Đề xuất khám chữa bệnh thông thường tại tuyến tỉnh, trung ương sẽ phải tự trả tiền

08:16 | 08/07/2018
“Cần hạn chế khám, chữa bệnh thông thường tại các tuyến tỉnh, Trung ương bằng cách tăng mức đồng chi trả với người bệnh tại tuyến này, giảm giá thanh toán đối với các bệnh viện tuyến trên khi KCB thông thường” – Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam đề xuất.
de xuat kham chua benh thong thuong tai tuyen tinh trung uong se phai tu tra tien 80% người có thẻ BHYT đăng ký khám chữa bệnh ban đầu tại y tế cơ sở
de xuat kham chua benh thong thuong tai tuyen tinh trung uong se phai tu tra tien Tuyệt đối không được bớt xén quyền lợi của người bệnh

Chính sách thông tuyến làm người khám bệnh ở tuyến xã giảm

Tại Hội nghị trực tuyến Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) tuyến y tế cơ sở diễn ra cuối tuần qua, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, chỉ riêng tại các bệnh viện tuyến Trung ương và tỉnh/thành phố, số người đến khám chỉ 28,7% nhưng chi phí lên tới 67,3% tổng chi quỹ khám chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT). Trong khi đó, tuyến huyện khám tới 51,4% số lượt bệnh nhân nhưng chi phí chỉ 29,8%.

Con số này tại tuyến xã chi phí còn thấp hơn nữa, chỉ 2,7% tổng chi quỹ KCB BHYT trong khi tỷ lệ người dân đến khám chiếm gần 20%.

Trong khi đó, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê đánh giá, y tế cơ sở đang phải đối mặt với nhiều khó khăn cả về cơ sở vật chất, chất lượng cán bộ y tế cũng như việc thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe người dân.

Hiện nay, có 41,9% số trạm y tế đạt chuẩn quốc gia về y tế xã; 6,5% số trạm có đủ cơ số phòng theo chuẩn. Có 25,9% số trạm y tế xã đủ trang thiết bị; 42,9% ở mức chấp nhận được; 31,2% thiếu số trạm y tế thiếu trang thiết bị cơ bản theo yêu cầu. Hầu hết các trạm y tế đều thiếu các thuốc trong danh mục, kể cả các thuốc cho điều trị các bệnh mạn tính, thông thường, thuốc y học cổ truyền.

“Tỷ lệ trạm y tế thiếu thuốc tại Cao Bằng là 71,9%; Điện Biên là 33,7%; Bình Định là 41,7%...” – ông Khuê cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Minh, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, tổng số trạm y tế xã KCB BHYT đến nay là 9.821 với số thẻ đăng ký BHYT ban đầu là 21,5 triệu, chiếm khoảng ¼ số người tham gia BHYT (86,9%).

Tuy nhiên, chính sách thông tuyến đang tạo ra thực trạng số người KCB BHYT tại tuyến xã có xu hướng giảm. Theo đó, năm 2014, tỷ lệ KCB BHYT tại tuyến xã chiếm 28,3% nhưng đến 2017 chỉ còn 19,9% và giảm xuống 18,5% trong sáu tháng đầu năm 2018.

Trong khi đó, KCB BHYT tại tuyến huyện gia tăng, từ 43,2% (2015) lên 52% (6 tháng đầu năm 2018). “Với tình trạng này, nếu trạm y tế xã không được đầu tư tốt thì người dân sẽ lên tuyến trên để điều trị và trạm y tế sẽ không phát triển được”, bà Minh nói.

de xuat kham chua benh thong thuong tai tuyen tinh trung uong se phai tu tra tien
Khám chữa bệnh thông thường tại tuyến tỉnh, trung ương sẽ phải tự trả tiền - ảnh minh họa

Khám chữa bệnh thông thường tại tuyến tỉnh, trung ương sẽ phải tự trả tiền

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh cho rằng, để nâng cao chất lượng KCB BHYT tại tuyến y tế cơ sở, cần thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản; quản lý các bệnh mãn tính tại trạm y tế xã; gắn hoạt động quản lý sức khỏe tại trạm y tế xã với hoạt động của bác sĩ gia đình.

Đặc biệt, theo bà Minh, cần có cơ chế linh hoạt đối với y tế cơ sở theo năng lực cung cấp dịch vụ y tế, số lượng người bệnh BHYT đến KCB, bỏ quy định giao quỹ KCB cho trạm y tế tối đa bằng 20% quỹ KCB BHYT ngoại trú.

“Cần hạn chế khám, chữa bệnh thông thường tại các tuyến tỉnh, Trung ương bằng cách tăng mức đồng chi trả với người bệnh tại tuyến này, giảm giá thanh toán đối với các bệnh viện tuyến trên khi KCB thông thường” – bà Minh nêu giải pháp.

Chia sẻ thêm về nội dung này, ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) nhận định, hiện y tế cơ sở đang chỉ nặng về “kê đơn, cấp thuốc.”

Liên quan đến vấn đề này, Cục trưởng Lương Ngọc Khuê cho biết, Bộ Y tế đang đầu tư trang thiết bị phù hợp với năng lực chuyên môn của trạm y tế xã, bảo đảm cung cấp dịch vụ xét nghiệm cơ bản, đáp ứng các bệnh thông thường tại xã theo gói dịch vụ y tế cơ bản, đặc biệt là bệnh không lây nhiễm.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thị Minh thì đề xuất: "Nếu dịch vụ nào tuyến xã làm được thì BHXH không thanh toán ở tuyến huyện nữa. Người dân muốn vượt lên tuyến trên thì phải bỏ tiền túi ra".

Theo Hoàng Hải/ vnmedia.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này