Nhức nhối thực trạng sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả

Bài 1: Lạc vào... “ma trận” mỹ phẩm

18:48 | 23/08/2018
Thời gian qua, mặc dù lực lượng chức năng đã quyết liệt trong các đợt kiểm tra, thu giữ và tiêu hủy hàng nghìn sản phẩm mỹ phẩm giả, không rõ nguồn gốc, kém chất lượng; xử lý hàng chục cơ sở kinh doanh, sản xuất trái phép, song nhiều cơ sở kinh doanh vẫn coi thường pháp luật, tiếp tục buôn bán mỹ phẩm giả gây nhiễu loạn thị trường.
bai 1 lac vao ma tran my pham Nhiều sản phẩm mạo danh Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam
bai 1 lac vao ma tran my pham Bộ Y tế: Yêu cầu tăng cường chống dược phẩm, mỹ phẩm giả

Tràn lan mỹ phẩm không rõ nguồn gốc

Thực tế thị trường mỹ phẩm hiện nay, mỗi ngày, hàng nghìn sản phẩm được bán ra thông qua các kênh bán hàng trực tuyến và truyền thống, từ các cửa hàng sang trọng trong các trung tâm thương mại cho đến những quầy mỹ phẩm nằm trong các chợ. Chỉ cần dạo qua khu chợ lớn của Hà Nội như: Chợ Hôm, chợ Đồng Xuân, chợ Phùng Khoang, chợ Nhà Xanh... không khó để tìm mua được các sản phẩm mỹ phẩm hàng hiệu như: Shiseido, Lancome, Ohui, Dior, Laneige, Chanel, Gucci...

Hầu hết, các sản phẩm này đều có giá rẻ đến bất ngờ, chỉ khoảng từ 200.000 - 500.000 đồng là có thể sở hữu 1 bộ trang điểm có đầy đủ son, phấn, chì kẻ mắt, kem nền. Trong khi đó, giá một bộ một sản phẩm chính hãng có giá đắt gấp 10 lần. Điều đáng nói, nhiều loại mỹ phẩm được gắn mác hàng hiệu từ Mỹ, Nhật, Hàn như Estee Lauder, SK II, Ohui, Lancome nhưng không có tem nhãn nhập khẩu. Cùng một loại mỹ phẩm nhưng giá khác nhau một trời, một vực…

bai 1 lac vao ma tran my pham

Lực lượng chức năng đang kiểm tra và thu giữ một số mỹ phẩm không rõ nguồn gốc tại một cơ sở kinh doanh trên địa bàn quận Cầu Giấy

Chị Lê Khả Ngân, giáo viên một trường quốc tế trên địa bàn quận Đống Đa cho biết, chị vừa thông qua mối quen trên mạng giới thiệu bộ SK II đầy đủ với 5 sản phẩm với giá khá dễ chịu nhưng cũng rất phân vân khi không thể nhận biết đó có phải là mỹ phẩm thật hay giả. “Cả bộ mình mua có 6,7 triệu đồng. Tuy nhiên, so sánh giá ở nhiều cửa hàng, bộ này mua đủ phải gần 12 triệu đồng, không hiểu tại sao lại có thể rẻ được như vậy.

Nhiều khi cũng thấy lo ngại và choáng ngợp trước các loại mỹ phẩm tại Việt Nam nhưng quả thật không thể phân biệt được cái nào là thật là giả”, chị Ngân nói. Thực tế, sự hoang mang của chị Ngân đang trở thành nỗi niềm chung của nhiều chị em phụ nữ khi lựa chọn sản phẩm làm đẹp trong một “ma trận” hàng giả, hàng nhái vô cùng tinh vi. Điều đó thể hiện rõ qua các con số thu giữ và xử lý các cơ sở kinh doanh mỹ phẩm của Chi Cục Quản lý thị trường (QLTTTP). Hà Nội.

Đánh giá về mức độ tràn lan của mỹ phẩm giả, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện nay trên thị trường hiện xuất hiện nhiều sản phẩm mỹ phẩm do cá nhân tự nghĩ ra công thức, pha chế đóng gói, mang nhãn mác thương hiệu của những hãng sản xuất lớn, có uy tín được mua bán chủ yếu trên mạng internet và các cơ sở tư nhân nhỏ lẻ.

Đáng lưu ý là số người sử dụng sản phẩm này lại nhiều do giá rẻ, công dụng nhanh chóng. Cùng với các chợ cóc, hệ thống bán hàng online đang khiến mỹ phẩm giả luồn lách đến từng gia đình, tình trạng dị ứng do mỹ phẩm giả khá phổ biến. Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa các đơn vị, cơ quan nhà nước còn nhiều hạn chế. Có những cơ quan vẫn còn giữ kín thông tin xử phạt và vi phạm, do đó, cần phải công khai để bảo vệ doanh nghiệp làm ăn chân chính và người tiêu dùng.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2018, Chi Cục Quản lý thị trường (QLTT) TP. Hà Nội đã kiểm tra, phát hiện hàng trăm vụ vi phạm với mặt hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền. Trong đó, qua 33 vụ kiểm tra đã phát hiện và xử lý 311 trường hợp với giá trị hàng hóa vi phạm là 45,8 tỷ đồng.

