Trầm cảm sau sinh:

Nỗi ám ảnh của phụ nữ

15:08 | 24/07/2018
Có lẽ chưa bao giờ như thời điểm này người ta nhắc đến cụm từ “trầm cảm sau sinh” nhiều đến thế. Nhiều trường hợp đáng tiếc xảy ra khi đa số phụ nữ bị trầm cảm thường có xu hướng tự làm đau chính mình, tự tìm lối thoát cho bản thân bằng việc giết con, tự tử,…Chỉ đến khi gia đình truy cứu lại mới phát hiện nguyên nhân chính là người mẹ mắc bệnh trầm cảm sau sinh mà không được phát hiện và điều trị kịp thời.
noi am anh cua phu nu Sức ép có con trai khiến phụ nữ có nguy cơ trầm cảm cao gấp đôi
noi am anh cua phu nu Gia tăng phụ nữ bị trầm cảm sau sinh

Nỗi đau của những bi kịch

Thời gian gần đây, những vụ việc đáng tiếc xảy ra do nguyên nhân trầm cảm sau sinh đã không còn hiếm. Theo thống kê, có đến 0,15% sản phụ mắc hội chứng trầm cảm trong số những sản phụ sinh con. Đáng lo ngại, rất nhiều gia đình chưa hiểu rõ về căn bệnh này và thường bỏ qua, vì coi đó là sự thay đổi tâm lý thông thường. Trong khi, theo các bác sĩ chuyên khoa tâm thần, hầu như mọi phụ nữ sau sinh con đều có một lần trải qua giai đoạn trầm cảm, may mắn thì nhẹ nhàng qua đi, nếu không thì hậu quả khôn lường.

Đơn cử vừa qua, dư luận xã hội chấn động và bàng hoàng với câu chuyện một phụ nữ nghi trầm cảm sát hại con và cháu mình. Cụ thể, vào tối 20/7, người dân sống tại khu đô thị Thanh Hà (Hà Nội) phát hiệnchị N. T. S (31 tuổi) có ý định tự tử nên can ngăn.Trong quá trình được giải cứu chị luôn miệng nói “tôi giết con tôi rồi”. Sau đó, khi đưa được chị xuống nhà, mọi người mới phát hiện hai cháu bé gồm một trai, một gái bị thắt cổ và đã tử vong trong căn hộ của người phụ nữ này nên đã báo cơ quan chức năng.

noi am anh cua phu nu
Phụ nữ sau sinh dễ rơi vào trạng thái trầm cảm. (Ảnh minh họa)

Nghi phạm sau đó đã bị tạm giữ để phục vụ công tác điều tra. Danh tính hai cháu bé được xác định là N.A.T (6 tuổi) và bé trai N.K.H (8 tuổi). Trong đó, cháu H. là con chị S, còn cháu T. là con gái của chị gái chồng vừa từ Lào Cai xuống chơi. Theo người nhà nạn nhân, trước đó, chị S có biểu hiện của bệnh trầm cảm đã một thời gian dài do chịu cứ sốc lớn khi cha, chú mất liên tiếp vào đầu năm 2018.

Hay trước đó, vụ việc người mẹ trầm cảm giết hại con 35 ngày tuổi tại huyện Thạch Thất (Hà Nội), cũng khiến nhiều người hoang mang. Sự việc xảy ra vào sáng 12/6/2017, bé trai 35 ngày tuổi đã bị dìm vào chậu nước đến chết. Sau những ngày điều tra tích cực, Công an TP. Hà Nội đã công bố kết luận thủ phạm gây ra vụ việc trên chính là mẹ ruột của cháu bé. Và cũng theo thông tin từ cơ quan chức năng, mẹ cháu bé có biểu hiện mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Những vụ việc đau lòng nêu trên đã khiến dư luận xã hội chấn động, để lại nhiều vết thương và nỗi ám ảnh cho người thân trong các gia đình. Đồng thời, những vụ việc này cũng chính là hồi chuông cảnh báo của hội chứng bệnh trầm cảm sau sinh.

Trầm cảm là một dạng bệnh lý

Theo một nghiên cứu đánh giá một số yếu tố liên quan đến phát bệnh trầm cảm, do bác sĩ Tô Phương Thanh thực hiện, đối tượng gồm 56 người bệnh trầm cảm được điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 năm 2016 – 2017. Kết quả, một số yếu tố thuận lợi phát sinh trầm cảm gặp trong nghiên cứu chiếm tỷ lệ cao là lứa tuổi 16 – 45 tuổi chiếm đến 75%, nữ 89,3%, đã kết hôn 67,86%, nhân cách ưu tư 46,43%, các vấn đề kinh tế 31,25% và sau sinh là 55,56%.

