Còn khoảng trống pháp lý trong quản lý hành chính nhà nước

14:37 | 21/08/2018
Tại Hội nghị tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách pháp luật có nội dung liên quan đến dự án Luật Hành chính công diễn ra tại Hà Nội vừa qua, các đại biểu cho rằng: Hiện nay còn thiếu quy định ở tầm luật về hành chính công để làm cơ sở pháp lý chung, thống nhất góp phần xây dựng nền hành chính phục vụ, hiện đại, công khai, minh bạch, có hiệu lực, hiệu quả.
con khoang trong phap ly trong quan ly hanh chinh nha nuoc Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội và Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội ký kết hợp tác
con khoang trong phap ly trong quan ly hanh chinh nha nuoc Quản lý đối tượng tại địa bàn cơ sở ở huyện Mỹ Đức: Hiệu quả từ công tác tuyên truyền

Theo rà soát, tổng hợp của Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công, tính riêng từ năm 2013 đến nay, Quốc hội đã thông qua Hiến pháp 2013 và gần 100 luật, bộ luật, trong đó có 16 đạo luật về lĩnh vực tài chính; 12 luật, bộ luật về lĩnh vực tư pháp; 9 đạo luật về lĩnh vực đầu tư, kinh doanh; 08 đạo luật liên quan đến chức năng nhiệm của công an nhân dân; 7 đạo luật về lĩnh vực tổ chức nhà nước, nội vụ.

con khoang trong phap ly trong quan ly hanh chinh nha nuoc
Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công tổ chức Hội nghị tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách, pháp luật có nội dung liên quan đến dự án Luật (Ảnh: Quochoi.vn)

Bên cạnh đó, Quốc hội còn ban hành một số nghị quyết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các pháp lệnh, nghị quyết có liên quan. Các luật, bộ luật, nghị quyết, pháp lệnh này đều có các quy định rải rác liên quan đến thủ tục hành chính, quản lý và cung ứng sản phẩm, dịch vụ công, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc ban hành và thực hiện thủ tục hành chính, quản lý và cung ứng dịch vụ công.

Cùng với đó, từ năm 2011 đến tháng 8/2015, mỗi năm Chính phủ ban hành trên 130 nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh; các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và phối hợp ban hành trên 700 thông tư và thông tư liên tịch; chính quyền địa phương ban hành trên 1.000 nghị quyết, quyết định để cụ thể hoá các văn bản pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền cấp trên.

Chính phủ còn ban hành Nghị quyết 30c/NQ - CP về Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020; Đề án 30 về cải cách thủ tục hành chính trên các lĩnh vực; cơ chế một cửa và một cửa liên thông trong cung cấp dịch vụ công; Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính; Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức” theo Quyết định số 1557/QĐ-TTg ngày 18/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ...

Các văn bản nêu trên mới tập trung vào các khía cạnh như: Điều chỉnh về cơ cấu tổ chức bộ máy hành chính công, về nhân lực làm việc trong bộ máy hành chính, các hành vi của người làm việc trong bộ máy hành chính nhà nước không được vi phạm... nhưng thiếu vắng một đạo luật điều chỉnh các nội dung gắn với sự phục vụ xã hội, tổ chức, công dân từ phía cơ quan hành chính nhà nước để buộc các chủ thể này phải phục vụ tốt với những phương thức hiện đại, nhấn mạnh tới chất lượng và hiệu quả trong cung cấp dịch vụ công và cơ chế chịu trách nhiệm.

Đặc biệt các nội dung liên quan trực tiếp đến bộ máy hành chính công trong thực hiện quyền hành pháp, quản lý ngành, lĩnh vực và cung cấp dịch vụ công là một đặc thù quan trọng bậc nhất trong hoạt động hành chính công ở nước ta hiện cũng chưa được điều chỉnh bởi một văn bản luật cụ thể nào.

Nhận thấy những bất cập trên một lần nữa được Ban soạn thảo dự án Luật Hành chính công cùng các đại biểu tham dự Hội nghị tổng kết, đánh giá thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến nội dung dự án Luật Hành chính công chỉ ra và cho rằng việc tiếp cận để xây dựng và ban hành một đạo luật để điều chỉnh hoạt động hành chính công là hết sức cần thiết đối với Việt Nam hiện nay. Theo đánh giá của Ban soạn thảo Dự án Luật Hành chính công, sự thiếu vắng một đạo luật tạo ra khoảng trống pháp lý, dẫn đến bất cập, thiếu đồng bộ trong cơ chế quản lý.

Mặc dù được coi là trọng tâm của cải cách hành chính nhưng thủ tục hành chính chưa được quy định với những nguyên tắc chung chuẩn hóa trong luật. Hầu hết những quy định về thủ tục hành chính hiện nay còn nặng về hồ sơ, giấy tờ, bản sao có công chứng, chứng thực; thiếu sự kết nối, liên thông, chia sẻ thông tin trong cơ quan hành chính các cấp; nhiều quy trình còn chưa mình bạch, chưa thực sự ứng dụng công nghệ thông tin, dịch vụ công trực tuyến.

Mặc dù, Chính phủ tập trung chỉ đạo khắc phục, thực hiện cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, nhưng vẫn còn chồng chéo, không thống nhất giữa các lĩnh vực quản lý nhà nước, tính khả thi không cao, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp...

Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Chính phủ Ngô Hải Phan cho rằng, nếu dự thảo Luật tập trung giải quyết được những vấn đề về thủ tục hành chính và dịch vụ hành chính công hiện nay thì sẽ thực hiện được mục tiêu rất quan trọng đó là góp phần hiện thực hóa quyết tâm, mục tiêu xây dựng nền hành chính kiến tạo phát triển liêm chính hành động phục vụ người dân và doanh nghiệp.

Do các thủ tục hành chính ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của người dân và doanh nghiệp nên các quy định của luật phải đảm bảo chất lượng và hướng đến cung ứng dịch vụ chất lượng tốt. Ban soạn thảo cần nghĩ đến lợi ích của người dân và doanh nghiệp, phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, xác định người dân và doanh nghiệp là khách hàng trong nền hành chính kiến tạo, phục vụ để xây dựng các quy định rõ ràng, minh bạch, thuận lợi khi thực hiện.

H.Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này