Đặc biệt, trong đợt ra quân thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, chỉ trong ngày 6/7/2018, Chi cục QLTT Hà Nội đã kiểm tra và thu giữ 2.028 sản phẩm mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Điều đáng nói, 10 cơ sở kiểm tra thì có đến 6 cơ sở kinh doanh các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, sản phẩm làm nhái, làm giả.

Thủ đoạn ngày càng tinh vi

Mỹ phẩm giả, kém chất lượng thường len lỏi xuất hiện tại các điểm mua bán tạp hóa, các khu vực trong chợ, các khu công nghiệp, khu dân cư nông thôn. Cá biệt một số trường hợp còn xuất hiện tại các khu vực hội chợ, lễ hội… Hình thức mua bán phổ biến và khó quản lý nhất hiện nay là tình trạng rao bán tràn lan trên các trang mạng xã hội, có sự tham gia tiếp tay của nhiều người và rất dễ để thao tác thực hiện, từ đó vô tình tạo một môi trường kinh doanh thuận lợi, một kênh tiêu thụ hiệu quả cho mỹ phẩm giả, kém chất lượng.

Rất nhiều mặt hàng mỹ phẩm được bày bán với đủ loại từ dầu gội, sữa tắm, sữa rửa mặt đến kem làm trắng, kem trang điểm, kem chống nắng, nước hoa, phấn má, son môi. Khách mua hàng muốn loại nào cũng có và được người bán giới thiệu, tư vấn rất nhiệt tình. Thậm chí, có những loại được gắn mác sản phẩm rất lạ, không có bất kỳ hướng dẫn nào bằng tiếng Việt, nhưng theo cách nói của những người bán hàng thì đây là hàng “xách tay” do người thân từ nước ngoài mang về nên không có tiếng Việt nhưng lại có giá bán vô cùng hấp dẫn, chỉ bằng 1/5, thậm chí 1/10 giá trị của sản phẩm chính hãng.

Theo lực lượng QLTT, hiện nay việc sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm ngày càng sử dụng những thủ đoạn tinh vi như: Trực tiếp sản xuất, pha chế, sang chiết, đóng gói hàng giả ra các bình, lọ chai dán nhãn của nước ngoài... Đặc biệt, các cơ sở kinh doanh còn sử dụng thủ đoạn không sản xuất tập trung với số lượng lớn hoặc thông qua nhập khẩu các sản phẩm của mình đã được công bố, sau đó thành lập nhiều công ty vệ tinh tự sản xuất giả (giả chất lượng) các sản phẩm của mình và đưa ra thị trường tiêu thụ.

Điển hình cho thủ đoạn đánh tráo sản phẩm phải kể đến vụ thu giữ 14.000 mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ, trị giá tới 11 tỷ đồng của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ TS Việt Nam cuối năm 2017. Công ty này đã lợi dụng lòng tin của người tiêu dùng thông qua việc sở hữu kênh phân phối độc quyền 12 thương hiệu với hơn 50 nhãn hàng uy tín.

Sau khi bán các sản phẩm chất lượng để tạo lòng tin, công ty này liên tục nhập các lô hàng có xuất xứ từ Trung Quốc rồi mang về Việt Nam thay đổi nhãn mác thành những thương hiệu nổi tiếng mà công ty đang phân phối và sản xuất. Điều đáng nói, Giám đốc của công ty này là người từng được cử làm đại diện Việt Nam tham gia Chương trình bình chọn Hoa hậu Quý bà châu Á 2017 - Mrs Asia International 2017. Tên tuổi của giám đốc công ty này càng khiến cho việc kinh doanh mỹ phẩm giả được trôi chảy, thu hút người tiêu dùng tin tưởng hơn.

Đánh giá về các thủ đoạn sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm giả, bà Nguyễn Thị Huyền Trang, chuyên viên Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng: Hàng giả, hàng nhái phát triển ngày càng tinh vi, có mặt ở rất nhiều phân khúc của thị trường, từ các “mẹt” hàng tạp hóa trên các phiên chợ vùng sâu, vùng xa đến hè phố các đô thị, thậm chí len lỏi, trà trộn vào cả những siêu thị cao cấp ở những đô thị lớn. “Hầu hết các hãng có uy tín, có thương hiệu, được người tiêu dùng ưa chuộng đều có nguy cơ bị làm giả, làm nhái hàng hóa. Những thủ đoạn làm hàng giả thường thay đổi liên tục, ngày càng tinh vi hơn; thậm chí đến mức tem chống giả cũng bị làm giả. Tất cả khiến vấn nạn hàng giả, hàng nhái ngày càng phức tạp, nghiêm trọng.

Mới đây, tổ công tác 334 của Bộ Công Thương phối hợp với Cục Cảnh sát kinh tế, Bộ Công an và Chi Cục Quản lý thị trường – (QLTT) Hà Nội bất ngờ kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Ngọc Tú tại thị trấn Cầu Bươu, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì.

Tại thời điểm kiểm tra, đoàn công tác phát hiện hơn 3.000 sản phẩm mỹ phẩm đông y do công ty này sản xuất nhưng không đầy đủ giấy phép. Trong khi đó, công ty này đã sản xuất được hơn 1 năm và phân phối sản phẩm thông qua 246 đại lý bán hàng online.

Văn Hùng

Bài 2: Mỹ phẩm giả, hậu quả thật

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này