ được truyền dịch khi có chỉ định cần thiết của bác sĩ chuyên khoa.

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa Khoa Đức Giang, bệnh nhân có dấu hiệu ngừng thở, ngừng tim, không đo được mạch, huyết áp, đồng tử giãn, không phản xạ ánh sáng… Ngay sau đó, cháu B. được các bác sĩ cấp cứu theo phác đồ ngừng tim, không có kết quả, cháu được chẩn đoán tử vong ngoại viện. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra công an quận Long Biên đã phối hợp với các cơ quan chức năng để làm rõ nguyên nhân tử vong của bệnh nhân.

Theo đại diện Sở Y tế Hà Nội, về tư cách pháp nhân, phòng khám của bác sĩ Cúc có giấy chứng nhân đăng kí kinh doanh, có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh. Phạm vi hoạt động của phòng khám này được phê duyệt bao gồm: Sơ cứu, khám bệnh, chữa bệnh đối với các bệnh nội khoa thông thường, không làm các thủ thuật chuyên khoa. Theo quy chế của Bộ Y tế, một phòng khám nội được cấp phép khám chữa, điều trị sẽ được phép tiêm truyền dịch cho bệnh nhân. Tuy nhiên, để điều trị cho trẻ nhỏ, phòng khám phải có chuyên Khoa Nhi. Bên cạnh đó, trường hợp trẻ 2 tuổi, mắc bệnh nặng cần tiêm truyền, theo đúng nguyên tắc, phòng khám của bác sĩ Cúc cần chuyển bệnh nhân lên đúng chuyên khoa trong các bệnh viện.

Đây chỉ là một trong rất nhiều sự cố tử vong trong quá trình truyền dịch tại phòng khám tư nhân. Trên thực tế, còn nhiều phòng khám tư nhân không có giấy phép, thậm chí ngay cả một số hiệu thuốc vẫn vô tư thực hiện truyền dịch tại nhà. Chưa kể, nhiều người có suy nghĩ truyền dịch là phương pháp nhanh, tốt và rẻ nhất giúp cơ thể phục hồi, bệnh tật nhanh khỏi.

Họ cho rằng thứ dịch truyền được gọi là “nước hoa quả, đạm” đều lành tính, đơn thuần không gây hại. Vì thế, khi ốm, sốt, cảm thấy mệt mỏi, nhiều người ra hiệu thuốc, mua dịch truyền với giá hơn 100.000 đồng/lọ, dây truyền, kim tiêm và sử dụng thay vì tới bệnh viện. Như vậy, chính sự bừa bãi, thiếu hiểu biết, vô trách nhiệm của nhiều người đang biến dịch truyền trở thành “con dao hai lưỡi” đe dọa sức khỏe, tính mạng con người.

Chỉ truyền dịch khi có chỉ định

Theo PGS.TS Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, hiện nay, việc cấp chứng chỉ hành nghề cho các phòng khám tư rất chặt chẽ, tuy nhiên tình trạng các phòng khám hoạt động quá phạm vi chuyên môn cho phép vẫn còn.

Trong khi, nhiều người dân còn thiếu hiểu biết về chuyên môn y tế nên dẫn tới những câu chuyện đau lòng như trên. Bởi vậy, để hạn chế tối đa và giải quyết hiệu quả vấn đề này, thì cần nâng cao công tác tuyên truyền vận động để cho các cơ sở, phòng khám tư nhân hành nghề có trách nhiệm, đảm bảo chuyên môn trong việc phối hợp với các cơ sở y tế công lập chăm sóc sức khỏe người dân. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các phòng khám tư nhân sai phạm.

Đặc biệt, Sở Y tế yêu cầu phải niêm yết phạm vi hành nghề của mỗi cơ sở, để các y bác sĩ nghiêm túc thực hiện. Bên cạnh đó, với việc niêm yết phạm vi hành nghề sẽ giúp người dân biết được, cơ sở y tế đó được và không được phép thực hiện những thủ thuật y tế nào… để chủ động trong việc chăm sóc sức khỏe của mình và người thân.

