Thảo luận 2 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6

20:04 | 06/09/2018
(LĐTĐ) Sáng 6/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức Hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) chuyên trách thảo luật 2 Dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6.  
Thủ tướng yêu cầu tiếp thu, chỉnh sửa một số dự án luật
Nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hành chính
Các bộ trưởng cần xác định rõ trách nhiệm
Nhiều chính sách ưu tiên đầu tư cho giáo dục miền núi

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, việc thảo luận các nội dung dự thảo Luật tại Hội nghị ĐBQH hoạt động chuyên trách để chuẩn bị cho việc hoàn thiện dự thảo trình Quốc hội xem xét, thông qua là hoạt động hết sức có ý nghĩa.

Điều đó tiếp tục khẳng định rõ vai trò, trách nhiệm của ĐBQH hoạt động chuyên trách trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của mình nhằm góp phần nâng cao chất lượng các dự thảo văn bản trình Quốc hội, nhất là đối với các dự án luật có nhiều nội dung khó, có tính chất kỹ thuật, chuyên sâu và là một bước góp ý kiến quan trọng, giúp Quốc hội dành nhiều thời gian để tập trung thảo luận về những nội dung chủ yếu, quan trọng của dự án luật.

Thảo luận 2 dự án luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 6
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc Hội nghị (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã quyết định lựa chọn 2 dự án luật để thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần này, gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Đây là 2 dự án luật nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận xã hội, của cử tri và của các vị ĐBQH. Trong thời gian qua, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan, tổ chức hữu quan tích cực chuẩn bị nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của ĐBQH tại kỳ họp thứ 5 để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo để đưa ra thảo luận ngày hôm nay và tiếp tục khẩn trương hoàn thiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 6 sắp tới.

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau củadự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã thảo luận cho ý kiến lần thứ hai về dự án Luật Phòng, chống tham nhũng.

Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Tư pháp phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các bộ, ngành hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật, gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, các bộ, ngành hữu quan và các chuyên gia.

Ngoài các vấn đề lớn như mở rộng phạm vi áp dụng của dự thảo Luật ra khu vực ngoài nhà nước, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập, đối tượng kê khai tài sản, thu nhập, xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không giải trình được hợp lý về nguồn gốc; dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý nhiều điều luật khác để bảo đảm sự thống nhất, hoàn thiện các quy định khác của dự thảo Luật để bảo đảm đồng bộ, khả thi trước khi trình Quốc hội thông qua.

Thảo luận tại phiên họp, các ĐBQH chuyên trách đánh giá so với kỳ họp thứ 5, Dự thảo Luật lần này đã tiếp thu tương đối nghiêm túc nhiều ý kiến của các ĐBQH, quy định chặt chẽ hơn trong nhiều nội dung.

Đi vào vấn đề cụ thể, các đại biểu bày tỏ sự tán thành cao với việc mở rộng phạm vi áp dụng một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng ra khu vực ngoài nhà nước trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, vì trên thực tế, tình hình tham nhũng khu vực ngoài nhà nước đã và đang xuất hiện làm ảnh hưởng bất lợi đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hoạt động bình thường của các cơ quan nhà nước và hiệu quả công tác phòng chống tham nhũng.

Việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra khu vực ngoài nhà nước phù hợp với quan điểm của Đảng tại Kết luận số 10-KL/TW, đồng bộ với Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định một số tội phạm tham nhũng đối với doanh nghiệp, tổ chức ngoài nhà nước, phù hợp với yêu cầu của Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là thành viên.

Về phương án xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc, nhiều đại biểu tán thành phương án xem xét, giải quyết tại Tòa án.

Theo phương án này, trong trường hợp kết luận tài sản, thu nhập tăng thêm mà người có nghĩa vụ kê khai không giải trình được hợp lý về nguồn gốc thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành kết luận xác minh, cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập phải chuyển kết luận xác minh và các tài liệu có liên quan đến Tòa án có thẩm quyền để yêu cầu xem xét, quyết định về tính hợp lý của việc giải trình và xử lý đối với tài sản, thu nhập này...

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này