Bảo vệ người tiêu dùng: Thay đổi tư duy từ hai phía

Bài 2: Người tiêu dùng cần bảo vệ chính mình

09:36 | 05/07/2018
Có thể nói, năm 2017 là một năm bản lề và có ý nghĩa quan trọng đối với công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) ở Việt Nam. Bởi, đây là năm thứ hai các tổ chức, cá nhân bắt đầu triển khai chương trình phát triển, các hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại vấn nạn hàng giả, hàng nhái…vẫn diễn ra khiến dư luận bức xúc. Vậy NTD cần phải làm gì để bảo vệ mình trước những khó khăn ấy?.
bai 2 nguoi tieu dung can bao ve chinh minh Bài 1: Đồng hành bảo vệ người tiêu dùng
bai 2 nguoi tieu dung can bao ve chinh minh Bán hàng đa cấp: Doanh nghiệp giảm, người tham gia tăng

Ngại khiếu nại

Mặc dù Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đã ra đời được 7 năm (có hiệu lực từ ngày 1/7/2011) và đạt được một số kết quả đáng ghi nhận. Số liệu từ Cục Quản lý Cạnh tranh (Bộ Công Thương) cho thấy, chỉ tính riêng năm 2017, Cục đã tiếp nhận và xử lý trên 1.400 khiếu nại, yêu cầu của NTD liên quan đến những hành vi, vi phạm, hoặc có dấu hiệu vi phạm đến quyền lợi NTD trong nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

bai 2 nguoi tieu dung can bao ve chinh minh
Thay vì im lặng NTD cần phải hiểu luật để bảo vệ chính mình và cộng đồng.

Đặc biệt, ngành hàng được yêu cầu tư vấn, giải quyết khiếu nại và được phản ánh tới Cục nhiều nhất là ngành hàng tiêu dùng khi chiếm đến (17,77%); tiếp đó là nhóm hàng đồ điện tử gia dụng với (14,76%); điện thoại, viễn thông là (11,44%)… điều này cho thấy, tình hình xâm phạm quyền lợi NTD ngày một diễn biến phức tạp và khó kiểm soát. Trong đó, Hà Nội là địa phương có nhiều phản ánh, khiếu nại nhất về vi phạm liên quan đến NTD với 371 vụ việc, chiếm hơn 37%; kế tiếp là TP Hồ Chí Minh với 249 vụ việc, chiếm 25% tổng số khiếu nại…

Thông kê trên cho thấy, NTD vẫn bị xâm phạm về quyền lợi. Thậm chí, khi bị xâm phạm nhiều NTD không biết phản ánh ở đâu, vì thế, họ đành im lặng bỏ qua. Từng là nạn nhân của hàng giả, hàng kém chất lượng, chị Hải Yến ở khu đô thị Xa La (Hà Đông) cho biết, nhiều lần tôi đặt mua hàng trên mạng nhưng khi nhận thì chất lượng sản phẩm lại không được như mình mong muốn, thậm chí, khi check thông tin sản phẩm thì biết đó là hàng nhái. Mặc dù rất bực mình về vấn đề này, tuy nhiên tôi không biết phải phản ánh với ai. Mà có phản ánh thì cũng rườm rà, nên cũng đành im lặng chấp nhận và tìm mối mua hàng ở nơi khác.

Trước hàng loạt các vụ việc liên quan đến vấn đề xâm phạm quyền lợi NTD, các chuyên gia cho rằng, đó chính là hệ lụy của sự im lặng của NTD, từ đó dẫn đến tâm lý “e ngại”. Và sự e ngại ấy lại được “bao bọc” bởi chính sự thiếu hiểu biết pháp luật của NTD.

Vì thế, muốn bảo vệ được mình thì trước hết cần phải hiểu luật và biết luật. Khi đó, việc im lặng hay không sẽ phụ thuộc vào chính động thái và quyết tâm của NTD. Bởi khi đó, việc họ khiếu kiện đòi bồi thường khi bị xâm phạm quyền lợi không chỉ cho bản thân mình, mà còn là hành động vì cộng đồng.

Không giống như chị Yến, chị Hà Uyên ở Khương Trung (Thanh Xuân) cho biết, chị không thích mua hàng qua mạng vì sợ mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Tuy nhiên, việc mua sắm tại các chợ dân sinh lại đang khiến chị Uyên lo lắng về nguồn gốc, chất lượng sản phẩm không kém gì chị Yến.

“Tôi thường mua hàng ở các chợ dân sinh và không ít lần mua phải hàng kém chất lượng, nhưng có thể đổi hoặc trả lại ngay. Đặc biệt, khi mua mình có thể nhìn thấy tận mắt, sờ tận tay và chủ động lựa chọn. Thế nhưng, cái khó khi mua ở các chợ dân sinh vẫn là truy xuất nguồn gốc, an toàn thực phẩm…đặc biệt, khi mua phải hàng kém chất lượng tôi thấy cũng ít người phản ứng vì sợ phiền hà, rắc rối”, chị Uyên bộc bạch.

Từ những chia sẻ trên có thể thấy, khi bị xâm phạm đến quyền lợi dù ít, dù nhiều NTD cũng không muốn rắc rối, một phần là do không biết kêu ai, một phần lại sợ gặp phiền hà liên quan đến kiện cáo, đến pháp luật…trước vấn đề này, ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội cho rằng, để xảy ra tình trạng xâm phạm quyền lợi NTD thường xuyên là do chính thói quen mua sắm của người dân.

