Chương trình đào tạo đại học chất lượng cao:

Đã thực sự phát huy hiệu quả?

13:30 | 07/08/2018
Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm thay đổi bức tranh của thị trường lao động, đồng thời làm thay đổi mạnh mẽ nhu cầu về nguồn nhân lực, trình độ, cơ cấu ngành nghề. Qua đó đặt ra yêu cầu ngày càng cao đối với nguồn nhân lực nói chung và nguôn nhân lực ở các quốc gia đang phát triển nói riêng. Chính điều này đã tạo áp lực cho các trường đại học phải chuyển đổi mô hình và chương trình đào tạo để sinh viên ra trường thực sự là những “công dân toàn cầu”. 
da thuc su phat huy hieu qua Đề xuất 16 tuổi vào đại học: Giải phóng khỏi “bệnh thành tích”?
da thuc su phat huy hieu qua Bộ GD&ĐT trả lời về thông tin tăng học phí đại học

Đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao

Trong quá trình toàn cầu hóa hiện nay, nhu cầu nguồn nhân lực vừa có nền tảng vững chắc về kiến thức chuyên môn lại vừa có trình độ tiếng Anh và thành thạo các kỹ năng làm việc hiện đại trong môi trường kinh doanh quốc tế ngày càng cao.

da thuc su phat huy hieu qua
Các chương trình đào tạo chất lượng cao Nguồn: Báo cáo của Vụ Giáo dục Đại học, 2018

Nắm bắt được xu thế tất yếu đó, nhiều trường đại học đã triển khai các chương trình cử nhân chất lượng cao giảng dạy bằng tiếng Anh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Bên cạnh các chương trình đào tạo về kinh tế, kinh doanh và tài chính các trường đại học cũng đã mở thêm các chuyên ngành hẹp với mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực đặc thù phù hợp hơn với nhu cầu doanh nghiệp.

Việc tổ chức đào tạo các chương trình chất lượng cao bắt đầu xây dựng kế hoạch triển khai từ năm 2010 tại một số cơ sở đào tạo tại phía Bắc. Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục chỉ tổ chức tuyển sinh và đào tạo từ khi có Công văn số 5746/BGDĐT-GDĐH ngày 29/8/2011 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) hướng dẫn về việc tuyển sinh đào tạo chất lượng cao.

Mặc dù có nhiều tên gọi khác nhau như chương trình đào tạo chất lượng cao, chương trình đạo tạo đặc biệt chất lượng cao, chương trình đào tạo theo chuẩn quốc tế... nhưng nhìn chung thực trạng việc tổ chức triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao được xây dựng trên cơ sở chương trình đại trà đang đào tạo tại các cơ sở giáo dục có điều chỉnh, bổ sung một số nội dung như: Bổ sung thêm các học phần ngoại ngữ nâng cao, tham khảo chương trình đào tạo của nước ngoài, tài liệu giảng dạy chính phần lớn là giáo trình của các trường đại học nước ngoài...

Chẳng hạn như tại Đại học Kinh tế Quốc dân, chương trình chất lượng cao được triển khai tại trường từ năm 2010. Hiện nay, chương trình chất lượng cao của trường có 10 chuyên ngành: Kiểm toán, Ngân hàng, Đầu tư, Kinh doanh quốc tế, Quản trị doanh nghiệp, Quản trị Marketing, Tài chính doanh nghiệp, Quản trị nhân lực, Kinh tế quốc tế và Kinh tế Phát triển.

Chương trình được giảng dạy và học tập bằng cả bằng Tiếng Việt và Tiếng Anh. Các học phần được học tập và giảng dạy bằng Tiếng Anh chiếm 30% số tín chỉ toàn khóa học. Chương trình Chất lượng cao được xây dựng trên cơ sở chuyển giao công nghệ đào tạo của Chương trình Tiên tiến và một số Trường Đại học có uy tín trên thế giới.

