“Đánh thức” tiềm năng trên vùng đất khó

10:44 | 30/07/2018
Với quyết sách đúng đắn cùng nhiều cơ chế, chính sách ưu đãi, đặc biệt gắn liền với việc thực hiện chương trình 02 của Thành ủy về phát triển nông nghiệp, nông thôn Hà Nội đã và đang “đánh thức” những vùng đất khó, biến thách thức trở thành cơ hội để phát triển nông nghiệp toàn diện, đa dạng cây trồng, vật nuôi và hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa.
danh thuc tiem nang tren vung dat kho Bàn giao mái ấm Công đoàn cho đoàn viên huyện Ba Vì
danh thuc tiem nang tren vung dat kho Huyện Ba Vì 50 năm ghi dấu nhiều thành tựu

Sức vươn ở vùng “sơn cước” của Thủ đô

Ai đã từng lên 7 xã miền núi thuộc huyện Ba Vì, nơi sinh sống của ba dân tộc (Kinh, Dao, Mường) hẳn chưa quên những cung đường lởm chởm khúc khuỷu, những ngôi nhà tạm bợ, những cánh đồng xơ xác mất mùa triền miên, cuộc sống của người dân khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Nhưng giờ đây, thay vào khung cảnh đó là những con đường bê tông rộng rãi, những ngôi nhà kiên cố mọc xen kẽ màu xanh bát ngát của rừng bương, bãi sắn, đồi chè…

Một ngày giữa tháng 7, để có cái nhìn chân thực về cuộc sống của những người dân xa xôi nhất Hà Nội, tôi rong ruổi theo đường lộ 414, từ Sơn Lộc (thị xã Sơn Tây) tới Đá Chông. Dừng chân ven đường nghỉ, một ông già bán nước bảo đây là “con đường du lịch” của Ba Vì. Vì sao ư, bởi con đường này là huyết mạch dẫn tới nhiều khu du lịch - những địa điểm đã và đang trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch.

danh thuc tiem nang tren vung dat kho
Những vùng đất xa xôi của Ba Vì đang từng ngày thay da đổi thịt

Quả thực, có đi mới thấy, những Ao Vua, Khoang Xanh - Suối Tiên, Thiên Sơn - Suối Ngà, Tản Đà, Đầm Long - Bằng Tạ và Vườn quốc gia Ba Vì... hễ nơi nào có điểm nghỉ dưỡng, bộ mặt phố thị phát triển chẳng kém Hà thành. Khác chăng, con người trên những vùng đất này, dù làm du lịch, sống nhờ “ngành công nghiệp không khói” nhưng họ vẫn giữ được nét chân chất, mộc mạc vốn có.

Tới Đá Chông, rẽ trái theo đường 415, vượt qua hàng chục cây số ngoằn ngoèo đèo dốc và cua tay áo của dãy núi Ba Vì, tôi đến Khánh Thượng - xã miền núi, nơi được xem là vùng sâu vùng xa nhất của Hà Nội, có địa bàn giáp ranh với 2 tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ. Khánh Thượng đẹp và vẫn hoang sơ. Tôi thầm nghĩ, với cảnh quan thiên nhiên cực hấp dẫn, nếu có đơn vị nào mở tour, tin chắc khách du lịch sẽ mê mẩn. Quý người và cũng hợp chuyện nên sau những xiết tay thật chặt, tôi và Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Khánh Thượng Nguyễn Chí Thủy cứ rôm rả mãi với đủ chuyện.

Nhắc chuyện địa phương đang từng ngày thay da đổi thịt, anh bảo nhiều khi bản thân anh cũng ngỡ ngàng về tốc độ đổi thay của địa phương mình. Giàu có, người dân thu nhập cao mặc dù vẫn còn trên chặng đường phấn đấu dài hơi, nhưng nếu công bình so sánh thời điểm hiện tại với 10 năm về trước thì diện mạo nơi đây đã khác hẳn. Minh chứng dễ thấy là, trước đây, thời điểm chưa mở rộng địa chính Hà Nội, đường chính còn lổn nhổn dính đất, bây giờ đã có đường bê tông tới tận thôn, dân trí mở mang…

Từ năm 2008 đến nay, cùng với những chính sách hỗ trợ theo Chương trình 135 của Chính phủ, Hà Nội đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng theo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc miền núi của Thủ đô. Theo đó, Hà Nội hiện không còn xã, thôn đặc biệt khó khăn. Tiềm năng, thế mạnh miền sơn cước của Thủ đô đang dần được khai thác.

Nhắc chuyện học, anh Lê Công Bính, ở thôn Bưởi phấn khởi bảo, từ ngày sáp nhập về Hà Nội được sự giúp đỡ của chính quyền thành phố, đơn giản nhất là học sinh rất ít bỏ học, số lượng học sinh đỗ đại học cũng rất nhiều. “Theo tôi biết, nhiều cháu trước kia không nghĩ đến chuyện thi đại học thì này lại quyết tâm vào đại học. Được sự hỗ trợ miễn giảm học phí cho các xã nghèo nên các cháu quyết tâm nỗ lực học ngay từ đầu, nên lực học và phong trào học của các cháu ngày càng rầm rộ. Sự hỗ trợ miễn giảm học phí đã làm thay đổi suy nghĩ của phụ huynh cũng như học sinh, hướng tới con đường học vấn để thay đổi cuộc sống” – một người dân quả quyết.

