Làng làm đàn Đào Xá

Nơi lưu giữ thanh âm hồn Việt

09:30 | 10/08/2018
Ít ai biết rằng rẻo đất làng Đào Xá, xã Đông Lỗ (Ứng Hòa – Hà Nội) là nơi cho “ra lò” những cây đàn dân tộc, từ đàn bầu, đàn đáy đến nhị, sáo, hồ, … Thậm chí những nhạc cụ nước ngoài bán trên thị trường Việt Nam cũng được làm bởi đôi tay người Đào Xá. Để ra được một cây đàn như ý phải trải qua nhiều công đoạn cùng với sự tỉ mẩn và bàn tay tài hoa của người thợ.
tin nhap 20180810082828 Người lưu giữ 1.000 ký ức về “thời hoa lửa”
tin nhap 20180810082828 Lưu giữ nét đẹp truyền thống thành Nam

Theo các cụ trong làng kể lại, nghề làm đàn đã có ở đất Đào Xá từ gần 200 năm trước. Cụ Đào Xuân Lan, người đã có công đi học nghề ở xứ Tàu rồi về truyền dạy cho người dân quê hương sau nhiều năm học nghề. Cụ được người dân làm đàn trong làng coi là tổ nghề và được thờ phụng tại từ đường họ Đào. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề làm đàn của Đào Xá cũng giúp cho người dân nơi đây thoát cảnh đói nghèo. Sản phẩm do các nghệ nhân trong làng làm ra nức tiếng gần xa, bán chạy đến nỗi không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.

tin nhap 20180810082828
Nghệ nhân Đào Văn Soạn miệt mài để cho ra những chiếc đàn đạt chất lượng cao

Tuy nhiên, từ sau năm 1975, khi nước ta rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế kéo dài, nghề làm đàn ở Đào Xá cũng theo đó mà suy sụp. Nhạc dân tộc không còn độc tôn, những nghệ nhân làm đàn ở làng bỏ nghề đi làm thợ xây, thợ mộc, điện gia dụng,... Phải tới đầu những năm 90, nhờ chính sách đẩy mạnh khôi phục văn hóa truyền thống của nhà nước, nghề làm đàn ở Đào Xá dần có những bước chuyển mình.

Về tới đầu làng, chúng tôi được người dân trong làng chỉ tới tìm gặp nghệ nhân Đào Văn Soạn. Ông Soạn là người có công lớn trong việc khôi phục và duy trì nghề tổ suốt mấy chục năm qua. Từ những chiếc đàn bầu, đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn tứ, đàn sến cho tới các cây đàn đáy, đàn nguyệt, đàn hồ... Tất cả đều do tay nghệ nhân tuổi ngoại thất tuần làm ra với tất cả tâm huyết và tình yêu nghề của mình.

Trao đổi với PV, người dân trong làng cho hay, để làm được cây đàn ưng ý cũng lắm công phu, đòi hỏi người thợ phải trải qua nhiều công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu, phơi gỗ, ra gỗ đến đánh bóng, trau chuốt và lắp ghép. Sau khi chọn được gỗ, người thợ tạo khung làm dáng, tạo khuôn làm hộp đàn. Mọi khâu đều được làm một cách cẩn thận và hoàn toàn thủ công. Đàn làm xong phải cẩn thận tráng sơn, sau đó khảm trai để trang trí họa tiết, hoa văn. Đó cũng chính là nét độc đáo của làng nghề nơi đây.

Người thợ phải thạo hay ít nhất phải biết về nghề mộc, chưa kể phải có đôi tai và cặp mắt tinh tế. Chính từ việc đòi hỏi phải có sự tinh tế mà nhiều người trẻ tuổi trong làng dù cũng yêu thích nghề sản xuất nhạc cụ nhưng không phải ai cũng đủ kiên nhẫn theo nghề vì tính phức tạp và sự gò bó của nó. Hiện nay, làng Đào Xá còn khoảng gần chục hộ mở xưởng làm đàn. Tuy nghề không còn hưng thịnh như xưa nhưng đáng nói, ngoài lớp người cao tuổi, nghề làm đàn đang được thế hệ trẻ trong làng học hỏi để tiếp tục nối truyền nghề cha ông. Và những người nghệ nhân trong làng vẫn ngày đêm trăn trở, tìm cách lưu giữ làng nghề. Điển hình như ông Soạn là người am tường về đàn và các kỹ thuật để chế tác đàn, từ đó ông đi tiên phong trong việc kêu gọi, động viên lớp trẻ giữ nghề.

“Làm đàn không chỉ là một nghề của Đào Xá mà hơn thế, đó còn là nét văn hoá của làng. Tôi chỉ mong các cháu sẽ học, giữ nghề vậy nên sẵn sàng dạy miễn phí cho bất cứ ai muốn theo học làm đàn, thế nhưng chẳng phải thanh niên nào cũng đủ kiên nhẫn học, bám trụ với nghề”, ông Soạn trầm tư chia sẻ. Còn anh Đào Ngọc Sửu, một người thuộc thế hệ 8X nhưng đã có thâm niên hơn 10 năm trong nghề chia sẻ: “Ông cha tôi từ thế hệ trước đã gắn bó với nghề này, từ nhỏ tôi đã được học nghề, phần vì yêu thích công việc, phần vì phải gìn giữ nghề của cha ông để lại từ bao đời nay. Nghề làm đàn hay ở chỗ nó không chỉ mang đậm tính văn hóa cổ truyền mà còn rèn luyện đức tính kiên nhẫn, tỉ mẩn, khéo léo của người thợ”.

Hoa Nguyễn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này