Bởi lẽ, hiện nay khi mua hàng nhiều người vẫn còn theo tư duy xem hàng, thanh toán rồi nhận hàng…mà ít khi để ý đến việc lấy hóa đơn hay viết giấy bảo hành. Vì thế, khi mua phải hàng không bảo đảm chất lượng hay bị lỗi kỹ thuật, thì rất khó được bảo vệ.

Ông Phú cũng cho rằng, hiện phần lớn NTD vẫn có tâm lý e ngại khi nhắc đến việc khiếu nại, tố cáo, khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại với lý do chủ yếu là giá trị tranh chấp nhỏ, thủ tục khiếu nại, khiếu kiện tới cơ quan có thẩm quyền phức tạp.

Không phải nói đâu xa, sau vụ việc xâm phạm quyền lợi NTD của thương hiệu khăn lụa Khaisilk cho thấy, sau hàng chục năm làm ăn gian dối và bị cơ quan nhà nước phanh phui, thế nhưng, cho đến thời điểm hiện tại không một NTD nào lên tiếng tố cáo hay đòi bồi thường quyền lợi của mình khi mua phải hàng giả, hàng nhái của thương hiệu này. Thậm chí, trước thực trạng này NTD đã lựa chọn phương án “ngậm bồ hòn làm ngọt”…chính lý do đó vô tình khiến những NTD khác tiếp tục bị xâm phạm quyền lợi...

Hiểu luật để bảo vệ mình và cộng đồng

Trước hàng loạt các vụ việc liên quan đến vấn đề xâm phạm quyền lợi NTD, các chuyên gia cho rằng, đó chính là hệ lụy của sự im lặng của NTD, từ đó dẫn đến tâm lý “e ngại”. Và sự e ngại ấy lại được “bao bọc” bởi chính sự thiếu hiểu biết pháp luật của NTD. Vì thế, muốn bảo vệ được mình thì trước hết cần phải hiểu luật và biết luật. Khi đó, việc im lặng hay không sẽ phụ thuộc vào chính động thái và quyết tâm của NTD. Bởi khi đó, việc họ khiếu kiện đòi bồi thường khi bị xâm phạm quyền lợi không chỉ cho bản thân mình, mà còn là hành động vì cộng đồng.

Đề cập đến vấn đề trên, luật sư Đào Đăng Sơn (Đoàn luật sư TP Hà Nội) cho rằng, trước hết để tránh gặp phải vấn đề không mong muốn, thì NTD cần phải tìm đến những địa chỉ tin cậy để mua sắm hàng hóa như: Big C, Vinmart, hay các trung tâm thương mại lớn…bởi ở đó, khi NTD mua sản phẩm việc truy xuất được nguồn gốc sản phẩm thông qua các con tem, chíp điện tử rất dễ dàng. Đặc biệt, khi mua hàng NTD cũng sẽ nhận được hóa đơn mua hàng, phiếu bảo hành, bảo dưỡng đầy đủ…Bên cạnh đó, khi mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng thì ngay lập tức NTD phải lên tiếng.

“Nhiều người sẽ hỏi lên tiếng ở đâu? Ai có thế bảo vệ quyền lợi cho mình? Câu trả lời cho vấn đề này không phải là quá khó, bởi lẽ hiện mạng internet rất phát triển, NTD chỉ cần lên mạng và tra cứu là có thể tìm được các đơn vị bảo vệ quyền lợi cho mình như: Tìm kiếm Luật Bảo vệ quyền lợi NTD; gọi đến tổng đài tư vấn hỗ trợ người tiêu dùng với số điện thoại miễn phí toàn quốc 1800.6838 của Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), hội bảo vệ NTD, Ban chỉ đạo 389, tổ công tác đặc biệt 334 (Bộ Công Thương) các công ty, văn phòng luật sư. Thậm chí, NTD có thể phản ánh hành vi vi phạm của doanh nghiệp thông qua các cơ quan báo chí thông tấn…” ông Sơn nhấn mạnh.

Đồng quan điểm với luật sư Sơn, khi đề cập đến vấn đề hàng giả, hàng nhái và quyền lợi NTD, ông Trần Hùng – Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường – Tổ trưởng tổ công tác 334 (Bộ Công Thương) cho rằng, bên cạnh việc NTD phải hiểu luật để tự bảo vệ mình và bảo vệ cộng đồng, thì NTD cũng cần đặt niềm tin vào các cơ quan thực thi pháp luật. Trong khi đó, các cơ quan nhà nước cũng phải thể hiện được rõ vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ quyền lợi NTD và vì NTD.

Cũng theo ông Hùng, vấn nạn hàng giả, hàng nhái không chỉ xâm phạm đến quyền lợi NTD mà còn làm mất niềm tin của người dân vào Đảng và Nhà nước. Để thực trạng hàng giả, hàng nhái trở thành vấn nạn như hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế của đất nước, mà còn tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Qua đó, gây mất an toàn chính trị xã hội. Vì thế, để công tác bảo vệ quyền lợi NTD, đẩy mạnh vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng…ra khỏi đời sống, thì cần phải tạo được sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ của nhà nước, doanh nghiệp và NTD.

Đỗ Đạt

Kỳ cuối: Người tiêu dùng cần phải quan tâm những gì?

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này