Nhiều tác động với lao động nữ trong kỷ nguyên số

16:41 | 04/10/2018
(LĐTĐ) Với tỷ lệ tham gia lực lượng lao động cao hơn so với mức trung bình của thế giới, tuy nhiên, lao động nữ ở nước ta vẫn chịu sự yếu thế hơn lao động nam khi nhận lương ít hơn, có trình độ chuyên môn thấp hơn. Đây cũng là nhóm lao động chịu tác động nhiều nhất trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0.
nhieu tac dong voi lao dong nu trong ky nguyen so Giao lưu trực tuyến: “Lao động nữ - chính sách và cuộc sống”
nhieu tac dong voi lao dong nu trong ky nguyen so Quy định bảo vệ thai sản đối với lao động nữ

Chịu nhiều tác động rủi ro

Theo Tiến sĩ Đào Quang Vinh, Viện trưởng Khoa học lao động - xã hội (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) , tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của nữ giới ở nước ta là khoảng 71%, cao hơn so với tỷ lệ trung bình của thế giới, trong khi con số tương đương của lao động nam là 81%, Tuy vậy, tiền lương của lao động nữ chỉ bằng 88% tiền lương của lao động nam. Trình độ chuyên môn - kỹ thuật của nữ được thống kê cho thấy thấp hơn nam.

nhieu tac dong voi lao dong nu trong ky nguyen so
Lao động nữ luôn phải nỗ lực trong công việc.

Lao động nữ chiếm tỷ trọng cao ở những ngành nghề không đòi hỏi chuyên môn như lao động giản đơn (40% so với 35%), nhân viên dịch vụ và bán hàng (21% so với 12%)… Đặc biệt, khoảng cách giới trong dạy nghề và bậc học tiến sĩ còn cao, thể hiện qua tỷ lệ phụ nữ tham gia thấp hơn đáng kể so với nam. Bên cạnh đó, lao động nữ vẫn tập trung làm việc nhiều nhất trong nhóm ngành nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản.

Họ thường có vị thế việc làm kém hơn lao động nam, tập trung ở nhóm lao động tự làm và lao động gia đình không hưởng lương. Ngoài ra, phụ nữ vẫn phải làm các công việc chăm sóc gia đình không hưởng lương nhiều hơn nam giới 105 phút mỗi ngày, 12 buổi mỗi tuần, tương đương 80 ngày mỗi năm. Như vậy, họ vẫn đang mang “gánh nặng kép”, khi vừa phải làm việc, vừa chịu trách nhiệm chăm lo cho gia đình.

Cũng theo Tiến sĩ Đào Quang Vinh, trong kỷ nguyên số, kết quả nghiên cứu cho thấy, trong mười năm tới, những công việc có thể bị thay thế bằng hệ thống máy móc tự động hóa là việc làm có rủi ro. Những ngành có rủi ro cao nhất bao gồm: Nông - lâm - thủy sản, công nghiệp chế biến - chế tạo, bán buôn bán lẻ.

Ở Việt Nam, số phụ nữ hiện đang làm những công việc có khả năng sẽ chuyển sang tự động hóa cao gần 2,4 lần so với nam giới. Những ngành chịu tác động mạnh mẽ nhất là dệt may và da giầy. Một nghiên cứu của Tổ chức Lao động thế giới (ILO) chỉ ra rằng, 86% lao động làm công ăn lương ở Việt Nam trong các ngành này có thể bị mất việc do ứng dụng các tiến bộ công nghệ.

Ông Vinh nhận định, lao động nữ, lao động có trình độ thấp và lao động làm nghề có lương thấp sẽ chịu tác động nhiều nhất của Cách mạng công nghiệp 4.0. Trình độ học vấn càng thấp, làm những việc giản đơn, người lao động có nguy cơ bị máy móc thay thế càng cao. Lao động có trình độ từ tiểu học trở xuống có rủi ro cao lớn hơn 10-30% so với lao động có trình độ trung học phổ thông.

