Huyện Phúc Thọ:

Vươn mình mạnh mẽ sau 10 năm về Thủ đô

11:42 | 30/07/2018
Thực hiện Nghị quyết 15/2008/QH12 của Quốc hội về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội, huyện Phúc Thọ đã có nhiều điều kiện để phát triển về mọi mặt, đời sống nhân dân được nâng lên, các tiến bộ khoa học kỹ thuật được chú trọng đưa vào sản xuất góp phần thúc đẩy kinh tế của huyện tăng trưởng mạnh mẽ.
vuon minh manh me sau 10 nam ve thu do Tích cực chăm lo đời sống người lao động
vuon minh manh me sau 10 nam ve thu do Phúc Thọ: Nỗ lực về đích nông thôn mới

Đột phá phát triển kinh tế

Trong 10 năm, kinh tế của huyện phát triển khá, có nhiều mặt khởi sắc, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều hoàn thành và vượt mức, tốc độ tăng tổng giá trị sản xuất trên địa bàn một số ngành trung bình đạt 9,96%, việc chuyển dịch cơ cấu trên các lĩnh vực công nghiệp – dịch vụ - nông nghiệp theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng công nghiệp – dịch vụ, giảm tỷ trọng nông nghiệp (năm 2008, nông nghiệp chiếm 40,1%, đến năm 2017, tỷ trọng nông nghiệp chiếm 23,4%); năm 2017 mức thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm, tăng gấp 4 lần so với năm 2008; Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại, dịch vụ đã được tập trung chỉ đạo, quan tâm tới việc đào tạo nghề, nhân cấy nghề, phát triển làng nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, phát huy giá trị của các làng nghề truyền thống. Năm 2017, tổng mức lưu chuyển hàng hóa đạt 3.400 tỷ đồng, giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp ước đạt 2.950 tỷ đồng, bình quân tăng 15%/năm.

vuon minh manh me sau 10 nam ve thu do
Huyện Phúc Thọ đang “thay da đổi thịt” từng ngày.

Với việc tập trung chỉ đạo phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, ứng dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật, chú trọng đưa giống cây, con có giá trị, năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, trong 10 năm qua, tỷ trọng nông nghiệp của huyện đã có bước phát triển vượt bậc, các cây trồng đều cho năng suất cao, giá trị sản xuất trên 1ha canh tác năm 2016 đạt 106 triệu đồng.

So với năm 2007, huyện đã có nhiều mô hình sản xuất mới, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi cho hiệu quả cao. Bên cạnh đó, huyện cũng thúc đẩy liên kết chuỗi giá trị sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm, khuyến khích, tạo cơ chế để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện như: Công ty TNHH Ba Huân Hà Nội sơ chế trứng gia cầm tại Thị trấn Phúc Thọ, Công ty TNHH nông trại chia sẻ Sharefarm tại Ngọc Tảo…Ngoài ra, các hoạt động cung ứng về điện, nước, vật tư nông nghiệp, bảo vệ thực vật, khuyến nông cũng đều được huyện tập trung phục vụ cho sản xuất.

Cơ sở hạ tầng ngày càng đồng bộ

Sau 10 năm hợp nhất, Phúc Thọ đã có thêm nguồn lực đầu tư phát triển, trọng tâm là từ nguồn vốn Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2010 – 2015 và 2016 – 2020.Nhờ đó, kết cấu hạ tầng của địa phương được nâng cấp ngày một đồng bộ.

Đến nay, toàn huyện có 20/22 xã được Thành phố công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, có 22/22 xã đạt tiêu chí về quy hoạch, giao thông, thủy lợi, điện, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, thông tin truyền thông, nhà ở dân cư, thu nhập, hộ nghèo, lao động có việc làm, tổ chức sản xuất, y tế, văn hóa, hệ thống chính trị và tiếp cận pháp luật, quốc phòng an ninh; 7/15 xã đạt tiêu chí trường học; 17/22 xã đạt tiêu chí môi trường và an toàn thực phẩm. Đối với huyện nông thôn mới, Phúc Thọ đã đạt 6/9 tiêu chí về quy hoạch, thủy lợi, điện, sản xuất, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới và an ninh trật tự, phấn đấu năm 2018 được công nhận huyện nông thôn mới.