Đó là ở Khánh Thượng, ở xã Ba Vì cách đó không xa cũng đang có sự đổi mới. Cái mới đầu tiên có lẽ là hiệu ứng “nông thôn mới” đang diễn ra. Một “cú hích” đáng kể và biểu hiện rõ nét đang diễn ra nơi miền quê dưới chân núi Ba Vì này là những con đường bê tông phẳng, sạch, những nếp nhà mái bằng vững chắc nép bóng trong màu xanh của núi rừng, đường nước sạch hợp chuẩn nông thôn, đường điện đến từng nhà.

Ông Triệu Văn Cao, Trưởng thôn Yên Sơn, kể: “Dù có nằm trong mơ chúng tôi cũng không nghĩ được có ngày hôm nay. Quê hương thay da đổi thịt từng ngày, truyền thống văn hóa của dân tộc mình được gìn giữ và ngày một phát huy. Trật tự an ninh được giữ vững, môi trường ngày càng trong sạch”.

Đề cập đến những đổi thay từ trong gian khó, ông Dương Trung Liên - Chủ tịch UBND xã Ba Vì bảo, nhờ chính sách hỗ trợ của Thành phố, mấy năm gần đây, cơ sở hạ tầng của xã bước đầu được nâng cấp với kinh phí hàng trăm tỷ đồng. 90% hệ thống đường sá đã được cứng hóa; hệ thống thủy lợi được đầu tư; trường học được xây dựng khang trang; trạm y tế đạt chuẩn. Người dân nơi đây không chỉ phát triển sản xuất mà còn có nghề phụ đem lại thu nhập ổn định. Điển hình như thôn Yên Sơn có 140/240 gia đình có nghề thuốc Nam. Đồng bào Dao ở Ba Vì đang nỗ lực bảo tồn, phát triển nghề truyền thống và phấn đấu xây dựng quê hương giàu mạnh.

Còn đó những trăn trở

Nhắc lại thuở vẫn còn gian khó, một người dân xã Ba Vì kể, là Hà Nội nhưng đây lại là nơi có 100% đồng bào dân tộc Dao sinh sống. Xã được thành lập năm 1963 trên cơ sở gom dân từ rất nhiều chòm, xóm nhỏ sinh sống rải rác quanh chân núi Ba Vì. Cuộc sống đói, rách và lam lũ. Những tên xóm thuở xưa như: Gốc Chè, Gốc Vối, Suối Lam, Đá Ngẳng, Xóm Cốc… cũng nói lên nỗi nghèo khổ.

Lúc ấy, 6 tháng trong năm người dân phải kiếm ăn trong rừng, săn bắt những con thú nhỏ. Nhiều xóm cả năm không gặp người ngoài, chết già vẫn chưa ra khỏi núi. Giờ cả xã chỉ còn ba thôn là Yên Sơn, Hợp Nhất và Thôn Sở. Đường liên thôn, liên xã nối liền với Quốc lộ 32, thuận lợi cho thông thương, phát triển giao lưu hàng hóa. Dù có nhiều thuận lợi nhưng Ba Vì vẫn là xã khó khăn và xa xôi nhất Hà Nội.

Nhắc chuyện này, Chủ tịch xã Ba Vì bảo, để người dân thoát nghèo vẫn còn là bài toán khó. Trước mắt, chính quyền địa phương đã có những định hướng, đưa ra những mô hình sinh kế, bên cạnh tuyên truyền người dân chuyển đổi vật nuôi cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi. Thực tế cho thấy những hộ dân có tư duy nhạy bén, dám nghĩ dám làm vẫn có nhiều cơ hội để đổi đời.

Giãi bày về con số hộ nghèo của xã, ông Dương Trung Liên bảo, xã thiếu đất sản xuất nông nghiệp, mặt khác tập quán bà con chưa chuyển đổi kịp cơ cấu cây trồng, vật nuôi ứng dụng tiến bộ của khoa học kỹ thuật để tăng năng suất. Thiếu công ăn việc làm nên tỷ lệ người vượt biên theo đường tiểu ngạch ra nước ngoài làm thuê cao. Vùng đất này trước nay chưa từng có tệ nạn ma túy. Điều khiến chính quyền lo ngại, những người vượt biên đi làm ăn trôi nổi trở về có thể mang tệ nạn này về xâm nhập địa bàn. Bởi vậy với những hộ nghèo này cần sớm có những hỗ trợ về sinh kế để ổn định đời sống.

Tôi đi trên con đường mới của dải đất xa xôi nhất Hà Nội trong những cảm xúc đan xen khó tả. Đó là niềm vui khi cuộc sống của người dân được nâng lên từng ngày nhưng cũng bâng khuâng khi những nỗ lực của chính quyền và người dân chưa được đền đáp xứng đáng. Chợt, tôi dừng chân ở một ngôi trường tiểu học. Những ánh mắt trẻ thơ nhìn tôi với nụ cười vui sướng. Chúng nhìn lên ngôi trường mới về con đường mới, rồi nói một câu như khoe với tôi rằng, sáng mai chúng sẽ lên lớp. Cô giáo sẽ đón chúng như một người mẹ trong bản người Dao.

Ghi chép của Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này