Cùng nhận định như trên, bà Trịnh Thanh Hằng, Trưởng ban Nữ công (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) dẫn chứng: Lao động nữ chiếm tới 63% tổng số lao động đang làm việc tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và đa số có tuổi đời từ 18 đến 24. Những ngành, nghề đang sử dụng nhiều lao động, có tỷ lệ lao động là nữ chiếm khoảng 80-90% như da giày, dệt may, chế biến thủy sản… có nguy cơ bị máy móc thay thế cao nhất. Điều đó đồng nghĩa với việc một lực lượng không nhỏ lao động trẻ là nữ đứng trước nguy cơ bị mất việc làm trong tương lai không xa.

Tất cả những nhận định trên phần nào cho thấy, trong kỷ nguyên số, lao động nữ phải đối mặt với nhiều khó khăn, trong đó, thách thức lớn nhất là phải nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề; tìm việc làm ổn định, mang lại thu nhập đủ để trang trải cho cuộc sống và có tích lũy.

Cần chủ động nắm bắt cơ hội

Theo Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), sự phát triển của công nghệ số tiếp tục tác động toàn diện, sâu sắc đến tất cả các ngành, nghề, lĩnh vực, các đối tượng lao động. Trong quá trình phát triển đó sẽ có ngành, nghề mất đi, một số công việc mới sẽ xuất hiện. Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà cũng nhận định: Kỷ nguyên số sẽ mở ra nhiều cơ hội để phát triển nền kinh tế tri thức, các hình thức kinh doanh mới. Đây cũng coi là cơ hội cho cả phụ nữ và nam giới tham gia vào thị trường lao động. Bởi vậy, thay vì lo lắng, người lao động, nhất là lao động nữ, cần mạnh dạn thay đổi, chủ động nắm bắt cơ hội.

Nghiên cứu về vấn đề nói trên, bà Dương Kim Anh, Phó Giám đốc Học viện Phụ nữ Việt Nam khẳng định, lao động nữ có năng lực, phẩm chất tốt, có khả năng thích ứng với sự thay đổi. Những yếu tố này nếu được khơi dậy đúng cách sẽ giúp họ có kỹ năng làm việc tốt.

“Lao động nữ hãy phát huy nội lực, tinh thần ham học hỏi, chăm chỉ làm việc, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề. Không có giải pháp nào hỗ trợ lao động nữ tốt hơn là sự cố gắng của chính bản thân họ”, bà Dương Kim Anh nói. Chia sẻ kinh nghiệm, bà Nguyễn Thị Thanh Huyền, Tổng Giám đốc Tổng công ty May 10 cho biết, mình luôn làm việc với tinh thần “cố gắng bằng tất cả sức lực, đích đến sẽ gần hơn”.

Đội ngũ lãnh đạo và người lao động luôn hoạt động theo mô hình “vì con người”, coi con người là tài sản quý giá. Nhờ đó, gần 9.000 lao động nữ, chiếm hơn 80% số lao động của Tổng công ty May 10, yên tâm gắn bó với công việc, mang lại thu nhập bình quân đạt hơn 7,3 triệu đồng/người/tháng.

Còn ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội thì cho biết, ở nước ta, khung pháp lý chống phân biệt đối xử về giới nhằm bảo vệ phụ nữ và lao động nữ đã tương đối đầy đủ, nhưng trong quá trình triển khai chưa được chú trọng, khiến một số chính sách chưa đi vào đời sống. Hơn nữa, nhận thức của xã hội về giới chưa có nhiều thay đổi, lao động nữ vẫn thường có tâm lý “nhường” cơ hội phát triển cho nam giới hoặc tự bằng lòng với những gì đang có. Để khắc phục, các ngành, đơn vị, địa phương cần thực thi hiệu quả chính sách thúc đẩy bình đẳng giới; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về giới.

Thực tế cho thấy, ở nước ta, lao động nữ chiếm tới 48% lực lượng lao động xã hội. Bởi vậy, việc sớm gỡ bỏ các rào cản hạn chế sự phát triển toàn diện của lao động nữ sẽ góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này