Tôi đến với Trường Sa

09:21 | 21/06/2018
Với người làm báo, được tác nghiệp ở Trường Sa luôn là niềm tự hào, là kỷ niệm không thể nào quên. Bởi những thông tin, hình ảnh quý giá có được từ nơi đầu sóng ngọn gió của tổ quốc, không phải sự nghiệp cầm bút của ai cũng may mắn có được.
tin nhap 20180621083936 Chuyện người lính 5.000 ngày xây đảo Trường Sa
tin nhap 20180621083936 Vang mãi khúc quân ca lính đảo Trường Sa

Nhớ lại những ngày cuối năm 2017, đoàn báo chí chúng tôi cùng đoàn công tác của Hải quân Vùng 4 (Quân chủng Hải Quân) lên con tàu KN-490 đi thăm, tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại các điểm đảo, thuộc huyện đảo Trường Sa (Khánh Hòa). Cũng như các thành viên khác trên tàu, cánh phóng viên chúng tôi gồm hơn 30 người cũng đã kịp làm quen với nhau để chia sẻ những kinh nghiệm làm báo của mình.

Đây là lần đầu tiên trong sự nghiệp cầm bút của mình, tôi có vinh dự được đến với Trường Sa, lòng không khỏi xúc động và tự hào. Là phóng viên của báo Lao động Thủ đô, nên tôi luôn xác định nhiệm vụ phải khai thác được những thông tin, hình ảnh của Hà Nội với Trường Sa: Những người con Thủ đô đang ngày đêm chắc tay sung, thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng nơi đầu sóng ngọn gió; những tình cảm của Thủ đô Hà Nội gửi đến quân và dân trên huyện đảo Trường Sa. Bên cạnh đó, tôi cũng luôn tranh thủ từng giây phút đặt chân lên các điểm đảo để ghi chép, thực hiện các phóng sự ảnh về đời sống của quân và dân trên đảo qua từng tác phẩm báo chí.

Anh em phóng viên cũng như tôi, ai cũng mong muốn có thật nhiều hình ảnh, tư liệu về Trường Sa, từ thông tin qua các cuộc trò chuyện với người dân, chiến sĩ ở nơi này, còn mong muốn có những hình ảnh đẹp, những thức phim hay để làm báo thời công nghệ, truyền tải thông tin trên nhiều phương tiện, vì vậy mà trông ai cũng “lỉnh kỉnh” một đống đồ, từ máy tính, sổ ghi chép, máy quay, máy ảnh, máy ghi âm…

tin nhap 20180621083936
Phóng viên báo Lao động Thủ đô tác nghiệp ở đảo Trường Sa Đông

Với tôi, chưa có hành trình công tác nào dài như hải trình ra biển. Thông thường, chuyến đi kéo dài trong 10 ngày và đúng theo lịch trình nếu thuận buồm, xuôi gió. Nhưng đó là chuyện thời gian, còn những gian truân của hành trình vượt sóng, thì chỉ có những người trực tiếp ra Trường Sa mới hiểu. Mặc dù ngày tàu dời Quân cảng Cam Ranh, thời tiết đẹp, “thông điệp của một chuyến đi thuận lợi, biển êm” – theo lời của một chiến sỹ trên tàu, nhưng thực tế, lênh đênh trên biển cũng không biết trước được điều gì. Cánh phóng viên đã từng dạn dày với những cung đường khắp dọc dài đất nước cũng phải thừa nhận: “Không sợ gì như sợ say sóng mùa biển động, bởi say sóng không như say tàu, xe, cảm giác ruột gan chỉ chực nhao ra khỏi ổ bụng... Mọi loại thuốc chống say gần như đều chẳng có tác dụng gì”

Hai ngày đầu trong hải trình, anh em phóng viên hầu hết là lần đầu đi biển nên ai cũng có chung cảm giác bồng bềnh, nôn nao vì say sóng. Thế nhưng, chúng tôi cũng nhanh chóng tổ chức hội ý trên boong tàu, để bàn về các phương án hỗ trợ nhau tác nghiệp trong cả chuyến đi. Trong chuyến công tác này, cánh phóng viên chúng tôi có nhà báo Phạm Thị Minh Nguyệt - Phóng viên Đài Truyền hình Ninh Bình, đây là lần thứ 2 chị đến tác nghiệp ở Trường Sa, nên ít nhiều cũng có kinh nghiệm để chia sẻ.

Đầu tiên, nhà báo Phạm Thị Minh Nguyệt lưu ý với chúng tôi là muốn tác nghiệp ở đảo phải có sức khỏe thật tốt và cần nhanh chóng di chuyển từ tàu xuống xuồng máy vào đảo. Vì trong suốt hải trình tàu gần như chạy liên tục không nghỉ, hơn nữa trong gần 1 tháng chúng tôi cứ đầu giờ chiều xuống xuồng lên đảo, đến cuối giờ chiều lại về tàu để đêm tàu lại nhổ neo đi đến điểm đảo tiếp theo. Cả chuyến đi mất hơn 20 lần di chuyển lên - xuống tàu liên tục.

Khó khăn là vậy, nhưng nhìn lại những sản phẩm về Trường Sa được đăng tải trên Báo Lao động Thủ đô thì thật đáng tự hào. Với những người làm báo, Trường Sa không chỉ hiển hiện trong từng câu, chữ hay từng bức ảnh, thước phim; Trường Sa còn hiện diện thật sâu lắng trong trái tim và tâm thức.

