Mùa thu cách mạng và những suy nghĩ về nền nông nghiệp Việt Nam

14:08 | 28/08/2018
(LĐTĐ) Kỉ niệm 73 năm Cách mạng tháng Tám và 2/9, chúng ta càng ghi nhớ những bài học sâu sắc về cuộc cách mạng đem lại độc lập tự do cho Tổ quốc, hạnh phúc ấm no cho nhân dân. Cách mạng cũng đem lại ruộng đất cho người nông dân Việt Nam, cần cù chịu khó, có truyền thống yêu nước cách mạng từ hàng nghìn đời nay.
mua thu cach mang va nhung suy nghi ve nen nong nghiep viet nam Kỳ 1: Chuỗi liên kết đã thực sự liên kết?
mua thu cach mang va nhung suy nghi ve nen nong nghiep viet nam Úc tiếp tục tài trợ cho nông nghiệp Việt Nam
mua thu cach mang va nhung suy nghi ve nen nong nghiep viet nam Doanh nghiệp Nhật muốn đầu tư vào nông nghiệp Việt Nam

Từ đó đến nay, nền nông nghiệp Việt Nam đã trải qua nhiều bước phát triển khác nhau, từ thời kì kế hoạch hóa tập trung bao cấp, lương thực thực phẩm còn hưởng theo chế độ tem phiếu, sổ mua hàng. Từ năm 1986, công cuộc đổi mới đã được khởi xướng, xóa bỏ chế độ tem phiếu, sản xuất bung ra mạnh mẽ cả hàng hóa công nghiệp tiêu dùng và các sản phẩm của nền nông nghiệp. Những chính sách của Đảng và nhà nước như khoán 10, khoán 100 làm cho tốc độ phát triển kinh tế nông nghiệp ngày càng tiến bộ hơn. Sản phẩm ngày càng phong phú và đa dạng.

mua thu cach mang va nhung suy nghi ve nen nong nghiep viet nam
Nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu tích cực sau khi giải phóng

Không những đảm bảo cho tiêu dùng nội địa mà lương thực thực phẩm Việt Nam còn vươn ra biển lớn để xuất khẩu. Có những mặt hàng như gạo, cà phê, chè , hồ tiêu, điều đã đứng ở những tốp đầu về xuất khẩu ở khu vực và thế giới. Những năm gần đây, nông nghiệp lại có những bước tiến mới, đã có 8% các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, công tác quy hoạch các vùng sản xuất tập trung được đầu tư khoa học kĩ thuật bài bản để xây dựng một nền sản xuất hàng hóa nông sản thực phẩm với quy mô ngày càng lớn hơn.

Những đơn vị như Vinamilk, TH True milk, Hoàng Anh Gia Lai, VinGroup, Hòa Phát, …là những doanh nghiệp tiêu biểu cho nền sản xuất lớn của nền sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Ngoài sự nỗ lực cố gắng của các doanh nghiệp thì nhà nước cũng có những chính sách quan tâm đúng mức cho sự phát triển của ngành kinh tế quan trọng này. Đặc biệt từ đầu năm 2018 tới nay, Chính phủ đã có 18 cuộc họp về nông nghiệp với các tỉnh thành và các vùng kinh tế trọng điểm trong cả nước, đặc biệt, là sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch hữu cơ, nhằm bắt kịp xu hướng phát triển trong thời đại công nghiệp 4.0 của các nước tiên tiến trên thế giới.

Tuy ngành nông nghiệp Việt Nam đã có nhiều cố gắng đáng khích lệ song vẫn còn những tồn tại cần phải khắc phục: sản xuất nông nghiệp đa số còn manh mún, quy mô sản xuất và quy mô sản phẩm còn nhỏ bé, tư tưởng sản xuất còn tùy tiện, kỉ luật sản xuất còn lỏng lẻo. Những hiện tượng vi phạm về chất lượng hàng hóa và vệ sinh an toàn thực phẩm đang là nỗi lo thường trực của xã hội. Nhiều sản phẩm nông nghiệp Việt Nam chưa khẳng định được thương hiệu của mình ngay ở thị trường nội địa. Sản phẩm nông nghiệp còn bị hao hụt, tổn thất khá cao, không có kho dự trữ, tỷ lệ chế biến sâu còn thấp. Sản phẩm làm ra thường xuyên bị ép cấp, ép giá.

Do hạn chế về quy mô, hạn điền, việc triển khai cơ giới hóa, khoa học kĩ thuật, nâng cao năng suất lao động trong nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn. Chi phí đầu vào, logistic phục vụ nông nghiệp khó kiểm soát về chất lượng và giá cả. Việc kết nối với hệ thống phân phối tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp còn nhiều khó khăn, thị trường tiêu thụ còn bị lẫn lộn thật giả, niềm tin người tiêu dùng có mặt hàng, có thời gian bị suy giảm. Nạn thao túng độc quyền thu mua hàng hóa nông sản và tiêu thụ của một số thương lái và một số nhà bán lẻ đã đẩy giá cả ở thị trường nội địa lên cao một cách vô lý, “tạo điều kiện” thuận lợi cho hàng hóa nông sản của nước ngoài thâm nhập vào thị trường nội địa Việt Nam.

Nhìn lại những tồn tại chủ yếu trên của nền sản xuất nông nghiệp nước ta thì rõ ràng cần phải có sự đổi mới toàn diện mạnh mẽ trong thời gian tới. Chính phủ đã đặt bài cho ngành nông nghiệp và các địa phương có thế mạnh về nông sản thực phẩm là trong 10 năm tới, nông nghiệp Việt Nam đứng vào top 15 các nước phát triển nhất thế giới, trong đó ngành chế biến nông sản đứng vào top 10 thế giới. Việt Nam là một trung tâm chế biến sâu và logistic của thương mại nông sản toàn cầu. Người đứng đầu Chính phủ còn yêu cầu phải cắt bỏ 50% thủ tục hành chính trong lĩnh vực nông nghiệp, hoàn thành việc sửa đổi Nghị định 159/2017/NĐ – CP của Chính phủ về xuất khẩu gạo, khắc phục những lãng phí, hao hụt trong thu hoạch và bảo quản nông sản (thường là 20 -30%).

Đổi mới chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường trong và ngoài nước. Nhà nông cần phải biết chú ý: “Trước khi gieo hạt cần suy nghĩ tới thị trường tiêu thụ sản phẩm ở đâu” Đó là vai trò của nhà phân phối nông sản Việt Nam, một trong 6 nhà mà Chính phủ yêu cầu phải có sự liên kết: đó là nhà nước, nhà khoa học, nhà băng, nhà nông, nhà phân phối và nhà đầu tư. Trong đó cần chú trọng tam giác liên kết chủ yếu nhất: Nhà đầu tư, nhà phân phối và nhà nông. Chú trọng sửa đổi chính sách tín dụng đầu tư vào nông nghiệp. Chính phủ khuyến khích tinh thần đổi mới, khởi nghiệp, sáng tạo, giữ gìn đạo đức kinh doanh và xây dựng văn hóa nông nghiệp doanh nghiệp, say mê với nghề để thúc đẩy sự phát triển chung của ngành trong năm 2018 và những năm tiếp theo.

Chúng ta tin tưởng rằng, với sự chỉ đạo sát sao quyết liệt của Chính phủ, các bộ ngành và các địa phương trong cả nước, sự nỗ lực của các doanh nghiệp nông nghiệp, các hợp tác xã và bà con nông dân, chắc chắn nền nông nghiệp có tiềm năng và thế mạnh của Việt Nam sẽ có những bước phát triển nhanh và vững chắc trong thời gian tới.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này