Viết tiếp bài: “Không thể chối bỏ trách nhiệm với người lao động”

Người lao động tiếp tục kêu cứu

13:01 | 09/08/2018
Báo Lao động Thủ đô số 57 ra ngày 11/5/2018 có bài viết phản ánh kiến nghị công nhân lao động làm việc tại Xí nghiệp Gạch Đông Văn, Công ty Cổ phần Hancorp.2 (thuộc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội) về những vấn đề liên quan đến tiền lương, tiền bảo hiểm cũng như nhiều chế độ khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này phía chủ sử dụng lao động vẫn không đảm bảo chế độ chính sách cho người lao động (NLĐ). Mới đây ngày 7/8, gần 100 lao động tiếp tục ra Hà Nội để kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền.
tin nhap 20180809102132 Không chi trả quyền lợi cho người lao động sau khi nghỉ việc

Qua tìm hiểu, sau khi Báo Lao động Thủ đô có bài viết phản ánh về vụ việc, ngày 7/6/2018 Sở Lao động Thương binh và Xã hội (LĐ TB&XH) tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 1337/SLĐTBXH-TTr về việc giải quyết kiến nghị của NLĐ gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa. Nội dung công văn nêu: Từ tháng 7/2012, Sở LĐ TB&XH nhận được đơn của ông Thiều Sỹ Hùng, người lao động của Công ty Cổ phần Hancorp.2 với nội dung : “Công ty không giải quyết các chế độ bảo hiểm xã hội cho NLĐ từ tháng 2/2012 cho tới nay, các chế độ liên quan về tiền lương, BHXH, chế độ thôi việc… Công ty không giải quyết rõ ràng đối với người lao động”.

Sở đã có công văn số 1885/SLĐTBXH-TTr ngày 24/8/2012 yêu cầu Giám đốc Công ty thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội để đảm bảo quyền lợi cho NLĐ. Nhưng đến tháng 12/2012, ông Thiều Sỹ Hùng và tập thể NLĐ tiếp tục gửi đơn khiếu nại đến Sở LĐ TB&XH.

tin nhap 20180809102132
Người lao động tập trung trước cửa Bộ Xây dựng

Vào ngày 25/1/2013 Chánh thanh tra Sở đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động và BHXH đối với công ty trên với mức phạt 53 triệu đồng. Đến năm 2013, ông Lê Xuân Trường lại tiếp tục gửi đơn kiến nghị đến các cơ quan địa phương và trung ương về vấn đề trên và nhận được công văn phản hồi của Sở LĐ TB&XH nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết.

Để giải quyết dứt điểm vụ việc, Thanh tra Sở LĐ TB&XH tiến hành thanh tra Công ty ngày 29/06/2016 và đã yêu cầu Công ty đóng tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp đầy đủ cho NLĐ với cơ quan BHXH theo quy định. Thế nhưng đến thời điểm này, Công ty vẫn nợ tiền BHXH, bảo hiểm thất nghiệp với số tiền lên tới hơn 15 tỷ đồng.Sau khi nhận được chỉ đạo cũng như yêu cầu từ phía các cơ quan chức năng về kiến nghị của NLĐ, Công ty Cổ phần Hancorp.2 đã tổ chức Đại hội Cổ đông bất thường ban hành Nghị quyết về việc kiện toàn lại tổ chức nhân sự Công ty và phục hồi sản xuất 2 nhà máy gạch (ưu tiên nhà máy gạch Đông Văn) để tạo việc làm cho NLĐ. Sau khi nhà máy đi vào làm việc, Công ty sẽ từng bước giải quyết các chế độ cho NLĐ.

Tiếp đến, ngày 14/6, Trụ sở Tiếp Công dân Trung ương có Văn bản số 688/TDTW gửi ông Lê Xuân Trường (Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Gạch Đông Văn) hướng dẫn NLĐ gửi đơn đến thanh tra Bộ Xây dựng để được xác minh đề nghị ông và các công dân liên hệ hoặc gửi đơn đến Thanh tra Bộ xây dựng để được xác minh, kết luận, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Ngồi thất thần cùng với những công nhân khác, ông Thiều Văn Hùng (thôn Văn Nam, xã Đông Văn, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa) chia sẻ: “Chúng tôi bị chiếm dụng tiền bảo hiểm kể từ tháng 7/2012 cho tới nay, thẻ bảo hiểm thì cũng hết hạn đầu tháng 6/2018 nên giờ có ốm đau cũng không được hỗ trợ. Bên phía công ty ngừng hoạt động dẫn đến hậu quả mọi người mất việc, lương từ tháng 1 đến nay cũng không chi trả cho công nhân lao động. Cho đến bây giờ công nhân như chúng tôi không biết đi đâu về đâu”.