Hằng năm huyện đều tập trung triển khai kế hoạch kiên cố hóa đường giao thông nông thôn, hoàn thành xây dựng 138/138 km đường từ trung tâm xã đến huyện và được nhựa hóa, bê tông hóa; 134/134 km đường trục thôn và đường liên thôn được nhựa hóa, bê tông hóa đạt chuẩn, 357/357 km đường ngõ xóm sạch và không lầy lội vào mùa mưa… Đưa vào sử dụng hệ thống chiếu sáng công cộng trên nhiều tuyến đường. Công tác vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện trong nhiều năm qua đã có nhiều tiến bộ, huyện đã quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng 45 điểm tập kết rác thải, phối hợp với Công ty môi trường đô thị Sơn Tây vận chuyển rác đến nơi xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đặc biệt, huyện đã và đang triển khai hiệu quả cuộc vân động “3 sạch” (nước sạch – môi trường sạch – nông nghiệp sạch), ngay trong ngày phát động đã có đông đảo nhân dân tham gia hưởng ứng, kết quả: Vệ sinh được 205,6 km đường ngõ, xóm, thu 147,25 tấn rác; vệ sinh trên 78 km đường xã, liên xã; nạo vét rãnh thoát nước, mương tiêu; thu hơn 850 kg vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật; xử lý 155 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, 268 trường hợp vi phạm về an toàn giao thông; tăng cường tuyên truyền trong nhân dân việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm sạch, nhân rộng các diện tích rau, củ, quả an toàn, các mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn; có 45% số hộ dân sử dụng nước sạch.

Trên cơ sở tập trung triển khai sâu rộng các hoạt động văn hóa văn nghệ trong nhân dân, các phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”, “Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”, đến năm 2017, toàn huyện có 75% số làng, 86,5% số gia đình đạt danh hiệu văn hóa. Bên cạnh đó, sự nghiệp giáo dục đào tạo cũng luôn được quan tâm, chăm lo, chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý và nhà giáo về mọi mặt, tổ chức thực hiện tốt các phong trào thi đua trong nhà trường… Tính đến nay, trên địa bàn huyện có 47/73 trường học đạt chuẩn Quốc gia, tỷ lệ 64,38% (tăng 35 trường trong 10 năm); 100% các trường được đầu tư trang thiết bị tối thiểu và phần mềm quản lý giáo dục; 100% các trường tiểu học, THCS được xây dựng theo hướng chuẩn hóa.

Trong 10 năm qua, công tác lao động - thương binh và xã hội trên địa bàn huyện cũng có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2% đến 2,5%, đến cuối năm 2017 toàn huyện còn 1.401/49.586 hộ nghèo, giải quyết việc làm mới cho 2.000 – 3.000 lao động/năm… Công tác y tế, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân cũng được huyện quan tâm, đến nay, 23/23 xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế, huyện đã tích cực triển khai các chương trình y tế, công tác chống dịch, giám sát chặt chẽ tình hình bệnh dịch cũng như đảm bảo an toàn thực phẩm, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, tiêm chủng mở rộng đều được quan tâm thực hiện tốt, đạt trên 99%.

Phát huy những kết quả đã đạt được, huyện Phúc Thọ đề ra 5 nhiệm vụ trọng tâm và 2 khâu đột phá để thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển từ nay tới năm 2020. Trong đó, tập trung mọi nguồn lực phát triển kinh tế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị TƯ 5 khóa 12; thực hiện hiệu quả cuộc vận động “3 sạch”, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, đảm bảo tăng trưởng nhanh, bền vững, gắn phát triển kinh tế với đảm bảo an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường; chăm lo phát triển chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Phúc Thọ thanh lịch, văn minh, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân; Phấn đấu đến năm 2020 thu nhập bình quân 50 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 50% trở lên; giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 2%...

Doãn Trung Tuấn

Phó Bí thư - Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này