Bộ Y tế bỏ quy định bố mẹ phải khai số chứng minh thư trên đơn thuốc

09:42 | 29/08/2018
(LĐTĐ) Từ ngày 15/10, đơn thuốc ngoại trú của trẻ dưới 6 tuổi sẽ chỉ ghi số tuổi, cân nặng, tên bố hoặc mẹ thay vì cần số chứng minh thư, số căn cước công dân như trước.
bo y te bo quy dinh bo me phai khai so chung minh thu tren don thuoc Tăng thuốc nội ở bệnh viện tuyến tỉnh lên 50%
bo y te bo quy dinh bo me phai khai so chung minh thu tren don thuoc Tăng cường kiểm soát kê đơn thuốc và bán thuốc kê đơn thông qua việc nối mạng
bo y te bo quy dinh bo me phai khai so chung minh thu tren don thuoc Gần 2000 lao động được bảo vệ quyền lợi

Thông tư sửa đổi, bổ sung quy định về đơn thuốc và việc kê đơn thuốc hóa dược, sinh phẩm trong điều trị ngoại trú vừa được Bộ Y tế ban hành đã bỏ quy định phải ghi số chứng minh thư hoặc số căn cước công dân của bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ trên đơn thuốc của trẻ dưới 6 tuổi.

bo y te bo quy dinh bo me phai khai so chung minh thu tren don thuoc
Mẫu đơn thuốc được áp dụng từ tháng 10.

Thay vào đó là ghi số tuổi, cân nặng, tên bố hoặc mẹ hoặc người giám hộ đưa trẻ đến khám. Từ ngày 15/10, Bộ Y tế sẽ chính thức áp dụng mẫu đơn thuốc mới thay thế cho các đơn thuốc trước đây.

Trước đó, từ ngày 1/3, khi đưa trẻ dưới 6 tuổi đi khám bố mẹ phải đem theo chứng minh thư nhân dân để khi kê đơn các bác sĩ điền đầy đủ các thông tin trên. Quy định nhằm quản lý tốt việc kê đơn và bán thuốc theo đơn, đặc biệt là việc mua bán và lạm dụng kháng sinh diễn ra phổ biến. Song quy định này bị nhiều cha mẹ, thậm chí các bác sĩ phản ứng vì gây phiền hà.

Ngoài ra, theo thông tư mới việc kê đơn thuốc gây nghiện phải do bác sĩ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có giường bệnh điều trị nội trú thực hiện. Số lượng thuốc mỗi lần kê đơn tối đa là 10 ngày. Đồng thời, khoa dược của các bệnh viện phải cung ứng thuốc gây nghiện cho người bệnh ngoại trú trong trường hợp trên địa bàn quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh không có cơ sở bán thuốc gây nghiện.

Trước thay đổi trên, rất nhiều bác sĩ chuyên khoa nhi nhận định đây là tín hiệu đáng mừng, nhất là với các gia đình có trẻ nhỏ. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng - nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc hạn chế bất cứ thủ tục hành chính nào cho nhân viên y tế, người dân đều là điều đáng được ghi nhận. Trước đây, khi thông tư bắt đầu đi vào hiệu lực, nhiều trường hợp bệnh nhi cấp cứu rơi vào thế khó chỉ vì cha mẹ không kịp mang chứng minh thư khi vào viện. Chưa kể, nhân viên y tế lại mất thêm nhiều khâu đoạn như yêu cầu số chứng minh thư, kiểm tra và xác minh tính chính xác của các thông tin đó.

Theo bác sĩ Lê Ngọc Duy - Phó Trưởng khoa Cấp cứu chống độc, Bệnh viện Nhi Trung ương: “Bộ Y tế đang có sự thực hiện đồng bộ, nhất là khi mới đây, Bộ đã có sự kết nối mạng lưới kinh doanh dược với gần 4.200 nhà thuốc, quản lý hơn 22.000 đơn thuốc được kết nối cùng nhau. Đó là động thái vô cùng tốt để hiểu rằng Bộ đã có sự tính toán và nhận định nhất định”.

Các bác sĩ khẳng định, để giải quyết tối ưu bài toán lạm dụng thuốc, nhất là thuốc kháng sinh, ngoài kiện toàn các chính sách phù hợp, việc quản lý sát sao các cơ sở kinh doanh thuốc, nâng cao ý thức người dân bằng hình thức tuyên truyền là vô cùng hợp lý.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này