Gần đây nhất ngày 27/6 UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 7482 về việc giao tham mưu giải quyết đề nghị của ông Lê Xuân Trường và một số công dân tới các cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa. Tại văn bản này, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Thị Thìn có ý kiến chỉ đạo giao Sở LĐ TB&XHchủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh, LĐLĐ tỉnh, Cục thuế Thanh Hóa, Ngân hàng Nhà nước tỉnh làm việc với Công ty Cổ phần Xây dựng Hancorp.2, kiến nghị giải quyết việc đề nghị phá sản Công ty, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/7/2018.Tuy nhiên đến thời điểm này toàn bộ những chế độ, chính sách của NLĐ vẫn chưa được đảm bảo.

Sáng 7/8, gần 100 công nhân Xí nghiệp Gạch Đông Văn đã tập trung tại Văn phòng Chính phủ (số 1 Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) để tiếp tục kiến nghị. Trao đổi với phóng viên, ông Lê Xuân Trường cho biết: “Trong thời gian làm việc tại công ty, tôi và hơn 150 công nhân khác đã trích nộp lại một khoản tiền lương để đóng BHXH. Thế nhưng lãnh đạo công ty đã chiếm dụng không nộp về cơ quan BHXH từ tháng 6/2012 đến nay. Lãnh đạo công ty chiếm dụng khoản tiền bảo hiểm trên dẫn đến việc, NLĐ đi khám chữa bệnh không được thanh toán tiền theo chế độ, không chi trả chế độ thai sản cho công nhân nữ...

Cùng với đó, tiền lương của hơn 150 công nhân từ tháng 1/2018 đến nay vẫn chưa được chi trả. Cũng theo ông Trường, từ tháng 2/2018, xí nghiệp đã ngừng hoạt động khiến công nhân không có việc làm đồng thời xí nghiệp cũng không có khả năng khôi phục lại mọi hoạt động. Lãnh đạo công ty đã phối hợp với nhà cung cấp mua vật tư, nguyên liệu kém chất lượng để đưa vào sản xuất, dẫn đến chất lượng sản phẩm kém, bán ra thị trường lỗ khoảng 70% so với giá trị thực tế. Hạ tầng cơ sở mới làm đã hư hỏng nặng, quản lý yếu kém, kinh doanh thua lỗ kéo dài...”.

Được biết tại buổi làm việc giữa đại diện tập thể lao động với lãnh đạo Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội sáng 7/8, lãnh đạo Tổng Công ty cho biết sẽ hỗ trợ NLĐ 1 tháng lương đồng thời chỉ đạo công ty sớm khôi phục lại sản xuất, thanh lý một phần tài sản và thực hiện đầy đủ mọi chế độ chính sách với NLĐ. Phía Thanh tra Bộ Xây dựng cũng có văn bản chỉ đạo công ty sớm thực hiện đầy đủ chế độ chính sách với NLĐ.

Có thể thấy, kiến nghị của tập thể lao động làm việc tại xí nghiệp gạch Đông Văn là hoàn toàn có cơ sở. Người lao động đã nhiều lần từ Thanh Hóa ra Hà Nội để kiến nghị tới các cấp có thẩm quyền. Tuy nhiên tất cả những gì họ nhận được chỉ là những lời hứa. Đề nghị các cơ quan chức năng xem xét giải quyết dứt điểm những kiến nghị của người lao động, tránh khiếu kiện kéo dài.

Trước đó, tại buổi làm việc với phóng viên hồi đầu tháng 5/2018 ông Đào Xuân Hồng- Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội, cho biết: “ Tổng Giám đốc quyết định tiến hành đại hội bất thường trong tháng 5, bầu lại Ban Giám đốc, Hội đồng quản trị, kiện toàn lại bộ máy… Phải hết quý II/2018, sau khi kiện toàn lại bộ máy, Đại hội Cổ đông bất thường thì tháng 6 nhà máy mới hoạt động lại. Quanh sự việc, nếu có biểu hiện tư túi sẽ xử lý nghiêm, chúng tôi đã mời kiểm toán để tránh thất thu vốn của Nhà nước…”.

V.Giang - L.Hằng

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này