Di tích Cổ Loa: Trăn trở di sản nghìn năm tuổi

Kỳ cuối: Làm sao vừa bảo tồn vừa phát triển

14:34 | 13/07/2018
Hơn nửa thế kỷ qua, Cổ Loa vẫn không xác định được mốc giới di tích, không phân định rõ ai là chủ đích thực để quản lý, không biết phải quản lý những gì... đó là những trăn trở mà nhiều chuyên gia, nhà quản lý di sản cần giải quyết để bảo tồn và phát triển di sản.
ky cuoi lam sao vua bao ton vua phat trien Kỳ 1: Không thể để di sản “ngủ yên”

Nếu để nhà nước quản lý thì không hiệu quả, còn nếu để tư nhân quản lý thì e ngại doanh nghiệp coi trọng lợi ích kinh tế hơn giá trị văn hóa. Nỗi lo này của các nhà quản lý có lẽ không thừa khi phải cân nhắc lợi – hại trước khi quyết định đưa ra giải pháp bảo tồn di sản.

Trong cuộc tọa đàm “Cổ Loa: Từ giá trị cốt lõi đến bảo tồn và phát triển”, ông Trần Đình Thành - Phó cục trưởng Cục Di sản cho rằng, các dự án bảo vệ di sản của nhà nước làm không hiệu quả, rất cần có sự tham gia của tư nhân. Tuy nhiên, PGS.TS Nguyễn Văn Huy còn băn khoăn: "Nhiều doanh nghiệp lớn đã giúp di sản cất cánh, du lịch địa phương phát triển. Không phải doanh nghiệp nào cũng đặt lợi ích của mình lên trên lợi ích của di sản.

ky cuoi lam sao vua bao ton vua phat trien
Thành Cổ Loa nhìn từ trên cao. ảnh: BQL Khu di tích Cổ Loa

Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất là sau khi tham gia, doanh nghiệp sẽ coi trọng lợi ích nào?". Theo ý kiến của GS.TS Lâm Mỹ Dung – Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn Hà Nội, những chương trình đề án nào vay tiền của tổ chức quốc tế như World Bank thì thường sẽ làm đúng theo Luật di sản, còn tư nhân thực hiện thì bà cảm thấy… nghi ngại.

Khác với việc bảo tồn các di tích ở đô thị như phố cổ, bảo tồn những công trình còn tồn tại mang tính chất chính là công trình khảo cổ học như Khu di tích Cổ Loa, thì vai trò của nhà nước rất quan trọng. Hiện nay nhà nước bảo tồn theo xu hướng “từ trên xuống” do nhiều yếu tố liên quan đến cơ chế chính sách và quản lý nhà nước. Nhưng về lâu dài, để đảm bảo tính bền vững cần có sự tham gia của cộng đồng theo xu hướng “bảo tồn từ dưới lên”, bởi chỉ có cộng đồng, các cá nhân, các tổ chức xã hội mới có đủ nguồn lực để bảo tồn được di sản cũng như giúp cho di sản sống cùng cộng đồng.

Phó Giáo sư Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy: "Muốn Cổ Loa phát huy được giá trị của mình, lãnh đạo thành phố Hà Nội phải đổi mới cách nhìn, thật sự quan tâm và thúc đẩy Cổ Loa trở thành điểm du lịch và sáng giá nhất của Thủ đô, xứng đáng với những giá trị nội tại vốn có của nó. Vấn đề Cổ Loa thực ra đã là một căn bệnh trầm kha tồn tại từ 20 năm trước. Nếu vẫn tiếp tục quản lý như hiện nay thì 20 năm sau cũng không có gì thay đổi...".

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hậu, Phó tổng Thư ký Hội khoa học Lịch sử Việt Nam phân tích: “Chúng ta đang bảo tồn di tích bằng một tư duy từ trên xuống. Nếu nhìn từ trên xuống, sẽ chỉ nhìn thấy lợi ích của mình, lợi ích kinh tế hoặc chính trị mà không thấy lợi ích và những vấn đề của người dân. Nếu đặt góc nhìn từ người dân trở lên, chính quyền sẽ hiểu ra vấn đề của người dân ở đâu, đồng thời người dân cũng hiểu được mình cần phải làm gì để bảo tồn di tích và phát triển du lịch và được hưởng những lợi ích gì.

Bà Trần Thị Thu Thủy, Ban Văn hóa của UNESCO nêu ý kiến: Cách thức hợp tác có hiệu quả chính là sử dụng phương pháp đánh giá có sự tham gia của người dân nông thôn, cho phép người dân địa phương cất tiếng nói, mô tả về đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường của họ. Dựa trên những thông tin đó, các nhà nghiên cứu đưa ra các phương án tư vấn, giúp chính quyền hoạch định chính sách phù hợp với quyền lợi của chủ đầu tư và người dân địa phương. Điều quan trọng nhất là những kế hoạch này phải có sự tham gia ngay từ đầu của người dân, thay vì công bố các dự thảo kế hoạch quản lý để lấy ý kiến công chúng.

Hiện nay Cổ Loa vẫn đang chờ quy hoạch chi tiết 1/500. Nếu chưa có quy hoạch này, việc bảo tồn sẽ vẫn chưa thể thực hiện triệt để. Các nhà khoa học đều khuyên rằng khi có một giải pháp tổng thể đã được nghiên cứu bàn bạc kỹ lưỡng hãy làm, còn không nên làm manh mún sẽ chỉ làm tổn hại di tích.

Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã đưa ra hướng dẫn quản lý du lịch tại các khu di sản, trong đó nêu rõ bất cứ chương trình du lịch bền vững nào cũng cần sự tham gia của những người có lợi ích, hoặc các bên quan tâm gồm các cơ quan chính phủ, các tổ chức nghiên cứu bảo tồn di sản, các tổ chức phi chính phủ, các nhà kinh doanh bất động sản và các cộng đồng địa phương. Do đó, việc bảo tồn và phát triển di sản cần có chính sách, quy hoạch của nhà nước và sự đầu tư của doanh nghiệp.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này