Xã Luận

Mãi xứng đáng là lực lượng tiên phong của Đảng

13:21 | 30/08/2018
(LĐTĐ) Mùa thu này, cả dân tộc hân hoan Kỷ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh mùng 2/9 (2/9/1945 – 2/9/2018).
mai xung dang la luc luong tien phong cua dang Sôi nổi các hoạt động chào mừng Quốc khánh 2/9
mai xung dang la luc luong tien phong cua dang Hà Nội vững bước đi lên với hào khí Cách mạng tháng Tám

73 mùa thu đã qua, nhớ lại vào sáng ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập trước toàn thể quốc dân đồng bào, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa – nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

mai xung dang la luc luong tien phong cua dang
Bác Hồ thăm Nhà máy Diêm thống nhất năm 1956. Ảnh tư liệu

Có thể nói với tâm niệm “Không có gì quý hơn độc lập tự do” dù trong bất luận hoàn cảnh nào, phẩm giá và nhân cách của con người Việt Nam luôn bừng sáng.

Từ Bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra đất nước mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc 73 năm trước, hơn 7 thập kỷ qua dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành năng động của Chính phủ, các cấp chính quyền và sự đồng tâm hiệp lực của toàn dân, dân tộc ta đã làm nên những chiến công hiển hách trên mọi lĩnh vực.

Từ đánh đuổi chủ nghĩa thực dân, đế quốc dành độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc đến những thành quả chưa từng có trên bình diện kinh tế, chính trị.

Để đạt được những thành tựu trên trong suốt 73 năm qua, giai cấp công nhân – người lao động luôn đóng góp phần quan trọng. Thời chiến tranh, tuy không trực tiếp ra mặt trận, song công nhân lao động đã hăng say sản xuất tại hậu phương để tiếp viện các nhu yếu cần thiết cho chiến trường, góp phần làm nên những chiến thắng vĩ đại.

Thời bình, với vai trò là chủ thể sản xuất, theo thống kê của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam công nhân lao động đã tạo đến 60% GDP cho nền kinh tế (nghĩa là tầng lớp công nhân lao động đã làm ra 60% tổng sản phẩm quốc nội).

Nếu như trước đây khi chưa giành được chính quyền, công nhân lao động luôn là người làm thuê cho các ông chủ, thì sau khi giành được độc lập (1945) từ vị trí làm thuê công nhân đã trở thành người làm chủ trong các nhà máy, công xưởng. Vai trò, địa vị của công nhân lao động luôn được đề cao.

Với tư cách là Tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, thấm nhuần quan điểm chỉ đạo của Đảng, thầm nhuần tư tưởng trong Bản Tuyên ngôn Độc lập mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc 73 năm trước, Tổ chức Công đoàn đã tham mưu cho Đảng, Nhà nước để kịp thời tạo ra cơ chế chính sách tốt nhất cho người lao động.

Cụ thể, như giờ làm, tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm, cơ chế mua cổ phiếu trong doanh nghiệp cổ phần hóa, nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp - chế xuất. Và đăc biệt, công đoàn luôn tham gia đến cùng trong việc đấu tranh với người sử dụng lao động để bảo vệ quyền lợi chính đáng và hợp pháp cho công nhân lao động.

Tuy nhiên, thời kỳ mới, tình hình mới nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn không chỉ đơn thuần là bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng cho người lao động, mà phải làm thế nào để đưa công nhân lao động bắt kịp xu thế phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (cách mạng 4.0).

Thực tế cho thấy, dù đã cố gắng rất nhiều nhưng năng suất lao động của công nhân Việt Nam vẫn thấp nhất khu vực; trong đó kỹ năng về ngoại ngữ vẫn còn thấp. Với tư cách là tầng lớp tạo ra 60% GDP cho nền kinh tế, là giai tầng làm chủ công xưởng, nhà máy, đơn vị... nếu công nhân lao động Việt Nam nói chung, Thủ đô nói riêng không bắt kịp được xu hướng phát triển như vũ bão của công nghệ để thích ứng với cách mạng 4.0 thì sẽ khó đưa nền kinh tế phát triển.

Là Thủ đô của cả nước, nơi có gần nửa triệu công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp chế - xuất và hàng trăm nghìn lao động đang làm việc trong các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tài chính, ngân hàng, thương mại... hơn lúc nào hết mỗi công nhân lao động nói chung, công nhân lao động Thủ đô nói riêng hãy phát huy tinh thần quật cường của các thế hệ đi trước, của tinh thần “Không có gì quý hơn độc lập tự do”;

“Mang sức ta giải phóng cho ta”để làm nên “Cách mạng tháng Tám” mới trong kỷ nguyên 4.0, đưa Thủ đô và đất nước phát triển lên tầm cao mới. Cùng với đó, vị trị, vai trò của công nhân lao động ngày càng được phát huy, lương, thu nhập cũng được ổn định; đời sống ngày thêm sung túc.

Sinh thời, Bác Hồ đặc biệt quan tâm đến giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn. Trong bài nói chuyện tại Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ II, tháng 2/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Phát minh, sáng kiến, cải tiến kỹ thuật cũng là vấn đề quan trọng. Phải công nhận rằng đại đa số công nhân ta cần cù, thông minh và có nhiều sáng kiến hay…

Nếu Công đoàn biết khuyến khích, áp dụng, cải tiến và phổ biến rộng rãi những sáng kiến ấy thì năng suất lao động sẽ nâng cao không ngừng… Vì vậy, Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ; phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh...”.

Từ những lời dạy của Bác, tổ chức Công đoàn các cấp đã không ngừng đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động, dấy lên nhiều phong trào thi đua lao động - sản xuất, tạo ra nhiều sản phẩm chất lượng cao góp phần làm giàu cho đất nước. Trong những năm 1960, nhiều phong trào thi đua lớn đã được phát động mang lại những kết quả vô cùng to lớn như: Phong trào “Thi đua ái quốc”, phong trào “Tăng gia sản xuất”, “Tất cả cho tuyền tuyến”, “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, “Năng suất - chất lượng - hiệu quả”, “Lao động giỏi”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “Thi đua hai tốt”… đã để lại nhiều dấu ấn trong lịch sử phong trào công nhân và lịch sử Công đoàn Việt Nam. Thời kỳ mới, vận hội mới, chính các phong trào thi đua Công đoàn phát động đã góp phần vào thắng lợi chung của đơn vị, cơ quan, địa phương và cả nước.

Phát huy tinh thần Cách mạng tháng Tám bất diệt; phát huy những giá trị bất hủ của Bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra đất nước, 73 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của Tổ chức Công đoàn, tầng lớp công nhân lao động Việt Nam và Thủ đô sẽ vượt qua chính mình quyết làm nên “Cách mạng tháng Tám” trong thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh.

Xã hội dân chủ, công bằng và văn minh”. Tình hình mới, thời cơ mới, giai cấp công nhân Việt Nam sẽ nỗ lực không ngừng trong lao động, học tập, sản xuất để xứng đáng là lực lượng tiên phong đưa đất nước mạnh giàu.

LĐTĐ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này