Để quy hoạch Thủ đô xứng tầm

Bài 4: Huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển đô thị

09:20 | 21/08/2018
Vấn đề huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển kinh tế nói chung, đầu tư phát triển hạ tầng nói riêng bao gồm rất nhiều nội dung, nội hàm, cách thức nghiên cứu và tổ chức triển khai. Việc xác định rõ các căn cứ khoa học, vận dụng cơ sở lý luận, kinh nghiệm trước đó đối với việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị phù hợp với điều kiện thực tiễn của Thủ đô là cơ sở quan trọng cho quá trình xây dựng và triển khai các đề án quy hoạch có tính khoa học, hợp lý, tiết kiệm chi phí và mang lại hiệu quả cao.
bai 4 huy dong nguon luc cho dau tu phat trien do thi Bài 3: Phải dựa trên thực tế địa phương
bai 4 huy dong nguon luc cho dau tu phat trien do thi Bài 2: Phải kiểm soát tốt việc thực hiện quy hoạch
bai 4 huy dong nguon luc cho dau tu phat trien do thi Bài 1: Quản lý theo quy hoạch và có kế hoạch

Xã hội hóa, nâng cao hiệu quả đầu tư

Những thành tựu to lớn của Hà Nội sau 10 năm thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII) là minh chứng sinh động, rõ nét tính đúng đắn, giá trị lịch sử, ý nghĩa thực tiễn, lâu dài của chủ trương mở rộng địa giới hành chính đối với sự phát triển của Thủ đô. Đó cũng là tiền đề quan trọng, tạo thế và lực mới cho Thủ đô phát triển những năm tiếp theo. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực vẫn còn đó nhiều tồn tại cần được quan tâm giải quyết triệt để.

Chính vì vậy, Thành ủy Hà Nội khóa 16 đã xây dựng và ban hành Chương trình số 06 về “Phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu hạ tầng đô thị, tăng cường quản lý trật tự xây dựng, đất đai, môi trường, xây dựng đô thị văn minh, hiện đại”, nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội trở thành một đô thị xanh, văn minh, hiện đại, có bản sắc, môi trường được cải thiện, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, bảo đảm kết nối Thủ đô với vùng đồng bằng sông Hồng và vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

bai 4 huy dong nguon luc cho dau tu phat trien do thi
Một góc Thủ đô Hà Nội nhìn từ trên cao. Ảnh: Dantri

Có thể nói, trong số 8 chương trình công tác của Thành ủy nhiệm kỳ này, Chương trình số 06 là một trong số những chương trình quan trọng nhất, bởi nó cụ thể hóa thực hiện một trong ba khâu đột phá của thành phố. Việc thực hiện thành công chương trình sẽ có tác động trực tiếp đến sự phát triển trước mắt và lâu dài của Thủ đô, đến đời sống nhân dân.

Để thực hiện chương trình này, các ngành chức năng của thành phố sẽ triển khai 27 quy hoạch, đề án, kế hoạch chuyên ngành, hàng trăm dự án, công trình trên các lĩnh vực, với nguồn vốn ước tính lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn thu ngân sách hạn hẹp, thành phố cần khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, nguồn lực, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư.

Theo TS. Trần Văn Khôi - Viện nghiên cứu kinh tế xây dựng và đô thị, nhu cầu để đầu tư phát triển đô thị và hạ tầng kỹ thuật đô thị là rất lớn, trong khi đó nguồn vốn ngân sách để chi cho đầu tư xây dựng ngày càng hạn chế, khả năng tiếp cận nguồn vốn vay của các tổ chức tài chính quốc tế, tiếp cận tài trợ của các nước ngày càng hạn hẹp hơn, do đó cần thiết phải có những giải pháp phù hợp đồng bộ để huy động mọi nguồn lực của xã hội tham gia đầu tư xây dựng các hệ thống này. Từ thực tế này, việc xây dựng hệ thống cơ chế, chính sách đồng bộ, hoàn chỉnh và thông thoáng để thu hút tối đa các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đang được cả xã hội hết sức quan tâm.

“Theo chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật được Quốc hội giao, Luật phát triển đô thị sẽ được trình Quốc hội trong năm 2008, trong đề cương dự thảo Luật dự kiến sẽ có một chương về huy động nguồn lực cho đầu tư phát triển đô thị. Đây là một chương hết sức quan trọng, đảm bảo sự hoàn chỉnh và hiệu quả của Luật và trong thực tế là một trong những yếu tố có tính quyết định trong chương trình phát triển đô thị của các địa phương trong cả nước” – TS. Trần Văn khôi nhấn mạnh.

