Trẻ vùng cao đón chờ năm học mới

16:31 | 04/09/2018
(LĐTĐ) Những ngày cuối tháng 8, khi sương mù còn bao phủ quanh những ngọn núi cao, khi những cơn mưa rừng vẫn đổ như trút nước, trong nhà bán trú của học sinh trường tiểu học và trung học cơ sở Suối Quyền (xã Suối Quyền, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đã rộn ràng những tiếng í ới gọi nhau nô đùa chuẩn bị cho ngày khai trường. Để có được điều này, ngay từ ngày 26/8, các thầy cô của Trường TH&THCS Suối Quyền (Văn Chấn, Yên Bái) đã tỏa đi các bản để kéo học sinh trở lại trường.
tre vung cao don cho nam hoc moi Những phận người vùng cao nơi phố thị
tre vung cao don cho nam hoc moi Hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2017-2018
tre vung cao don cho nam hoc moi Thư chúc mừng năm học mới 2018 - 2019 của Chủ tịch nước

Trường học trên đỉnh núi

Trường tiểu học và Trung học cơ sở Suối Quyền (Trường TH&THCS Suối Quyền) là một trong những trường điển hình ở vùng núi cao với các điểm trường không tập trung, trong đó có một điểm trường nằm ở trung tâm xã, 4 trường điểm lẻ tại thôn Suối Pó và thôn Vàng Ngần. Tuy nhiên hơn 1 tháng trước, trường tiểu học ở Vàng Ngần bị ảnh hưởng của cơn bảo số 3, lũ cuốn sập hoàn toàn nên trường chỉ còn 3 điểm lẻ, tất cả đều nằm trên đỉnh núi rừng Yên Bái.

Với đặc thù là địa phương miền núi cao, giao thông cách trở, để đi đến được đến điểm trường trung tâm phải trải qua con đường dốc trải đá quanh đồi chừng gần chục ki- lô-mét tính từ trung tâm thị xã Nghĩa Lộ, huyện Văn Chấn. Con đường khó đi này lại là lối duy nhất để thầy cô ngày ngày lên lớp và học sinh đến trường. “Nhiều em học sinh không diện bán trú còn phải đi bộ 4, 5 km mới đến được trường. Trời mưa to nước ở khe dâng lên các em không đi qua được cũng đành phải nghỉ.” - Thầy Nguyễn Xuân Hương (Hiệu trưởng Trường TH&THCS Suối Quyền) nói về hành trình đi tìm cái chữ của học sinh mình.

tre vung cao don cho nam hoc moi
Trường TH&THCS Suối Quyền nằm tại trung tâm xã. Khoảnh khắc tạnh ráo hiếm hoi những ngày cuối tháng 8 (Ảnh: Phương Ngân)

Con đường từ các điểm trường lẻ về trung tâm xã nơi gần nhất là 4 km. Cứ có mưa đường trở nên trơn trượt buộc phải đi bộ, nhanh nhất là mất vài tiếng đồng hồ, có thôn cũng phải đi mất cả ngày do sạt lở nặng. Cơ sở vật chất của trường vẫn còn thiếu thốn, 3 điểm trường ở các thôn buộc các thầy cô giáo phải “cắm bản”, tức là cùng ăn, cùng ở với người dân, lâu lâu mới về trường trung tâm sinh hoạt hội họp một lần. “Các thầy cô đều là những người trẻ, tâm huyết với các em cả”, thầy Hương nói.

Tại điểm trường ở trung tâm xã, cơ sở vật chất có vẻ khang trang hơn một chút, nhưng để nói là đầy đủ đối với học sinh thì vẫn chưa thật chính xác. Các phòng học phân tán các góc của quả đồi, gần phòng hiệu trưởng lớp 4 lại cạnh lớp 6. Điều mơ ước của thầy Hương là chỉ mong các cháu có một thư viện đúng nghĩa là thư viện, có một phòng riêng với nhiều loại sách và trang thiết bị chứ không phải là tủ sách đang đặt trong phòng hiệu trưởng chỉ có lèo tèo vài cuốn như bây giờ. Nhắc đến đây, thầy Hương trăn trở: “Chỉ có cơ sở vật chất tốt học sinh mới tin tưởng theo học, cơ sở vật chất không tốt sao phụ huynh dám giao con cho mình”.

Những hôm mây mù không phủ kín đỉnh núi, trông xuống thị xã Nghĩa Lộ ở dưới chân núi kia, thầy Hương lại xót xa, nhìn thì gần mà sao khoảng cách của môi trường giao dục lại xa quá.

Nỗ lực cho ngày tựu trường

Thầy cô nơi đây sợ nhất trời mưa. Trời mưa nước suối dâng cao, học sinh không thể đến trường. Học sinh ở Suối Quyền, chủ yếu là con em người dân tộc người Dao. Hầu hết những em học sinh đều phải ở bán trú. Năm học mới đã đến rất gần trên núi, làm sao cho cái chữ không bị bão lũ cuốn trôi bào mòn, trường TH&THCS Suối Quyền đã nỗ lực để kéo học sinh về trường.

