Nhận diện “tín dụng đen”

21:17 | 16/08/2018
Tiếp tục loạt bài về phòng, chống các loại tội phạm phát sinh từ “tín dụng đen”, PV Báo Lao động Thủ đô đã phỏng vấn một số cán bộ công an, luật sư từng có kinh nghiệm, hiểu biết sâu về hoạt động của các tổ chức “tín dụng đen”. Qua đó, có thể khuyến cáo người dân nhận diện rõ ràng về “tín dụng đen”, tránh sa vào “bẫy” của các ổ nhóm tội phạm trá hình... 
nhan dien tin dung den Tội phạm hình sự gia tăng do “tín dụng đen”
nhan dien tin dung den Không khoan nhượng với “tín dụng đen”
nhan dien tin dung den Sẽ không còn đất sống!

Cấu thành từ đủ kiểu... bất hợp pháp

Trao đổi với PV về hoạt động này cũng như những hệ lụy do nó gây ra, Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng – Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP Hà Nội cho biết, đối với nhiều người, “tín dụng đen” đơn giản chỉ là cho vay nặng lãi, tuy nhiên, khi nghiên cứu các quy định của pháp luật hiện hành cho thấy, hoạt động “tín dụng đen” không chỉ đơn giản như vậy.

nhan dien tin dung den
Alo là có tiền, vay không thế chấp vẫn được dán ở nhiều ngõ phố Hà Nội

Với mỗi hình thái khác nhau của “tín dụng đen” đi kèm với đó là các dịch vụ đòi nợ thuê tương ứng. Các công ty đòi nợ thuê hợp pháp đăng ký kinh doanh như những doanh nghiệp được pháp luật công nhận vẫn đang hoạt động một cách bình thường, tuy nhiên, chẳng ai có thể biết họ đang áp dụng những “chiêu trò” gì để mà đòi tiền.

Lâu nay, giới chuyên gia và các phương tiện thông tin đại chúng đề cập nhiều khái niệm “tín dụng đen”, nhưng về mặt pháp lý thì không dễ gì khẳng định thế nào là “tín dụng đen”, bởi vì chưa có quy định hay giải thích cụ thể, rõ ràng. Nói đến “tín dụng đen” là nhắc đến một hoạt động cho vay vốn bất hợp pháp, không được phép hoạt động cho vay, nhưng vẫn tiến hành cho vay.

Để được gọi là “tín dụng đen” thì phải là một hoạt động cho vay có nhiều hơn một yếu tố bất hợp pháp trong số các yếu tố sau: Hoạt động cho vay bất hợp pháp, mục đích vay vốn bất hợp pháp, lãi suất cho vay bất hợp pháp hoặc có những hành vi bất hợp pháp khác như đe dọa, cưỡng bức, lừa dối trong giao dịch cho vay... Hiện tượng phổ biến nhất của “tín dụng đen” là sự kết hợp của hai yếu tố cho vay bất hợp pháp đi đôi với áp đặt một mức lãi suất cao trái với quy định của pháp luật.

Việc cho vay và vay tiền ngoài các tổ chức tín dụng là quan hệ dân sự và không phải hành vi bị cấm. Hoạt động này chỉ vi phạm pháp luật khi việc cho vay được xác định là có lãi suất vượt quy định và có tính chất “bóc lột”. Qua các vụ án đã xảy ra, với cơ quan chức năng, để tìm hiểu được mức lãi suất cho vay trong hoạt động “tín dụng đen” tại thời điểm tiến hành giao dịch rất khó khăn.

Để che giấu mức lãi khủng khiếp, các chủ “tín dụng đen” thường không thể hiện trên giấy tờ vay mức lãi suất mà chỉ thỏa thuận miệng với người vay nhưng vẫn thu tiền lãi hằng ngày, hằng tuần, hằng tháng mà khi bắt giữ công an khó chứng minh mức lãi này. Những chủ nợ này cũng thường khấu trừ luôn tiền lãi vào số tiền gốc ngay khi giao tiền, nên người vay không bao giờ cầm đủ số tiền thực vay trong “hợp đồng”.

