![]() | Bỏ đề xuất tăng lương giáo viên và miễn học phí THCS trong Luật Giáo dục |
![]() | Miễn đóng học phí cấp nào trước? |
Theo tính toán của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), ngoài kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên và chi thực hiện chính sách miễn, giảm học phí cho học sinh theo quy định, khi thực hiện chính sách miễn học phí đối với trẻ mẫu giáo 5 tuổi, học sinh THCS công lập và hỗ trợ học phí cho học sinh ngoài công lập, ngân sách phải chi thêm khoảng 4.730 tỷ đồng mỗi năm.
Thực hiện theo đúng chủ trương trên của Chính phủ, mỗi năm sẽ có khoảng hơn 5 triệu học sinh được hưởng lợi. Ngay tại Hà Nội, bắt đầu từ năm học 2018-2019, mức học phí đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập ở tất cả các địa bàn đều tăng. Cụ thể, học sinh khu vực thành thị đóng 155.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 45.000 đồng), ở nông thôn 75.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 20.000 đồng), miền núi 19.000 đồng/tháng/học sinh (tăng 5.000 đồng).
![]() |
Việc miễn học phí ở cấp THCS đang được quan tâm. |
Với mức tăng này, người dân ở vùng nông thôn, ngoại thành, miền núi thu nhập chủ yếu từ nghề nông, làm thuê thì việc bớt được vài trăm ngàn đồng tiền đóng học phí mỗi kỳ sẽ làm giảm áp lực về cả tâm lý lẫn tài chính, nhất là những hộ nghèo có hai con cùng đi học.
Khi nghe tin về chủ trương này, nhiều phụ huynh đang có con theo học khối THCS vui mừng và mong việc miễn học phí được triển khai càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, dù vui mừng và đánh giá cao chính sách miễn học phí, nhưng nhiều phụ huynh vẫn lo lắng về các khoản phụ thu. Số tiền vài trăm nghìn đóng học phí một năm học không đáng là bao so với các khoản thu xã hội hóa ở nhiều trường hiện nay. Một phụ huynh có con học ở trường THCS Ba Đình, Hà Nội cho rằng: Thực hiện miễn học phí, các cơ quan chức năng phải ban hành các quy định chặt chẽ khác đi kèm để người dân không phải đóng góp các khoản khác để bù vào học phí.
Thực tế thì luật giáo dục hiện hành quy định ngoài học phí, người học không phải nộp khoản nào khác nhưng rõ ràng, phụ huynh và học sinh vẫn phải “cõng” rất nhiều các khoản tự nguyện khác. Nhiều chuyên gia giáo dục phân tích: Nếu không có khoản tiền học phí, các trường sẽ thiếu hụt. Liệu nhà nước có đảm bảo cấp bù đủ ngân sách này, trong khoảng thời gian dài hạn? Một số lãnh đạo trường THCS cho rằng đây là chính sách nhân văn nhưng bày tỏ băn khoăn về nguồn ngân sách bù cho học phí như trước đây.
Về vấn đề này, theo thông tin từ phía Bộ GD&ĐT, khi đưa ra đề xuất miễn học phí bậc THCS, Bộ đã cân nhắc tới vấn đề phụ huynh có thể phải đóng các khoản khác tăng lên hoặc có thể xảy ra tình trạng lạm thu để có giải pháp kiểm soát. Do vậy, Bộ đã ban hành các văn bản quy định rất chặt chẽ về các khoản được thu, không được thu và yêu cầu các cơ sở giáo dục không được phép thu các khoản trái quy định, sẽ xử lý nghiêm các cơ sở, người đứng đầu các cơ sở giáo dục vi phạm.
Phạm Thảo
Đường dẫn bài viết: https://laodongthudo.vn/mien-hoc-phi-cho-hoc-sinh-thcs-xu-ly-nghiem-neu-thu-trai-quy-dinh-80830.html
In bài viết© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này