Phòng cháy chữa cháy tại các chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội

Nước xa… sao cứu được lửa gần?

10:14 | 19/10/2018
(LĐTĐ) Nhiều vụ cháy nổ ở các chợ liên tiếp xảy ra trong thời gian gần đây với những con số thiệt hại lớn về người và tài sản đang gióng lên hồi chuông báo động về công tác phòng cháy chữa cháy. Nguy cơ cháy nổ vẫn đang hiện hữu từng ngày, từng giờ ở mọi nơi. Tuy nhiên, cuộc chiến này chỉ thực sự hiệu quả khi mỗi người dân tự nâng cao ý thức trách nhiệm, tích cực, chủ động và tự trang bị kiến thức phòng cháy chữa cháy cho bản thân.
nuoc xa sao cuu duoc lua gan Chợ khang trang “đắp chiếu” trong khi chợ… vẫn thiếu
nuoc xa sao cuu duoc lua gan Bất cập trong công tác phòng cháy chữa cháy ở chợ dân sinh

Theo số liệu của Cảnh sát phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội, những tháng đầu năm 2018, qua rà soát tại 313 chợ, bao gồm 220 chợ kiên cố và bán kiên cố thuộc diện quản lý, theo dõi về phòng cháy, chữa cháy và 93 chợ không thuộc diện quản lý chỉ có 35 chợ bảo đảm các điều kiện an toàn; 278 chợ (chiếm hơn 80%) còn lại không bảo đảm các tiêu chí về phòng cháy, chữa cháy (trong đó 6 chợ đã tạm dừng hoạt động, chưa có phương án hoạt động và đang xây dựng, cải tạo, thay đổi công năng).

Ghi nhận của phóng viên báo Lao động Thủ đô tại một số khu chợ hiện nay cho thấy, công tác PCCC tại các chợ của Hà Nội còn chưa thực sự được quan tâm, nhiều tiểu thương vẫn còn lơ là trong việc đảm bảo an toàn PCCC, chưa chấp hành nghiêm các quy định về PCCC.Trong đó, vi phạm từ việc sắp xếp hàng hóa cho đến bày biện hàng hóa kín lối đi,... Ý thức tiểu thương về an toàn PCCC đã kém, nhưng ý thức người đi chợ còn kém hơn, trong cảnh hàng hóa, quần áo bày bán la liệt, người đi chợ vẫn vô tư hút thuốc lá bốc khói nghi ngút.

nuoc xa sao cuu duoc lua gan
Bình chữa cháy được trang bị tại các ki ốt tuy nhiên không phải tiểu thương nào cũng biết cách sử dụng bình. (Ảnh: Nguyễn Hoa)

Đơn cử tại chợ Nhà Xanh nằm trên đường Phan Văn Trường (quận Cầu Giấy, Hà Nội) gần các trường đại học lớn nên lúc nào cũng tấp nập. Hàng hóa bày bán tại chợ rất đa dạng và phong phú, phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên. Các mặt hàng bày bán ở đây phần lớn đều là những vật liệu dễ cháy. Tuy nhiên, công tác PCCC ở đây chưa thực sự được các chủ cửa hàng coi trọng. Hàng hóa được các tiểu thương bày bán kín trong và ngoài chợ.

Thậm chí, phần lòng đường nhỏ bé cũng bị chiếm dụng làm nơi kinh doanh. Tại một số chợ dân sinh khác trên địa bàn Thủ đô như chợ Phùng Khoang, chợ Hà Đông,... bên trong các ki ốt bán cá, gia cầm, quầy hàng ăn,… một số tiểu thương tự ý câu mắc điện. Nhiều dây điện cũ kỹ, vỏ bị bong tróc nhưng tiểu thương vẫn “tận dụng” chắp nối. Có trường hợp sử dụng dây điện cắm trực tiếp vào ổ cắm, rất dễ gây chập cháy điện.

Đáng lo ngại hơn, đối với một số ki ốt bán vàng mã tại các chợ rất nhiều loại dầu đèn thắp ban thờ được bày bán đa dạng. Trong khi đó, tại không ít các gian hàng, vì thuận tiện chủ bán hàng thản nhiên nấu ăn ngay tại quầy. Cùng đó, nhằm quảng cáo, giới thiệu mùi hương thơm cho khách hàng, nhiều tiểu thương còn đốt hương tại gian hàng của mình, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ. Nói về những vi phạm của mình, một số tiểu thương ở đây biện minh do diện tích sạp chợ hẹp nên tận dụng thêm khoản trống để kinh doanh. Cùng với đó, trên thực tế không ít người vẫn nghĩ phòng chống cháy nổ là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy.

Bài học sau mỗi vụ cháy, nổ đã chỉ ra rằng, trách nhiệm phòng chống cháy nổ không phải của riêng ai mà của toàn xã hội. Công tác phòng cháy chữa cháy không chỉ cần có lực lượng chuyên môn, quan trọng nhất vẫn là ý thức tự giác của mỗi người dân. Dù cố gắng nỗ lực đến đâu thì những việc làm của lực lượng PCCC cũng không thể ngăn hỏa hoạn xảy ra mà chỉ hạn chế được phần nào thiệt hại do hỏa hoạn mang lại bởi lẽ nước xa sao có thể cứu được ... lửa gần.

Trao đổi với PV báo Lao động Thủ đô về vấn đề ý thức chấp hành của các tiểu thương trong công tác PCCC, ông Nguyễn Trường Sơn - Phó công an quận Cầu Giấy, phụ trách công tác PCCC cho biết: Khi có các vụ cháy lớn xảy ra, người dân có ý thức hơn về PCCC nhưng sau đó lại bình thường. Nhìn chung ý thức của người dân về PCCC còn kém.

“Gần đây chúng tôi triển khai tập huấn PCCC cho người dân theo hướng cầm tay chỉ việc, nói về những nguyên nhân gây cháy nổ thực tế ở chợ để người dân hào hứng tham gia hơn tuy nhiên sau đó có thực hiện hay không còn phụ thuộc vào ý thức của từng người dân. Chúng tôi tổ chức rất nhiều buổi tập huấn tuyên truyền phòng cháy miễn phí cho người dân ở các khu dân cư, các chợ,... nhưng số lượng người dân tham gia rất ít, chỉ khoảng 10 -15% và họ vẫn rất thờ ơ.

Vấn đề quan trọng nhất là ý thức người dân và trách nhiệm của Ban quản lý chợ. Người dân cần chấp hành tốt các điều kiện về PCCC trong chính nơi mình kinh doanh. Ban quản lý chợ phải nâng cao vai trò quản lý, xử phạt những hộ kinh doanh không đảm bảo các điều kiện, vi phạm quy định về PCCC, tổ chức tập huấn tuyên truyền bằng loa nội bộ của chợ, nhắc nhở dân không được thắp hương, ngắt cầu dao điện trước khi ra về, bố trí khu vực kinh doanh riêng đối với mỗi ngành hàng”, ông Sơn nhấn mạnh.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này