Hành vi người cho vay tiền có tính chất “chuyên bóc lột” còn khó chứng minh hơn nhiều… Đó chính là nguyên nhân khiến cho những vụ cho vay với lãi suất “cắt cổ” chỉ bị phát giác khi mà hậu quả đã thành những hành vi vi phạm pháp luật hình sự khác. Lúc này, việc xử lý hình sự đối với các đối tượng cho vay nặng lãi sẽ áp dụng cho các hành vi như “bắt giữ người trái pháp luật”, “cưỡng đoạt tài sản”, “cố ý gây thương tích”…

Một số đối tượng cho vay có vẻ chặt chẽ hơn khi yêu cầu người vay phải thế chấp một số loại giấy tờ như chứng minh nhân dân, “sổ đỏ”... Đa số người đi vay mắc bẫy “tín dụng đen” không có kiến thức tối thiểu về tài chính cá nhân, đôi khi sẵn sàng đi vay nóng vì những lý do chưa thiết yếu như vay để lo một việc gì đó trong gia đình, vay để tìm việc làm…

Cùng với kiến thức pháp luật không đầy đủ, nhiều người để được vay đã sẵn sàng ký mọi giấy tờ, không để ý đến hậu quả. Trong rất nhiều trường hợp cơ quan bảo vệ pháp luật muốn bảo vệ người dân bị lừa đảo tuy nhiên các tài liệu, chứng cứ đều phản bác lại lập luận đó nên dù muốn bảo vệ cũng khó. Có những gia đình, tất cả các thành viên đều đồng tình ký vào hợp đồng chuyển nhượng nhà cho đối tượng cho vay “tín dụng đen”, vì vậy, khi đưa ra xem xét thì người vay vẫn là bên yếu thế.

Và những chiêu lách luật

Luật sư Nguyễn Văn Dũng – Đoàn Luật sư TP Hà Nội, cho biết, Bộ Luật Hình sự (BLHS) 2015 có quy định mức lãi suất trần để xác định dấu hiệu của tội phạm cho vay nặng lãi.

Cụ thể, Điều 201 BLHS 2015 quy định: Người nào cho vay lãi suất gấp năm lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ Luật Dân sự (BLDS)hưởng lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên là có dấu hiệu phạm tội này.Trong khi đó, trần lãi suất theo quy định tại Điều 468 BLDS 2015 là khoảng 20%/năm, tức khoảng gần 1,7%/tháng. Như vậy, cho vay với lãi suất từ 8,5%/tháng trở lên là có thể bị xử lý về hành vi cho vay nặng lãi.

Mặc dù, BLHS 2015 đã cụ thể hơn đối với các tội cho vay nặng lãi, tuy nhiên, các chủ “tín dụng đen” thường chia nhỏ số tiền cho vay nên khó chứng minh họ thu lợi trên 30 triệu đồng. Bên cạnh đó, các chủ“tín dụng đen” cũng đối phó bằng cách không ra mặt, giao cửa tiệm, cửa hàng cho người khác quản lý khi đã bị xử phạt hành chính.

Chủ các đường dây “tín dụng đen” cũng láchbằng cách ghi “hợp đồng” cho vay dưới hình thức khác nên việc xử lý đối với hoạt động này không hề đơn giản. Thông thường chỉ khi các chủ nợ có hành vi vi phạm pháp luật khác như cưỡng đoạt, cướp, đánh, bắt giữ người trái pháp luật thì công an mới xử lý về tội cho vay nặng lãi.

Việc xử lý pháp luật các tổ chức và cá nhân về hành vi cho vay nặng lãi có vướng mắc vì theo quy định, để xử lý hình sự thì phải xác định được đối tượng cho vay với mức lãi suất cao gấp 10 lần lãi suất Nhà nước quy định. Cụ thể, lãi suất cao nhất là 20%/năm, tương đương 1,7%/tháng và chứng minh được có tính chất “bóc lột” trong cho vay. Thế nhưng, các chủ nợ “tín dụng đen” lách luật bằng cách ghi giấy nợ không rõ ràng, lấy lãi theo ngày nên rất khó xác định dấu hiệu vi phạm. Sự việc khó xử lý vì “hợp đồng” này là dân sự.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này