Theo lãnh đạo trường Đại học Kinh tế Quốc dân, vừa qua, nhà trường đã tổ chức lễ trao bằng tốt nghiệp đại học hệ chính quy cho 598 sinh viên chương trình Tiên tiến, Chất lượng cao và Chương trình giáo dục Đại học theo định hướng ứng dụng (POHE) khóa 56. Theo đó, số lượng sinh viên tốt nghiệp loại xuất sắc là 27 sinh viên (chiếm 4,5%), số lượng sinh viên tốt nghiệp loại giỏi là 213 sinh viên (chiếm 35,6%). Điều này cho thấy sự nỗ lực cố gắng học tập rất cao của sinh viên chương trình tiên tiến, chất lượng cao và POHE khóa 56.

Bên cạnh đó, nhiều sinh viên của khóa K56 với thành tích học tập cao đã được nhận các loại học bổng của các tập đoàn kinh tế, các doanh nghiệp, các tổ chức và các cơ sở nghiên cứu và đào tạo cả ở trong và ngoài nước. Nhiều sinh viên đã tham gia và đạt thành tích tốt trong các cuộc thi kiến thức và kĩ năng sinh viên trong nước và quốc tế, đạt giải cao trong các cuộc thi hoa hậu, người đẹp…

Đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo

Liên quan đến vấn đề phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; Bộ GD&ĐT đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án “Nâng cao chất lượng giáo dục đại học giai đoạn 2018-2025 tầm nhìn 2030”, trong đó tập trung giải quyết một số vấn đề như: Xây dựng và triển khai hệ thống dự báo cung - cầu nguồn nhân lực trình độ đại học; đẩy mạnh thực hiện tự chủ, đổi mới quản trị giáo dục đại học; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học; đổi mới cơ chế tài chính; đổi mới quản lý đào tạo, chương trình, phương pháp đào tạo; đẩy mạnh công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng giáo dục; đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; đẩy mạnh quốc tế hóa giáo dục đại học; xây dựng cơ chế chính sách tạo nguồn lực, động lực và môi trường cạnh tranh lành mạnh trong phát triển giáo dục đại học.

Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế chính sách về đào tạo, khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao.

Trong năm học vừa qua, các cơ sở giáo dục đại học tiếp tục phát triển và lan tỏa nhiều chương trình đào tạo chất lượng cao được các chuyên gia và người học đánh giá tốt. Chẳng hạn như: Chương trình đào tạo tại các trường đại học xuất sắc, chương trình tiên tiến, chương trình cử nhân, kỹ sư tài năng... Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế.

Đó là: Kỹ năng và năng lực ngoại ngữ sinh viên Việt Nam còn thấp, dẫn tới khó khăn trong tuyển sinh và hoạt động đào tạo sử dụng bằng ngôn ngữ nước ngoài; một số chương trình đào tạo chất lượng cao như chương trình tiên tiến, chương trình POHE, chương trình kỹ sư chất lượng cao gặp khó khăn sau khi dự án kết thúc và không còn nguồn hỗ trợ kinh phí từ nhà nước; chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước; việc dự báo nhu cầu đào tạo các ngành nghề còn nhiều hạn chế dẫn đến xảy ra một số ngành đào tạo thừa, trong khi một số ngành đào tạo xã hội có nhu cầu chưa được quan tâm để phát triển; việc triển khai đào tạo chất lượng cao trình độ đại học ở các trường đại học do địa phương quản lý còn chậm được triển khai...

Để giải quyết tình trạng này, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các trường đổi mới công tác xây dựng chương trình đào tạo, trong đó có sự tham gia của các nhà quản lý, các nhà sử dụng lao động; xây dựng và công bố chuẩn đầu ra của các chương trình đào tạo; hỗ trợ việc phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học với các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động trong việc đào tạo.

Đồng thời chỉ đạo các cơ sở giáo dục đại học tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp để gắn đào tạo với nhu cầu của thị trường lao động trong và ngoài nước; yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học báo cáo tỷ lệ việc làm của sinh viên hằng năm, làm cơ sở định hướng cho một số hoạt động quản lý giáo dục như: Phê duyệt chỉ tiêu tuyển sinh, mở ngành đào tạo, điều chỉnh chương trình đào tạo đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động, kiểm định chất lượng giáo dục; chỉ đạo triển khai chuẩn đầu ra theo khung trình độ quốc gia.

Qua đó, cơ cấu ngành nghề, trình độ đào tạo được từng bước điều chỉnh, nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng nhu cầu nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội...

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này