“Phủ sóng” nước sạch về nông thôn

Kỳ 2: Nghịch lý dự án đầu tư xong đắp chiếu, hoặc có lại không dùng!

15:42 | 29/06/2018
Nhiều công trình cấp nước sạch được đầu tư xây dựng hàng tỷ đồng nhưng không phát huy hiệu quả, mà còn bị bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách trong khi người dân vẫn mòn mỏi không có nước sạch để sinh hoạt. Điều này khiến dư luận không khỏi bức xúc.
ky 2 nghich dau tu xong dap chieu hoac co lai khong dung “Phủ sóng” nước sạch về nông thôn

Nhà máy nước nhưng không có… nước

Để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho người dân, thành phố Hà Nội đã huy động nhiều nguồn lực để xây dựng các nhà máy nước. Thế nhưng, có một nghịch lý là một số nhà máy sau khi được hoàn thành lại không hoạt động hoặc hoạt động nhưng không hiệu quả. Trong đó, trạm cấp nước sạch thị trấn Đại Nghĩa (huyện Mỹ Đức) là một ví dụ điển hình.

Thị trấn Đại Nghĩa là địa phương có dân cư đông đúc với hàng chục nghìn hộ dân. Những năm gần gần đây, nguồn nước sinh hoạt ở đây ngày càng ô nhiễm nên người dân phải khoan giếng sâu hàng trăm mét rất tốn kém. Vào mùa khô, nguồn nước ngầm cạn kiệt thì nhu cầu có nước sạch để sinh hoạt đối với người dân nơi đây càng trở nên bức thiết.

ky 2 nghich dau tu xong dap chieu hoac co lai khong dung
Trạm cấp nước sạch thị trấn Đại Nghĩa

Trước thực trạng này, tháng 9/2009, UBND thành phố Hà Nội có văn bản cho phép UBND huyện Mỹ Đức đầu tư xây dựng dự án Trạm cấp nước sạch thị trấn Đại Nghĩa với công suất 2.000 m3/ngày đêm nhằm đảm bảo cung cấp nước sạch cho nhân dân và các đơn vị, trên địa bàn huyện Mỹ Đức. Mặc dù, đã triển khai xây dựng hơn 7 năm với tổng kinh phí đầu tư lên tới hơn 43 tỷ đồng, nhưng đến nay Trạm cấp nước sạch này chưa thể đưa vào sử dụng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Nghiêm Huấn, Phó trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến việc dừng triển khai dự án là do nguồn vốn đầu tư của huyện khó khăn không thể triển khai tiếp.Tuy vậy, sau khi tạm dừng xây dựng, huyện Mỹ Đức có báo cáo thành phố để giới thiệu Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân tiếp tục thực hiện dự án.Từ năm 2014, Công ty Minh Quân đã thi công xong các hạng mục: Hệ thống đường ống, bồn bể chứa và các hệ thống khử trùng vệ sinh theo thiết kế dự án đã được duyệt; hoàn thiện hệ thống mạng lưới nước cấp đến người dân; tổ chức tiếp cận các hộ dân để đăng ký sử dụng nước nhà máy.

Với các điều kiện trên, công ty đã cho vận hành thử trạm cấp nước sạch Đại Nghĩa. Nhưng do nguồn nước sông Đáy (nơi đặt vòi hút của trạm cấp nước) bị ô nhiễm nên từ đó đến nay trạm cấp nước Đại Nghĩa dừng hoạt động.Hiện nay, một số sở, ngành của thành phố đang thẩm định phương án thay thế nước sông Đáy bằng việc lấy nước của hồ Quan Sơn, cách trạm cấp nước khoảng 5km để làm nguồn nước thô cấp cho trạm cấp nước sạch Đại Nghĩa, phục vụ người dân nhưng lượng nước ở hồ Quan Sơn hiện rất thấp, không đủ để trạm cấp nước hoạt động.

Chờ người sử dụng

Cũng là câu chuyện về nước sạch nhưng ở công trình nước sạch tại thôn Bảo Lộc thuộc xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ), mặc dù chính quyền sở tại tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhưng lại phải đối mặt với sự thờ ơ của chính đối tượng sử dụng là người dân.

Theo tìm hiểu, trạm nước tại thôn Bảo Lộc được đầu tư theo Quyết định số 2608/QĐ-UBND ngày 2/12/2009 của UBND huyện Phúc Thọ với tổng vốn gần 9 tỷ đồng nhằm cung cấp nước sạch cho hơn 1.000 hộ dân trong thôn. Tháng 8/2011, công trình hoàn thành và giao cho HTX Nông nghiệp Võng Xuyên quản lý, vận hành, khai thác. Tuy nhiên, sau khi đưa vào sử dụng được khoảng 6 tháng thì công trình gần như “bỏ hoang”.

Một số thiết bị máy móc hoen gỉ, đường ống dẫn nước bị bục vỡ, nhiều đồng hồ đo lưu lượng nước của các hộ dân cũng bị hư hỏng, khó có thể khôi phục. Trước thực trạng này, ngày 16/1/2017, UBND TP Hà Nội đã chấp thuận cho Công ty Cổ phần Thương mại Dịch vụ nước sạch Tuấn Minh tiếp nhận, đầu tư cải tạo, nâng cấp mở rộng hệ thống mạng đường ống và quản lý khai thác hệ thống cấp nước sạch xã Võng Xuyên. Đáng nói, khi công trình bị bỏ hoang, người dân không có nước sử dụng đã đành, hiện công trình đã được đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoạt động trở lại, sẵn sàng cung cấp nước sạch thì người dân lại thờ ơ.

Theo ông Nguyễn Văn Việt (Giám đốc Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ nước sạch Tuấn Minh), để khôi phục lại trạm nước cũ trước khi mở rộng ra trên địa bàn toàn xã, bước đầu công ty đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để thay 2.400m đường ống từ đường ống chính vào nhà các hộ dân, lắp đặt lại hơn 700 đồng hồ đo nước, 1 tủ biến tần để bảo đảm áp suất nước ổn định, chất lượng nước cũng đã được kiểm duyệt theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế...“Trong quá trình tiếp nhận, chúng tôi cũng gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, sau khi trạm nước cũ dừng hoạt động, người dân mất niềm tin về việc cung cấp nước sạch nên khi khôi phục lại, người dân mất rất nhiều thời gian để nghe ngóng rồi mới sử dụng lại nước của bên mình. Thứ hai, chúng tôi cũng đang khó khăn về vốn vay để mở rộng trạm cấp nước theo chủ trương chấp thuận đầu tư của UBND TP Hà Nội” - ông Việt chia sẻ.

Để công trình nước sạch sớm khôi phục và đạt 100% công suất như quy hoạch dự kiến, theo lãnh đạo UBND xã Võng Xuyên thì cần tích cực triển khai những giải pháp đồng bộ. Ông Nguyễn Văn Thắng (Phó Chủ tịch UBND xã Võng Xuyên) cho biết, chính quyền xã đang tích cực vận động, tuyên truyền người dân từ bỏ thói quen cũ (dùng nước giếng khơi) mà nên sử dụng nguồn nước sạch của trạm cấp nước bởi vì hiện nay, nguồn nước ngầm đang bị ô nhiễm do chất thải chăn nuôi, xả thải thẩm thấu xuống đất.

Hy vọng rằng, với sự vào cuộc quyết tâm, đồng bộ từ các cơ quan chức năng, những công trình nước sạch này sẽ phát huy đúng giá trị chứ không phải chỉ là công trình biểu tượng, lãng phí, trái ngược với những trông mong của người dân.

Hà Phong – Phạm Thảo (Còn nữa)

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này