Mưa lũ vừa qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến trường tiểu học Vàng Ngần, đất đá từ trên núi vùi lấp đổ sập hoàn toàn, cơ sở vật chất chỉ còn lại vài bộ bàn ghế còn nguyên vẹn. Ngay sau lũ, thầy Hương cùng cán bộ địa phương đã đến Vàng Ngần vận động bà con cho học sinh tiếp tục học. Đã có nhiều phương án được đưa ra, tuy nhiên tất cả đều đồng lòng cho con em về học trường trung tâm, cách thôn chừng 20 km.

tre vung cao don cho nam hoc moi
tre vung cao don cho nam hoc moi
Khuôn viên trường học tại trung tâm xã (Ảnh: Phương Ngân)

Sau khi điểm trường Vàng Ngần bị xóa sổ, Trường TH&THCS Suối Quyền tiến hành Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường lớp giai đoạn 2016 -2020, sát nhập điểm lẻ Vàng Ngần về luôn trường trung tâm trong năm học 2018 – 2019 này. Trong khi nếu theo đúng tiến độ, điểm trường này sẽ về trường trung tâm năm 2019-2010.

Từ ngày 26/8 và 27/8, thầy Hương cùng các thầy cô giáo trong trường đã chia làm hai nhóm đi đón học sinh. Một nhóm thầy cô vào tận bản gọi học sinh, một nhóm đợi dưới chân dốc nhận học sinh phụ huynh đưa tới. Năm nay Trường TH&THCS Suối Quyền đón 189 học sinh cấp tiểu học, 155 học sinh trung học cơ sở. Cả hai cấp có 155 học sinh ở bán trú.

Triệu Tòn Liều là học sinh chuẩn bị vào lớp 1. Trước đây Liều học mầm non tại thôn Vàng Ngần, nếu không do mưa lũ, Liều sẽ tiếp tục học ở điểm trường lẻ tiểu học Vàng Ngần. Trường cũ không còn, Liều được đưa về trường trung tâm học. Ngày đầu tiên bố đưa đến trường, tại nhà bán trú ở trường trung tâm, Liều ôm chân không cho bố về. Đứa trẻ quanh năm chỉ biết đến bản nhà mình lần đầu đi xa, đêm đầu tiên không ở nhà, Liều khóc rưng rức. Mấy ngày cũng quen, Liều không nói nhưng cũng dạn dĩ với môi trường mới, Liều có thể nô đùa với các bạn, tự ăn ngủ thậm chí tự rửa thìa sau khi ăn mà không cần phải nhắc nhở. Không chỉ Liều, mà các bạn tiếng Kinh không sõi cùng bản Liều lần đầu tiên được đón khai giảng như những học sinh khác.

tre vung cao don cho nam hoc moi
Triệu Tòn Liều (ngoài cùng bên phải) là học sinh lớp 1, lần đầu được đón khai giảng đúng nghĩa (Ảnh: Phương Ngân)

Từ khi đám trẻ ở Vàng Ngần về, phòng bán trú dành cho học sinh trước đây chỉ có hơn 30 em một phòng, nay lên tận 48 em một phòng. Phương án được nhà trường đưa ra là duy trì việc sinh hoạt trong khu nội trú bằng cách ghép những chiếc giường sát vào nhau. Cứ một đứa trẻ lớn chịu trách nhiệm chăm nom thêm một đứa trẻ bé. Đội ngũ giao viên được huy động thay nhau trực quản lý học sinh thêm ngày thứ 7, Chủ nhật. Nhưng đó là biện pháp tạm thời, để đảm bảo lâu dài, cần phải hơn thế nữa.

Vì vậy, UBND huyện Văn Chấn đã làm công tác, vận động các hộ dân gần trường hiến đất để xây dựng các công trình phúc lợi. Dù là hộ nghèo, đất sản xuất không nhiều, nhưng ông Lý Tiến Đình, bản Suối Bắc, xã Suối Quyền đã hiến 250 m2 đất cho Trường tiểu học và Trung học cơ sở Suối Quyền làm phòng học. Ông Lý Tiến Bắc trú cùng bản Suối Bắc cũng đã hiến 300 m2 đất ao, để con em mình có nơi ở, nơi học đàng hoàng, biết nhiều cái chữ. Năm học này, những đứa trẻ như Liều mong chờ cho một lớp học khang trang, một phòng ở rộng rãi, một khu trồng rau sạch trên khoảng đất 550m2 đáng quý.

Năm học mới lại đến, nỗi lo của thấy cô vùng cao là làm sao để trẻ bắt nhịp được với trẻ em dưới xuôi, với thay đổi của giáo dục qua mỗi năm. Nhiều khuyến khích được đưa ra, giáo viên tích cực sáng tạo, nghiên cứu tư liệu để thay đổi phương pháp dạy và nhằm phù hợp với việc thay đổi sách giáo khoa. “Dù thế nào nhà trường cũng sẽ cố gắng tổ chức cho các em một lễ khai giảng thật ý nghĩa” – thầy Hương hứa khi nói về ngày đầu tiên của trẻ vùng cao bước vào năm học mới. Tất cả đều hy vọng, những đứa trẻ của TH&THCS Suối Quyền là động lực cho trường vùng cao phát triển.

Phương Ngân

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này