Quá tải bể bơi ngày nắng nóng: Đề phòng rước bệnh

15:58 | 07/07/2018
Những ngày hè nắng nóng, nhu cầu “giải nhiệt” trong các bể bơi tăng cao dẫn đến tình trạng hầu hết các bể bơi luôn trong tình trạng đông đúc, thậm chí có thời điểm quá tải. Điều đáng nói, số lượng quá đông người “tắm chung” có nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.
qua tai be boi ngay nang nong de phong ruoc benh Hướng dẫn mới nhất của Hiệp hội Bơi Mỹ khi thấy người đuối nước
qua tai be boi ngay nang nong de phong ruoc benh Vì sao không nên đi bơi, chơi trò dưới nước khi bị tiêu chảy?

Ken đặc người tại bể bơi

Ghi nhận của PV, những ngày qua nắng nóng lên tới đỉnh điểm, có những ngày nhiệt độ ngoài trời lên tới hơn 40oC. Điều này dẫn tới nhu cầu tắm mát, bơi lội càng tăng lên cao. Tại Hà Nội, có khoảng 50 bể bơi trong nhà và ngoài trời, song chừng đó vẫn chưa thể đáp ứng đủ nhu cầu của các thượng khách mùa nắng nóng.

qua tai be boi ngay nang nong de phong ruoc benh
Bể bơi Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) luôn thu hút nhiều người đến bơi vào đầu giờ sáng và chiều trong những ngày nắng nóng hoành hành miền Bắc. Ảnh: P.V

Tại các giờ cao điểm từ 6h-8h và từ 16h-18h, tình trạng quá tải tại các bể bơi thường xuyên xảy ra. Theo khảo sát, trung bình mỗi ngày, một bể bơi ở Hà Nội có khoảng 200-300 khách.

Chiều 4.7, tình trạng hàng dài người lớn, trẻ nhỏ xếp hàng mua vé vào bể bơi xảy ra tại bể bơi bán đảo Linh Đàm (quận Hoàng Mai). Bể bơi này đã chia thành 3 ca, trong đó buổi chiều 2 ca từ 15h30 - 17h30 và từ 18h15 - 20h. Thời điểm bắt đầu vào ca bơi mới là lại xuất hiện hình ảnh dòng người chen chúc xếp hàng mua vé vào bơi.

Chỉ trong ca thứ 3 đã có khoảng 300 lượt khách đến bể bơi chỉ rộng khoảng hơn 300m2 cho cả người lớn và trẻ em. Số lượng người quá đông nên hầu hết khách hàng chỉ có thể “ngâm mình” cho mát chứ không còn không gian để có thể bơi lội.

Tương tự, tại bể bơi Tăng Bạt Hổ (quận Hai Bà Trưng) cũng trong tình trạng đông đúc từ ca sáng tới ca tối. Vào ca bơi đầu giờ sáng và cuối giờ chiều, nhiều phụ huynh và con em phải xếp hàng dài chờ mua vé và thay đồ vào bể bơi.

Giá vé người lớn 90.000 đồng/lượt, trẻ em là 70.000 đồng/lượt ngoài ra còn có các khóa học bơi dành cho trẻ nhỏ. Theo một số nhân viên bán vé, trong những ngày cuối tuần đông gấp 2 - 3 lần. Tình trạng bể bơi đông đúc cũng diễn ra tại nhiều nơi khác như bể bơi Thái Hà (quận Đống Đa), bể bơi Khăn quàng đỏ (Hoàng Hoa Thám)…

Chị Nguyễn Thị Hạnh (Liễu Giai, Ba Đình, Hà Nội) cho hay: “Giá vé tại các bể bơi chênh lệch khá lớn, song tình trạng quá tải không vì thế mà giảm. Lượng người quá đông, cứ bơi được một đoạn lại va phải người khác.

Bên cạnh đó, sau một vài lần tới các bể bơi, tôi thấy rất khó chịu vì mùi hóa chất bốc lên nồng nặc, nước xanh lờ lờ. Cũng theo chị Hương, nhiều người tới bể bơi nhưng ý thức không tốt mang lại khá nhiều phiền toái cho người khác. Đặc biệt, vấn đề về chất lượng nước, lượng người đông đúc, vệ sinh bể bơi khiến nhiều người lo lắng có thể ảnh hưởng tới tình trạng sức khỏe.

