Văn hóa ứng xử nơi công cộng:

Ám ảnh rác thải trong kỳ nghỉ lễ, lễ hội

17:09 | 06/09/2018
(LĐTĐ) Có một điều mà người dân Hà Nội không thể phủ nhận là sau mỗi Lễ hội hay kỳ nghỉ lễ, rác thải lại ngập phố. Ở những nơi có đông người dân đến thắng cảnh, vui chơi… đã trở thành bãi chiến trường sau khi lễ hội kết thúc, mặc dù Hà Nội không thiếu những thùng rác công cộng đặt ở khắp mọi ngóc ngách.
rac thai trong ky nghi le le hoi dung thanh noi am anh Tình trạng xả rác, phế thải tràn lan ven đường Hồng Hà sẽ sớm được giải quyết
rac thai trong ky nghi le le hoi dung thanh noi am anh Rác thải tràn lan trên đường 427

Không cần tìm đâu xa, ngay tại phố đi bộ Hồ Gươm sau các dịp nghỉ lễ như Tết, 30/4, 1/5, hay gần nhất là Quốc khánh 2/9 rác thải vẫn là nỗi ám ảnh của du khách hay những người yêu Hà Nội.

Có thể dễ dàng nhận thấy bên cạnh những thùng rác được đặt ven phố đi bộ thì những túi ni lon, vỏ đựng bánh, kem, khăn giấy… vứt cả ra ngoài. Nhiều người lại chỉ đứng từ xa ném rác vào thùng và không hề quan tâm đến việc có ném trúng hay không. Hay những người không hề quan tâm đến sự hiện diện của thùng tác, thẳng tay ném rác xuống hè phố, và nhiệm vụ thu gom rác là của công ty vệ sinh môi trường.

rac thai trong ky nghi le le hoi dung thanh noi am anh
Sau Lễ đón giao thừa 2018, phố đi bộ Hồ Gươm ngập trong rác thải. Ảnh: Mai Quý

Khu vực Tượng đài Lý Thái Tổ vốn là một nơi linh thiêng là thế, nhưng vào những ngày nghỉ lễ, rác được xả trên bục tượng đài cả phía trước và sau, mỗi khi có cơn gió nhẹ là túi nilon, giấy… bay tứ tung. Không ít du khách tỏ ra khó hiểu bởi cứ cách 100m đã bố trí một thùng rác trên khắp các tuyến phố đi bộ, nhưng rác chưa đầy thùng, mà túi giấy, nilon, đồ ăn thừa vẫn rơi khắp thềm tòa nhà Bưu điện Hà Nội, phố Đinh Tiên Hoàng. Ven Hồ Gươm, dưới những gốc cây liễu, cây xà cừ thơ mộng vốn đã đi vào thơ ca nay đã trở thành nơi rác thải ghé thăm bởi đó là chỗ “tiện” cho những người kém ý thức ném rác.

Chắc những người yêu Hà Nội chưa quên vào lễ hội đếm ngược chào mừng năm mới 2018 tại quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội, hàng ngàn người dân Thủ đô đã tụ tập về đây để đón chờ thời khắc chuyển giao năm mới. Khi lễ hội kết thúc, người dân không khỏi kinh hoàng khi chứng kiến cờ, hoa, giấy, nilon, thức ăn thừa, chai nhựa..tràn ngập các tuyến phố đi bộ.

Không chỉ có ở lễ hội, hàng ngày cũng không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh, sinh viên đi học cầm theo gói xôi, bánh mì, ăn xong quẳng luôn vào gốc cây, ném rác qua cửa kính xe buýt. Trong lớp học, sân trường, học sinh cũng ngang nhiên xả rác ở hộc bàn, góc lớp, hành lang... Vứt rác bừa bãi gần như đã thành vô thức ở mọi người, kể cả người lớn.

Những năm gần đây, Hà Nội đang nỗ lực chấn chỉnh những hành vi “lệch chuẩn” văn hóa nơi công cộng bằng cách ban hành Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Tuy nhiên, điều dễ nhận thấy nhất trong công tác triển khai là thiếu vắng chế tài xử phạt dành cho những hành vi phản văn hóa nơi công cộng, điều vốn được áp dụng rất nghiêm khắc tại nhiều nước trên thế giới. Quy tắc ứng xử không đi kèm với điều khoản xử phạt khiến không ít người dân chưa thực sự coi trọng việc chấp hành quy tắc.

Thiết nghĩ, muốn dọn sạch rác đường phố, những nơi công cộng, đầu tiên phải dọn “rác” trong ý thức mọi người. Ý thức là điều rất khó thay đổi trong một sớm một chiều nhưng không có nghĩa là bất khả thi. Với tình hình vứt rác bừa bãi hiện nay, thì những hậu quả kéo theo nó cũng không phải nhỏ. Trước tiên là gây ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân, thứ hai là sẽ để lại ấn tượng không tốt đẹp cho khách du lịch. Hà Nội là một không gian văn hiến, anh hùng, hòa bình, nơi hội tụ của văn hóa Thăng Long, văn hóa xứ Đoài.

Để giữ gìn và phát huy truyền thống đó trong thời kỳ hội nhập quốc tế, các Bộ quy tắc ứng xử phải được triển khai sâu rộng và hiệu quả hơn, thực sự trở thành nếp sống tốt đẹp trong cộng đồng dân cư, đó là nhấn mạnh của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải tại buổi làm việc với Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội vừa qua..

Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động cũng thừa nhận, nhiệm vụ xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh mới chỉ có những chuyển biến bước đầu, kết quả triển khai thực hiện 2 Bộ quy tắc ứng xử chưa rõ nét, chưa thực sự đi vào cuộc sống.

Bởi vậy, 6 tháng cuối năm 2018 và giai đoạn 2019 - 2020, Sở sẽ tập trung tham mưu cho Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, phối hợp với các ngành, các cấp, tổ chức chính trị - xã hội Thành phố và các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện kiên trì, bền bỉ nhằm đưa 2 Bộ quy tắc ứng xử trở thành nếp sống trong sinh hoạt của nhân dân Thủ đô.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này