Xung đột thương mại Trung – Mỹ:

Những thiệt hại của người tiêu dùng xã hội

10:03 | 07/08/2018
Sáng nay tôi đọc một bản tin ngắn rằng: "Người Trung Quốc mấy ngày nay đã phải ăn thịt lợn với giá tăng 10% so với tháng trước". Trung Quốc là nước nhập khẩu thịt lợn rất lớn của Mỹ, hàng năm nhập tới 900 triệu USD. Rõ ràng hai bên mới chỉ thực hiện vài cuộc trừng phạt thương mại lẫn nhau mà đã dẫn tới thiệt hại cho người tiêu dùng.
tin nhap 20180806233109 Tác động của cuộc chiến thương mại Trung – Mỹ với Việt Nam
tin nhap 20180806233109 Đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động
tin nhap 20180806233109 Việt Nam góp ý với Liên Hợp Quốc về ngăn ngừa xung đột

Không chỉ có người tiêu dùng Trung Quốc, người tiêu dùng Mỹ cũng vậy, những hàng hóa tiêu dùng mà Trung Quốc nhập khẩu vào Mỹ bị đánh thuế từ 10% lên 25%. Hàng trăm tỷ USD sẽ tác động gián tiếp đến giá cả hàng hóa tiêu dùng tại thị trường Mỹ. Còn ở Việt Nam thì sao? Mấy ngày hôm nay thịt lợn tăng giá khoảng 30-40%, trứng gà tăng 30-45%, rau tăng gấp rưỡi, gấp đôi so với thời gian khoảng 1 tháng trước đó vì nhiều lý do. Mặc dù đó chưa phải là tác động của cuộc xung đột thương mại Trung - Mỹ nhưng chúng ta cần phải hết sức quan tâm để quản lý thị trường giá cả được ổn định, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng Việt Nam.

tin nhap 20180806233109
Xung đột thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ khiến nhiều người tiêu dùng chịu ảnh hưởng nặng nề

Đi sâu một số mặt hàng của Mỹ và Trung Quốc liên quan đến thị trường hàng tiêu dùng ở Việt Nam có thể thấy, mặt hàng đậu nành khi bị Trung Quốc áp thuế sẽ dư thừa và khả năng đậu nành của Mỹ giá thấp sẽ vào thị trường Việt Nam, cơ hội giảm giá đầu vào cho các nhà máy chế biến sữa ở Việt Nam là khả thi. Chính vì vậy người tiêu dùng trông đợi giá 1 hộp sữa đậu nành có thể giảm xuống 3-5%. Còn Trung Quốc: Khi bị Mỹ áp thuế nhập khẩu vào thị trường thì việc dư thừa hàng hóa nguyên liệu sẽ có khả năng tràn vào thị trường Việt Nam với xu hướng tích cực là người tiêu dùng Việt Nam được hưởng những mặt hàng Trung Quốc có chất lượng, được kiểm soát và các nguyên liệu, phụ liệu cho các ngành dệt may, da giầy, cơ hội giảm giá những mặt hàng tiêu dùng như giày dép, may mặc nội địa cũng có thể xảy ra…

Nói như vậy chúng ta không thể trông chờ vào việc tác động tích cực từ xung đột thương mại Trung - Mỹ mà phải nhận thức rằng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh về giá cả và chất lượng, mẫu mã bao bì của hàng hóa Việt Nam là tự thân vươn lên là chính. Nhu cầu tiêu dùng của thị trường nội địa đầy tiềm năng hàng trăm tỷ USD mà các nhà đầu tư trong và ngoài nước đều ham muốn. Vậy thì nhiệm vụ của các nhà sản xuất và phân phối nội địa phải nắm chắc và trước hết làm chủ được thị trường nội địa này. Nhiều tháng nay, Chính phủ đã có những cuộc họp, hội thảo với các địa phương, các vùng kinh tế về phát triển sản xuất công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao, đầu tư công nghiệp chế biến...Nhiệm vụ hiện nay chính là sự liên kết chặt chẽ, hiệu quả giữa nhà sản xuất, nông dân, nhà khoa học, đặc biệt kỳ này Chính phủ nhấn mạnh thêm nhà phân phối, bởi vì sản xuất mà không có đầu ra thì sẽ giải cứu, ách tắc tất cả, hậu quả vừa không khuyến khích được sản xuất lại không làm lợi nhiều cho người tiêu dùng xã hội ở từng thời điểm và từng nhóm mặt hàng cụ thể trên đất nước chúng ta.

Chính phủ có chỉ đạo: Cần ngăn chặn sự chi phối lũng đoạn của khâu bán lẻ", đồng thời tại một hội nghị diễn đàn kinh tế tư nhân 2018, đại diện Tổng cục thuế có nói: "Hàng hóa vào Big C chiết khấu cứng 20%, chiết khấu mềm 12%", đây là sự kiện đáng báo động cho kinh tế Việt Nam? Qua hai ví dụ trên cho ta thấy chỉ tổ chức sản xuất nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt là chưa đủ, điều quan trọng phải gắn kết giữa sản xuất và phân phối, giảm bớt những trung gian vô lý và thủ đoạn tinh vi của một số nhà bán lẻ độc quyền chi phối thị trường, có lúc đã giết chết sản xuất và móc túi người tiêu dùng hàng nghìn tỷ một năm.

Chính vấn đề nhức nhối trên, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã yêu cầu phải kéo giá xuống một số mặt hàng như thuốc chữa bệnh, dịch vụ y tế... Điều cần nói thêm trên thị trường hiện nay nhiều mặt hàng như : đường, dầu ăn, gạo, thịt lợn. v..v cũng có điều kiện giảm giá xuống 5-10% và cũng không ảnh hưởng gì đến lợi nhuận của người sản xuất và có lợi gián tiếp cho người tiêu dùng Việt Nam. Trong cuộc chiến tranh thương mại này, các cơ quan quản lý nhà nước cần làm tốt hơn nữa công tác kiểm soát thị trường, không để những sự việc như Khai sil, Mumuso... được lũng đoạn một cách ngang nhiên ở thị trường Việt Nam, kiên quyết chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, lợi dụng những nhãn hiệu hàng hóa nổi tiếng của Việt Nam để tiêu thụ hàng hóa của các nước ngay ở thị trường nội địa bằng thủ đoạn cắt mác, thay nhãn…

Cơ hội và thách thức khi xung đột Trung - Mỹ xảy ra là đan xen, điều quan trọng là chúng ta phải chủ động tăng cường công tác quản lý nhà nước, tháo gỡ những khó khăn vốn có tồn tại nhiều năm của các doanh nghiệp để giải phóng sức sản xuất và giải quyết đầu ra cho sản phẩm Việt với giá cả và chất lượng hợp lý, đủ sức cạnh tranh ngay ở thị trường nội địa. Làm được những vấn đề trên chính là chúng ta đã khẳng định việc xung đột Trung - Mỹ là một sự kiện tất yếu và khó có thể ngăn cản và sớm giải quyết ngay được. Điều quan trọng lúc này cần làm vừa phải chủ động tìm những giải pháp thích hợp để khắc phục những khiếm khuyết do xung đột xảy ra, vừa tận dụng triệt để những cơ hội có được phục vụ cho nền kinh tế và xã hội tiêu dùng Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này