Cẩn thận rước bệnh

TS-BS Phạm Thị Minh Phương - Bệnh viện Da Liễu Trung ương - cho biết bể bơi là nơi công cộng, có thể tiềm ẩn nguy cơ một số bệnh truyền nhiễm, gây một số tác hại đối với người sử dụng. Một số bệnh truyền nhiễm dễ gặp như: Tiêu hóa ví như nhỡ uống một ngụm nước bể bơi có nhiễm khuẩn đường tiêu hóa, ngoài ra, có thể bị viêm tai mũi họng, đau mắt viêm kết mạc… Bệnh viêm da tiếp xúc với nước bể bơi không đảm bảo chất lượng.

“Tại Bệnh viện Da liễu Trung ương có rất nhiều bệnh nhân bị viêm da tiếp xúc đến bệnh viện khám. Chủ yếu là do trong nước bể bơi người ta sử dụng nhiều hóa chất hoặc vật lý để tiệt trùng gây kích ứng cho da. Khi nó ở nồng độ cao sẽ gây một loạt các viêm da kích ứng với người sử dụng bể. Một số người nhạy cảm sẽ bị viêm da tiếp xúc dị ứng” - TS-BS Phạm Thị Minh Phương nói.

Cũng theo bác sĩ Phương, nước bể bơi tiệt trùng không cẩn thận cũng mang lại bệnh cho người dùng. Bể càng đông người càng sử dụng chất tẩy, tiệt trùng mạnh. Rất nhiều bể bơi người ta đổ nước hóa chất sát khuẩn với nồng độ cao khiến nguy cơ gây bệnh về da càng cao.

Clorine thường gây viêm da tiếp xúc khi ở nồng độ khá cao, tuy nhiên ngay cả khi nồng độ không cao lắm nhưng nếu sử dụng thường xuyên hằng ngày cũng không tốt, tác dụng phụ lên da, ví như nó gây khô da vì bản chất clorine rửa trôi chất lipit trên bề mặt da vì nó là hóa chất, sau đó gây ngứa nứt nẻ da.

Bác sĩ này khuyến cáo nên chọn bể bơi có mật độ người dùng ít, vì đông thì khó đảm bảo chất lượng nước vừa an toàn vừa vệ sinh; Giảm sự lây nhiễm của bệnh truyền nhiễm. Khu bể có tắm tráng trước khi xuống bể rất quan trọng, khi tắm tráng ướt tóc, ướt da, khi xuống nước, da và tóc đã ẩm sẽ hấp thu ít hóa chất hơn nước hồ bơi. Sau bơi phải tráng ngay lập tức để hóa chất, vi khuẩn trên da trôi đi không bám đọng trên mặt da, không dùng nước nóng vì nghiên cứu cho thấy việc dùng nước nóng tắm tráng làm tăng các độc tính hóa chất lên.

Cần nâng cao trách nhiệm của các ngành chức năng

Để hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh tật qua bể bơi theo chuyên gia Trần Hồng Côn - Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) - các bể bơi cần yêu cầu khách hàng thực hiện nghiêm quy định tắm nước sạch trước khi xuống bể bơi để hạn chế nguy cơ lây lan bệnh. Bản thân mỗi người đi bơi cũng nên nâng cao ý thức cộng đồng bằng việc, nếu phát hiện bản thân mắc bệnh, nhiễm khuẩn thì tuyệt đối không nên đi bơi. Khi đi bơi không nên đi vệ sinh tại bể bơi, như vậy vừa không tốt cho bản thân vừa gây nguy hiểm tới những người xung quanh.

Để có những bể bơi an toàn, đảm bảo vệ sinh rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, cũng như ý thức tự giác chấp hành quy định về an toàn bơi của các chủ đầu tư về công tác cứu hộ, cứu đuối; bảo đảm về y tế, chất lượng nguồn nước… Bên cạnh đó, bản thân người dân khi đi bơi cũng phải có ý thức giữ gìn vệ sinh chung. THÙY LINH

Theo Vương Trần - Cao Nguyên/ laodong.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này