Trao đổi với phóng viên, bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Oanh, Trưởng Khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cho biết về bản chất, truyền dịch là một cách đưa thuốc vào cơ thể khi muốn điều trị bệnh. Các cách đưa thuốc vào cơ thể thường dùng có đường uống, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch và truyền dịch.Truyền dịch mà chúng ta đang nhắc tới ở đây chính là truyền tĩnh mạch.

Và việc truyền dịch chỉ thực hiện khi bệnh nhân không còn cách nào để bù nước, dưỡng chất cho cơ thể. Thông thường, bệnh nhân vẫn có thể bù nước, dưỡng chất bằng cách ăn uống. Trong khi, ăn uống còn cung cấp dưỡng chất nhanh hơn, hiệu quả hơn nhiều. Đơn cử, với tỉ lệ 5g đường/100ml dung dịch thì truyền 1 chai glucose 5% chỉ tương đương với việc uống gần 1 thìa café đường.

Chính vì thế, bác sĩ khuyên, chỉ khi bệnh nhân không thể ăn uống, nôn trớ quá nhiều, tiêu chảy, sốc nhiễm khuẩn… mà không thể bù nước qua đường ăn uống thì cần truyền dịch. Tuy nhiên, truyền dịch phải có sự chỉ định của bác sĩ và không phải trường hợp nào cũng được truyền, nhất là bệnh nhân sốt cao.

Trong quá trình truyền dịch, việc tính toán tốc độ truyền, dịch truyền là do bác sĩ chỉ định từng bệnh nhân chứ không nên tùy tiện muốn là truyền sẽ rất nguy hiểm.Trong tất cả các trường hợp truyền dịch, bác sĩ phải tiến hành đo huyết áp, nhịp tim, phổi, tìm hiểu cơ địa,… rồi mới truyền dịch. Theo bác sĩ Oanh, việc truyền dịch có tác dụng trong các trường hợp bệnh cụ thể.

Nhóm cung cấp chất dinh dưỡng bao gồm dung dịch glucose các loại 5%, 10%, 20%, 30% và các dung dịch chứa chất đạm, chất béo và vitamin chỉ nên được truyền cho những đối tượng phẫu thuật, suy dinh dưỡng, không ăn được bằng đường miệng, không tiêu hóa được thức ăn… Nhóm cung cấp nước, các chất điện giải như dung dịch lactate ringer, natri clorua 0,9%, bicarbonate natri 1,4%... dùng trong trường hợp mất nước, mất máu khi bị tiêu chảy, bỏng, ói mửa, ngộ độc.Trong một số trường hợp đặc biệt, dù chưa có kết quả xét nghiệm nhưng cũng cần truyền nước khi bệnh nhân bị: Mất nước, mất máu, suy dinh dưỡng nặng, bị ngộ độc, trước và sau khi phẫu thuật...

Bác sĩ Oanh khuyến cáo người bệnh chỉ truyền dịch khi có chỉ định cần thiết của bác sĩ. Đặc biệt là đối với trẻ em, việc truyền dịch càng phải thận trọng và nên đưa vào bệnh viện nơi có chuyên khoa nhi để xử trí và điều trị kịp thời. Đối với cơ sở y tế thực hiện truyền dịch phải có đầy đủ dụng cụ, trang thiết bị để xử lý khi có tai biến, biến chứng. Nhân viên y tế phải có kinh nghiệm nhận biết khi người bệnh bị sốc và biết cách xử trí đúng theo phác đồ.Và tuyệt đối không nên lạm dụng truyền dịch ví dụ như chỉ truyền “nước biển” để hạ sốt, truyền đạm “hoa quả” (dịch truyền cung cấp một số loại vitamin) để cho khỏe hơn bởi vì trong nhiều trường hợp, những rủi ro đã xảy ra.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này