Đòn bẩy từ thị trường bất động sản

Tại Châu Á, Hong Kong và Singapore lại là các ví dụ thành công trong việc huy động nguồn lực cho phát triển các đô thị vệ tinh (ĐTVT) nhờ việc tập trung đầu tư xây dựng nhóm nhà ở dành cho những người có thu nhập trung bình, thấp. Cũng tương tự, với mục tiêu giảm tải cho thủ đô Seoul, ngay từ những năm 1960, Chính phủ Hàn Quốc đã tiến hành thực hiện hàng loạt các ĐTVT thông qua việc phát triển các khu công nghiệp tạo việc làm và các khu nhà ở tại 02 thành phố vệ tinh Seongnam cách thủ đô 25km (năm 1960) và Gyeonggi (năm 1970). Tuy bài toán di dời dân cư của Seoul chưa hoàn toàn thành công nhưng rất nhiều nguồn lực từ bất động sản (BĐS) và đất đai đã được khai thác thành công.

Khởi đầu từ việc Chính phủ đã đầu tư xây dựng hệ thống đường cao tốc và tàu điện ngầm kết nối giữa Seoul với các ĐTVT, giảm thời gian di chuyển của người dân khiến giá trị BĐS ở các ĐTVT tăng cao, tạo nên sức hút đối với người dân. Tính đến cuối năm 1980, hàng loạt các ĐTVT Incheon, Suwon, Anyang, Uejeongbu, Seongnam và Bucheon phát triển vượt mức phát triển trung bình của Hàn Quốc. Giữa năm 1970 và 1980, trong khi Soeul chỉ phát triển ở mức 3.4%/năm thì các ĐTVT đạt mốc tăng trường trung bình 6%/năm, thậm chí Anyang và Bucheon cán mốc 12%/năm.

Bài học kinh nghiệp từ các ví dụ trên cho thấy, BĐS và đất đai là nguồn lực chính đóng góp cho sự tăng trưởng chung của riêng các ĐTVT cũng như của toàn vùng đô thị. Theo đánh giá chung của các chuyên gia, việc phát triển và điều hành tốt thị trường BĐS sẽ có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua các biện pháp kích thích vào đất đai, tạo lập các công trình, nhà xưởng, vật kiến trúc… từ đó tạo chuyển dịch đáng kể và quan trọng về cơ cấu trong các ngành.

Bên cạnh đó, thị trường BĐS phát triển làm tăng khối lượng giao dịch hàng hóa BĐS, là điều kiện cơ bản tăng nguồn thu của ngân sách Nhà nước thông qua thu các loại thuế liên quan đến BĐS. Tuy nhiên, khả năng huy động vốn (gián tiếp lẫn trực tiếp) qua thị trường BĐS của Thủ đô Hà Nội nói riêng hay cả nước Việt Nam nói chung đến nay vẫn còn hạn chế. Hiện nay, ngoài hình thức góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất vào các dự án liên doanh, BĐS hầu như chưa được chuyển hoá thành tài sản tài chính dành cho phát triển kinh tế, xã hội.

Theo PGS. TS Nguyễn Văn Hùng – Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng, hiện nay, khi đầu tư xây dựng hạ tầng cũng như làm đường chúng ta mới chỉ tính đến đơn giá xây dựng con đường mà chưa nghĩ đến làm sao tận dụng các quỹ đất xung quanh để có thể bù đắp một phần hoặc toàn bộ cho chi phí đó, thậm chí là sinh lãi nếu làm tốt. Giải thích rõ hơn về điều này, Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Xây dựng cho rằng, thực tế khi nâng cấp hạ tầng khung, hay mở ra những con đường mới nơi đây thường đi qua những làng xóm hoặc đồng rượng, vốn có đơn giá bồi thường thấp.

Khi có đường mới thì giá đất ở 2 bên đường sẽ lên rất cao. Nếu ta lấy được dải đất 2 bên đường rồi cho đấu thầu. Nếu làm tốt sẽ có lãi thậm chí lãi đù bù chi cho đầu tư công, đặc biệt cảnh quan 2 bên đường cũng sẽ được nâng cấp đồng bộ và cũng không còn hiện tượng “trục lợi” cá nhân gây méo mó quy hoạch, thất thoát tài sản nhà nước.

“Hà Nội cần tránh lệ thuộc các doanh nghiệp trong việc thực hiện quy hoạch cũng như công tác triển khai dự án, rất khó để khẳng định các doanh nghiệp, tập đoàn hoàn toàn không vụ lợi khi góp sức phát triển thành phố. Hà Nội có thể thí điểm đặt hàng các đơn vị tư vấn trong và ngoài nước trong công tác quy hoạch, trên tinh thần cởi mở, công khai, minh bạch. Việc đấu giá các lô đất trong quy hoạch có thể mang lại nguồn tài chính không nhỏ cho ngân sách của Thủ đô” - PGS TS Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh.

Tuy nhiên cũng cần nhấn mạnh rằng, nguồn lực đất đai và BĐS là con dao hai lưỡi, nếu quản lý tốt nguồn lực đất đai và BĐS sẽ là yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển bền vững của đô thị nói chung và đặc biệt là các ĐTVT. Tuy nhiên, nếu như làm không tốt, thiếu kiểm soát sẽ rất dễ tạo ra “bong bóng BĐS” gây ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế.

Tuấn Dũng

Kỳ 5: Để quy hoạch Thủ đô xứng tầm

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này