Lý giải về căn bệnh trên, TS.BS Tô Phương Thanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Tâm thần Trung ương 1 cho biết: Hiện nay, số bệnh nhân bị trầm cảm, trong đó có trầm cảm sau sinh ngày càng tăng.Trong khi, trầm cảm thực sự là bệnh cần được quan tâm, bởi những đối tượng khi mắc phải căn bệnh nguy hiểm này có thể bị ảo thanh xui khiến.Bệnh thực sự nguy hiểm khi bệnh nhân luôn cảm thấy đau khổ, không tìm thấy lối thoát và muốn tìm đến cái chết.

Bác sĩ Thanh phân tích: “Trầm cảm là một dạng bệnh lý biểu hiện bằng trạng thái buồn rầu, chán nản, giảm và mất dần các sở thích trước kia, luôn cảm thấy mệt mỏi mất sinh lực. Bệnh nhân luôn tự ti và mặc cảm cho rằng mình không bằng mọi người, giảm sự tập trung chú ý, nhìn tương lai ảm đạm bi quan, trí nhớ giảm sút, tình dục giảm.Rất nhiều bệnh nhân có biểu hiện mất ngủ điều trị nhiều nơi không đỡ, ăn uống kém. Khi nặng thường có ý định và hành vi tự sát, khoảng 45 – 70% những người tư sát mắc bệnh trầm cảm và 15% bệnh nhân trầm cảm chết do tự sát. Người bệnh hầu như không làm được gì khi bệnh đã nặng”.

Nguyên nhân của trầm cảm sau sinh là do trong quá trình mang thai, hormone estrogen và chất dưỡng thai trong cơ thể thai phụ rất cao. Sau khi sinh những hormone này giảm nhanh chóng, sinh ra rối loạn tâm thần, Vì vậy, nhiều sản phụ dễ mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Bệnh thường xuất hiện trong khoảng 6 tuần sau sinh, có người sớm hơn chỉ sau sinh 3 – 4 ngày, có người muộn hơn, thường vào khoảng 3 tháng.

Theo các bác sĩ, có vài yếu tố kết hợp làm tăng bệnh trầm cảm sau sinh như: Sinh con ở tuổi thành niên (dưới 20 tuổi); bà mẹ độc thân hoặc sinh con ngoài ý muốn; mẹ uống rượu bia, hút thuốc lá hoặc sử dụng thuốc gây nghiện trong quá trình thai kỳ. Trầm cảm sau sinh cũng thường xuất hiện ở những phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn về tài chính, thất nghiệp, không hài lòng với công việc, không có sự giúp đỡ; Những phụ nữ gặp phải biến cố tâm lý lớn trong thời gian mang thai, sau sinh,…“Khi bệnh trầm cảm nặng, những phụ nữ trẻ tuổi có thể đột ngột xuất hiện những cơn hoảng sợ, luôn thấy bất an nên tấn công người khác. Vì thế, ở trong giai đoạn bệnh này, phụ nữ có thể gây nguy hiểm cho con. Chính vì thế, các sự việc mẹ giết con rất dễ xảy ra”- bác sĩ Thanh cho biết.

Các bác sĩ cũng cho biết, với trầm cảm, các triệu chứng có thể kéo dài hơn 1 năm hoặc trở thành tâm thần phân liệt nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách. “Có ba dấu hiệu cơ bản cần quan tâm đến trầm cảm sau sinh của phụ nữ đó là: Bà mẹ giảm khí sắc, buồn rầu, tình tràng buồn chán này kéo dài trên 2 tuần; giảm nhiệt tình, giảm hứng thú không còn ham muốn với những sở thích trước kia; giảm năng lượng, người mệt mỏi, làm bất cứ việc gì cũng thấy mệt. Cảm giác mệt mỏi tăng về buổi sáng. Ngoài ra, các triệu chứng đi kèm như cảm thấy bi quan, giảm lòng tự trọng, sự tự tin.Có những ý tưởng và hành vi bất thường”, bác sĩ Thanh nhấn mạnh.

Bởi vậy, với những bà mẹ sau sinh, ngoài quan tâm về mặt thể chất, các bác sĩ chuyên khoa tâm thần cho rằng nên quan tâm về mặt tinh thần để tránh dẫn đến những câu chuyện đau lòng do trầm cảm. Các bác sĩ khuyến cáo, với những phụ nữ sau sinh, cách phòng bệnh trầm cảm tốt nhất là nên trao đổi tâm tư, chia sẻ với những người thân, tham gia các hoạt động cộng đồng sẽ có hiệu quả.

Còn trong gia đình, hơn ai hết người chồng, người thân,…cần gần gũi, chia sẻ với sản phụ trong thời kỳ hậu sản.Đặc biệt, gia đình nên chú ý những sản phụ có tính cách sống nội tâm vì đây là những đối tượng rất dễ mắc bệnh. Họ ít khi biểu lộ suy nghĩ của mình cho người khác, vì thế, sau một quá trình âm thầm chịu đựng, đến khi vượt quá khả năng chịu đựng họ sẽ phát bệnh.Và khi gia đình nhận thấy các biểu hiện khác lạ của sản phụ cần đưa ngay đến các cơ sở y tế, để được bác sĩ chuyên khoa thăm khám và điều trị kịp thời.

Minh Khuê

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này