Đôi vợ chồng cả đời giữ hồn nghề làm mặt nạ giấy bồi ở phố cổ Hà Nội

15:15 | 22/09/2018
(LĐTĐ) Với niềm đam mê và ý thức lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, gần 40 năm nay, vợ chồng ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan (phố Hàng Than, Ba Đình, Hà Nội) vẫn miệt mài với nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống được truyền lại từ đời cha ông. Trải qua bao thay đổi của thời cuộc, đến nay, gia đình ông Hòa là nơi duy nhất còn làm mặt nạ giấy bồi truyền thống ở phố cổ Hà Nội.    
doi vo chong danh ca doi giu hon nghe lam mat na giay boi o pho co ha noi Thu về trên phố bích họa Phùng Hưng
doi vo chong danh ca doi giu hon nghe lam mat na giay boi o pho co ha noi Hà Nội tăng gần 1.000 trường chuẩn quốc gia
doi vo chong danh ca doi giu hon nghe lam mat na giay boi o pho co ha noi Lan tỏa những nét đẹp văn hóa công sở
doi vo chong danh ca doi giu hon nghe lam mat na giay boi o pho co ha noi
Bà Lan đang tỉ mỉ hoàn thiện từng chiếc mặt nạ giấy bồi. Ảnh Mai Quý

Đến phố Hàng Than (Ba Đình, Hà Nội), hỏi thăm gia đình ông Nguyễn Văn Hòa và bà Đặng Hương Lan làm nghề mặt nạ giấy bồi, dường như ai ai cũng biết. Từ sự chỉ dẫn nhiệt tình của người dân địa phương, chúng tôi tìm được ngôi nhà của đôi vợ chồng đã gần 40 năm giữ hồn nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống. Quan sát thấy, dường như, tất cả mọi khoảng trống đón ánh nắng mặt trời của căn nhà đều được ưu tiên nhường chỗ cho những chiếc mặt nạ giấy bồi đang trong quá trình hoàn thiện.

Chia sẻ với chúng tôi, bà Lan cho biết, nghề làm mặt nạ giấy bồi là nghề được truyền lại từ cha ông. Từ xưa, bố mẹ bà đã có nghề làm mặt nạ giấy bồi. Tuổi thơ bà cũng gắn với bột hồ, những mẩu giấy và chiếc mặt nạ đủ loại hình thù khác nhau. Đến khi lập gia đình, ngoài công việc chính, sẵn có nghề truyền thống của gia đình, vợ chồng bà tranh thủ làm thêm những chiếc mặt nạ giấy bồi để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Khi về hưu, hai vợ chồng bà toàn tâm, toàn ý làm nghề này bằng chính niềm đam mê và ý thức lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống.

Trong suốt quá trình làm nghề, gia đình bà Lan luôn mở rộng cánh cửa chào đón những đoàn khách trong và ngoài nước đến tham quan và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, bí quyết để làm nên những chiếc mặt nạ giấy bồi đẹp về hình thức, tốt về chất lượng và không gây ảnh hưởng đến môi trường với mong muốn quảng bá những nét đẹp văn hóa truyền thống và tìm được những người có đam mê với nghề để tiếp tục kế thừa và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc.

doi vo chong danh ca doi giu hon nghe lam mat na giay boi o pho co ha noi
Ông Hòa đang chau chuốt từng nét vẽ trên mặt nạ giấy bồi hình siêu nhân. Ảnh Mai Quý

Chia sẻ về quy trình làm nên những chiếc mặt nạ giấy bồi, ông Hòa cho biết, để làm nên một chiếc mặt nạ bằng giấy bồi thành công là cả một quá trình nghệ thuật, trải qua nhiều công đoạn công phu. Nguyên liệu gồm giấy A4, bìa vở học sinh, hồ được nấu từ bột sắn dây và các khuôn được đúc bằng bê tông với đủ mọi hình thù mà thiếu nhi yêu thích. Hiện nay, gia đình ông Hòa đang có gần 30 khuôn mặt nạ khác nhau gồm cả những mặt nạ hình truyền thống và hiện đại như mặt nạ hình ông Địa, chú Tễu, Tôn Ngộ Không, Chư Bát Giới, siêu nhân…

Tay vừa cầm bút vẽ mắt, miệng cho mặt nạ, ông Hòa vừa nói, quy trình làm nên một chiếc mặt nạ giấy bồi bắt đầu từ việc phải xé giấy thật nhỏ, sau đó lót một lớp giấy trắng vào khuôn xi măng đúc sẵn. Lớp trước được dán chồng lên lớp sau, kết dính bằng hồ đun chín từ bột sắn. Khoảng 5, 6 lớp giấy vụn sẽ làm ra một chiếc mặt nạ giấy bồi.

Sau khi hoàn thiện công đoạn thô, mặt nạ giấy bồi phải được phơi nắng tự nhiên chứ không được dùng máy sấy, vì dùng máy sấy sẽ làm cong và biến dạng mặt nạ. Mỗi lần tô màu chỉ được tô một màu, mặt nạ nhiều màu phải tô thành nhiều lần để đảm bảo màu sắc luôn được bền. Mỗi khi tô xong một chi tiết trên mặt nạ phải mang ra phơi ngay.

Sau khi mặt nạ khô mới vẽ các phần khác. Mặt nạ giấy bồi được phủ bằng lớp sơn tổng hợp. Cách pha màu cũng đòi hỏi sự chính xác cao mới tạo được màu tươi và đẹp cho mặt nạ.

doi vo chong danh ca doi giu hon nghe lam mat na giay boi o pho co ha noi
Những chiếc mặt nạ giấy bồi được phơi nắng trước khi làm công đoạn tiếp theo. Ảnh Mai Quý

Ông Hòa chia sẻ: “Ai cũng có thể nắm được các bước làm, tuy nhiên, để có mặt nạ đẹp, mang đúng hồn cốt cần sự khéo léo và dành tâm huyết vào từng công đoạn”. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng ông chỉ hoàn thiện được khoảng 30 chiếc mặt nạ. Mỗi mặt nạ phải đặt lên, hạ xuống làm các bước ít nhất 7 lần mới hoàn chỉnh, giá thành mỗi sản phẩm dao động từ 30.000 - 50.000 đồng/chiếc.

Trải qua bao đổi thay của thời cuộc, với sự xuất hiện của vô vàn các loại đồ chơi hiện đại, không ít người tiêu dùng đã quay lưng với đồ chơi dân gian. Thêm vào đó, cũng có nhiều người tìm đến với nghề làm mặt nạ giấy bồi truyền thống nhưng chỉ quan tâm đến số lượng mà bỏ qua chất lượng nên chỉ được một thời gian là lại bỏ nghề, chuyển hướng làm công việc khác. Buồn nhất là nhiều tiểu thương dùng chính những chiếc mặt nạ làm nhái với chất lượng kém bán ra thị trường nhưng lại lấy thương hiệu mặt nạ của ông Hòa, bà Lan ở phố Hàng Than.

Tuy nhiên, vợ chồng ông Hòa vẫn luôn miệt mài với nghề làm mặt nạ giấy bồi bởi như chính lời ông chia sẻ: “Vợ chồng tôi làm nghề bằng niềm đam mê và ý thức lưu giữ, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống. Bên cạnh đó, chúng tôi luôn được chính quyền địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí tạo điều kiện quảng bá thương hiệu để ngày càng có nhiều người biết đến tìm mua và học hỏi làm mặt nạ giấy bồi truyền thống, qua đó ngày càng phát huy những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.”

Mai Quý

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này