Chính những hình tượng của quân và dân huyện đảo Trường Sa ngày đêm kiên cường nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đã là động lực, là điểm tựa cho tất cả những phóng viên chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm để làm tốt công việc của mình. Và sau tất cả, Trường Sa thực sự là một “địa bàn” tuyệt vời để mỗi nhà báo, phóng viên thấy trân quý hơn nghề mà mình đã chọn. Và với tôi, được đặt chân đến quần đảo Trường Sa, có lẽ sẽ là dấu ấn không thể quên

Trên biển bốn xung quanh đều là nước, nên kinh nghiệm nữa mà các nhà báo nằm lòng sau mấy ngày ở đảo là giữ đồ nghề thật cẩn thận. Trước khi chuyển xuồng, anh em lại gói bọc kỹ đồ nghề: Máy ảnh, camera, máy ghi âm, giấy bút… vào túi nilông chuyên dụng được cấp sẵn, buộc chặt lại để tránh bị nước biển bắn vào thiết bị, máy móc. Ngoài ra, ở Trường Sa không thể có điều kiện tác nghiệp như trên đất liền, mặc dù có sóng điện thoại, mạng Internet (Viettel), nhưng chỉ là sóng 2G với số lượng cổng rất hạn chế nên mạng chập chờn. Trong khi hành trình kéo dài gần 1 tháng, nếu để khi về mới viết tin, bài thì “nguội” mất. Vì vậy, để gửi tin, bài, ảnh từ Trường Sa về cho tòa soạn là cả một "nghệ thuật" mà không phải ai cũng biết. Chẳng thế mà hôm đầu tiên tác nghiệp ở đảo Đá Đông trở về tàu, tôi tràn đầy khí thế ngồi viết tin, bài, chỉnh sửa ảnh trong vòng một tiếng đồng hồ là xong.

Thế nhưng, truy cập vào mạng bằng thiết bị D-com3G thì sóng của nhà mạng lúc có, lúc không; đến vài tiếng đồng hồ chờ đợi mà không mấy khả quan, cảm giác thất vọng tràn trề... Không chịu khuất phục, tôi mạnh dạn đem thắc mắc của mình đi hỏi từng thành viên trên khoang chỉ huy tàu, thì được anh Đoàn Văn Duân Bí thư Chi bộ tàu KN-490 hướng dẫn: “Do số lượng cổng thu - phát tín hiệu Internet mạng 2G từ vệ tinh tại các đảo có hạn, trong khi đó số lượng thành viên đoàn công tác gần 300 người ai cũng dùng điện thoại thông minh để truy cập thì nhà báo không thể vào mạng được đâu.

Vì vậy, phải đợi đến khoảng 1 giờ sáng, lúc mọi người đi ngủ rồi, mới có thể gửi tin, bài, ảnh được...” . Nghe theo lời anh Duân, tôi ngồi chờ đúng đến khoảng thời gian ấy, mặc dù mạng đã ổn định nhưng tốc độ truyền vẫn rất chậm, tôi phải ngồi chờ đến gần 5h sáng mới chuyển được bài về tòa soạn để thông tin cập nhật đến độc giả.

Cũng phải nói thêm, làm báo ở Trường Sa là tác nghiệp trong một điều kiện đặc biệt. Cái khó không chỉ là những cơn say sóng đến lả người, hay cả khi thuận buồm, xuôi gió thì phóng viên cũng phải đối diện với sự quá eo hẹp về thời gian. Chỉ có khoảng 3 giờ đồng hồ cho tất cả mọi hoạt động trên mỗi điểm đảo, nếu không biết tận dụng triệt để quãng thời gian quý giá ấy, thì quay đi quay lại, vèo một cái đã đến lúc trở lại tàu. Vả lại, khi mà cán bộ bận đón đoàn, chiến sĩ thì tham gia những tiết mục trong chương trình giao lưu văn nghệ, phóng viên phải khéo lắm mới lựa lấy được thông tin. Mọi kinh nghiệm làm báo, lúc ấy phải được phát huy một cách tối đa mới mong có được lưng vốn kha khá tư liệu để viết khi trở về đất liền...

Khó khăn là vậy, nhưng nhìn lại những sản phẩm về Trường Sa được đăng tải trên các trang báo của Báo Lao động Thủ đô thì thật đáng tự hào. Với những người làm báo, Trường Sa không chỉ hiển hiện trong từng câu, chữ hay từng bức ảnh, thước phim; Trường Sa còn hiện diện thật sâu lắng trong trái tim và tâm thức. Chính những hình tượng của quân và dân huyện đảo Trường Sa ngày đêm kiên cường nơi đầu sóng, ngọn gió để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc đã là động lực, là điểm tựa cho tất cả những phóng viên chúng tôi luôn ý thức được trách nhiệm để làm tốt công việc của mình.

Và sau tất cả, Trường Sa thực sự là một “địa bàn” tuyệt vời để mỗi nhà báo, phóng viên thấy trân quý hơn nghề mà mình đã chọn. Và với tôi, được đặt chân đến quần đảo Trường Sa, có lẽ sẽ là dấu ấn không thể quên. Tuy thiếu thốn mọi bề, nhưng niềm tự hào, hãnh diện được ra với Trường Sa là động lực giúp chúng tôi vượt lên chính mình, để cung cấp cho bạn đọc bức tranh đầy đủ về cuộc sống, chiến đấu và tình cảm của người lính nơi đảo xa.

Nguyễn Công

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này