Robot và bài toán công nghệ với doanh nghiệp Việt

18:45 | 23/08/2018
Với sự phát triển của khoa học kỹ thuật, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn trong việc ứng dụng các công nghệ hiện đại, đặc biệt là việc đưa Công nghệ robot - cơ điện vào sản xuất…Nguyên nhân chủ yếu được các chuyên gia lý giải, phần lớn là do các doanh nghiệp chưa đủ tiềm lực kinh tế, nguồn nhân lực và năng nực đổi mới sáng tạo. 
robot va bai toan cong nghe voi doanh nghiep viet Khai mạc Diễn đàn Cấp cao và Triển lãm quốc tế về Công nghiệp 4.0
robot va bai toan cong nghe voi doanh nghiep viet Doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải đầu tư số hóa sản xuất

Doanh nghiệp Việt cần làm chủ công nghệ

Hiện nay, Công nghệ robot ngày càng được ứng dụng hiệu quả vào mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội tại Việt Nam. Robot không chỉ phục vụ cho ngành công nghiệp, mà còn đang thâm nhập sâu vào đời sống của người dân như y tế, giáo dục hay thành phố thông minh…Điều này đặt ra cơ hội cũng như thách thức đối với các doanh nghiệp Việt để làm sao ứng dụng hiệu quả công nghệ robot bắt nhịp với cuộc cách mạng 4.0 đang phát triển mạnh mẽ hiện nay.

robot va bai toan cong nghe voi doanh nghiep viet
Robot ngày càng được ứng dụng hiệu quả trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội.

Theo kết quả điều tra, nghiên cứu của Bộ Công Thương phối hợp với Tổ chức Phát triển công nghiệp của Liên hợp quốc, thực hiện về mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp Việt Nam đối với Cách mạng công nghệ (CMCN) 4.0 cho thấy, số lượng các doanh nghiệp của Việt Nam quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt công nghệ cốt lõi của CMCN 4.0 vào trong quá trình sản xuất còn rất khiêm tốn. Mặc dù hiện nay các doanh nghiệp có nhu cầu lớn, nhưng chưa có đủ tiềm lực và định hướng chiến lược trong quá trình đầu tư này.

Trong khi đó, hiện có tới hơn 97% các doanh nghiệp Việt hiện nay là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ, nên gặp nhiều khó khăn thách thức về nguồn vốn, trình độ khoa học công nghệ, nguồn nhân lực và năng lực đổi mới sáng tạo còn rất thấp. Mối liên kết giữa doanh nghiệp với các tổ chức khoa học và công nghệ còn hạn chế, chưa hiệu quả. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước những thách thức rất lớn giữa nhu cầu và khả năng ứng dụng Công nghệ robot - Cơ điện tử trong quá trình sản xuất.

Trước cơ hội trên, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Vinfast chia sẻ, Vinfast sẽ cho ra đời dòng sản phẩm ô tô mang thương hiệu Việt Nam, chất lượng châu âu và cạnh tranh được với xe nhập khẩu và hướng đến xuất khẩu trong tương lai. Để làm được điều đó theo ông Huệ, Vinfast đã chọn con đường đi thẳng vào ứng dụng công nghiệp 4.0.

“Tại sao công nghiệp ô tô từ trước đến giờ chưa phát triển được như mong muốn, chưa nội địa hóa được? Bởi vì đó là do vấn đề số lượng chưa lớn. Nếu không có số lượng thì không thể có đầu tư lớn để có chất lượng, giá thành tốt và không thể có công nghiệp hỗ trợ. Cho nên bài toán Vinfast đưa ra là có ngay số lượng sản xuất lớn”, ông Huệ cho biết.

Đồng tình với ý kiến của ông Huệ, ông Hoàng Việt Hồng, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Viện máy và dụng cụ công nghiệp cho rằng, việc tiếp cận, làm chủ và triển khai ứng dụng công nghệ này sẽ giúp nâng cao năng suất lao động, hạ giá thành sản phẩm, giải phóng sức lao động.

Đây được coi là xu thế tất yếu. Tuy nhiên, thách thức của các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay là chưa biết dùng robot vào việc gì, nâng cao được năng suất hay không? Do đó, cần có những chuyên gia giúp họ, làm cùng họ cũng như cung cấp đầy đủ thông tin cho các doanh nghiệp để họ nhận thấy việc ứng dụng robot sẽ giúp sản xuất tăng cao.

Cần hình thành mạng lưới liên kết

Robotics - Mechatronics (tạm dịch là Công nghệ robot - Cơ điện tử) có thể được xem là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 với những nhà máy thông minh và doanh nghiệp được chuyển đổi số hóa toàn diện, cũng như nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống…

Tuy nhiên, với mong muốn, niềm tin mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam ngày càng phát triển lớn mạnh và lan tỏa những giá trị tốt đẹp, chúng ta cần sớm có những hành động, đề tài, dự án cụ thể, thiết thực để cùng phối hợp triển khai thực hiện, làm cơ sở hình thành các mạng lưới liên kết trong lĩnh vực robotic - mechatronics.

PGS.TS Hồ Anh Văn, Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản chia sẻ, chúng ta không nên nghĩ robot chỉ phục vụ sản xuất trong công nghiệp. Nó là một nền công nghiệp có doanh thu rất lớn trong tương lai. Bởi theo dự báo của Nhật Bản cho thấy, đến 2035 doanh số robot dịch vụ tăng gấp đôi. Cho nên nếu chỉ nghĩ robot phục vụ công nghiệp thì bỏ đi một cơ hội rất lớn. Chúng tôi mong doanh nghiệp, Bộ Công Thương coi robot là 1 ngành công nghiệp, phục vụ công nghiệp, thương mại và dịch vụ.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng các nhà khoa học, chuyên gia công nghệ là người Việt Nam ở nước ngoài trong lĩnh vực công nghệ robot và cơ điện tử, có thể hình thành mạng lưới tham gia liên kết với các cơ quan, tổ chức, chuyên gia trong nước dưới nhiều hình thức, phương thức và cơ chế khác nhau, cụ thể như: Phối hợp với các trường đại học, viện nghiên cứu trong nước cùng thực hiện các dự án, đề tài nghiên cứu khoa học; phối hợp với các trường đại học trong nước tham gia đào tạo, biên soạn giáo trình, tham dự các hội thảo khoa học, hội thảo chuyên đề…hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình đổi mới công nghệ sản xuất, sáng tạo phát triển sản phẩm mới.

“Bộ Công Thương sẽ đồng hành cùng Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam thông qua cơ chế, chính sách hỗ trợ các trường đại học, tổ chức khoa học và công nghệ “thu hút các nhà khoa học, chuyên gia quốc tế, chuyên gia là người Việt Nam tại nước ngoài làm nòng cốt thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển và chuyển giao công nghệ”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này