Nối động mạch cổ tay cho bé trai 6 tuổi bị tai nạn sinh hoạt

12:59 | 15/06/2018
Vừa qua, các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương đã cấp cứu và phẫu thuật thành công nối động mạch cổ tay cho bé trai 6 tuổi, tai nạn bị thủy tinh cứa vào cổ tay.
noi dong mach co tay cho be trai 6 tuoi bi tai nan sinh hoat Gia tăng bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản nhập viện
noi dong mach co tay cho be trai 6 tuoi bi tai nan sinh hoat Tự làm thịt cóc để ăn: 1 cháu bé tử vong, 1 cháu bé bị ngộ độc nặng
noi dong mach co tay cho be trai 6 tuoi bi tai nan sinh hoat Viêm xương tủy nhiễm khuẩn ở trẻ: căn bệnh đòi hỏi sự kiên nhẫn

Bệnh nhân là cháu Nguyễn Mạnh Long (6 tuổi, ở Hà Nội), bị trượt chân ngã va vào tủ kính đựng ấm chén. Cú va chạm khiến chiếc tủ bị vỡ còn cháu Long không may bị thủy tinh cứa vào cổ tay. Cháu Long được người nhà đưa vào bệnh viện gần nhà sơ cấp cứu rồi chuyển đến Bệnh viện Nhi Trung ương trong tình trạng da nhợt, các ngón tay tím tái không cử động được.

noi dong mach co tay cho be trai 6 tuoi bi tai nan sinh hoat
Bàn tay cháu Long đã có dấu hiệu phục hồi (Ảnh: Bệnh viện cung cấp).

Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, sau khi thăm khám và tiến hành làm các xét nghiệm, các bác sĩ chuyên khoa Chỉnh hình Nhi đã chỉ định tiến hành phẫu thuật vi phẫu cấp cứu bệnh nhi.

Bác sĩ CKII Lê Tuấn Anh, Phó trưởng khoa Chỉnh hình Nhi, người trực tiếp phẫu thuật bàn tay cho cháu Long chia sẻ, sau khi mở băng cấp cứu kiểm tra vết thương ở vùng cổ tay phải của bệnh nhi, các bác sĩ nhận thấy tình trạng tổn thương rất nghiêm trọng: đứt toàn bộ động mạch quay, động mạch trụ, thần kinh giữa, thần kinh trụ, đứt gân gấp 4 ngón tay. Nếu không được phẫu thuật kịp thời, nguy cơ phải cắt bỏ bàn tay phải của bệnh nhi là rất lớn.

Ca phẫu thuật vi phẫu kéo dài 3 giờ đã cho kết quả tốt đẹp. Trong quá trình mổ, các bác sĩ đã tiến hành nối động mạch quay, động mạch trụ, các dây thần kinh và gân gấp giữa các ngón tay. Theo các bác sĩ, đây là ca phẫu thuật tương đối khó khăn vì các động mạc rất nhỏ, hơn nữa, bệnh nhi lại bị đứt cả hai động mạch. Trong trường hợp động mạch không được nối kịp thời, bàn tay không có máu nuôi dưỡng đủ sẽ dẫn đến hoại tử.

4 ngày sau phẫu thuật, các bác sĩ cho biết viết thương ở bàn tay cháu Long đã khô, đầu ngón tay hồng ấm, sức khỏe bệnh nhi tiến triển tốt. Tuy nhiên, để bàn tay có thể cử động như bình thường, cháu Long vẫn cần một quá trình phục hồi chức năng .

Tại khoa Chỉnh hình Nhi, mỗi năm, các bác sĩ tiếp nhận rất nhiều trường hợp tai nạn thương tâm ở trẻ nhỏ. Tai nạn do các vật dụng sắc nhọn cứa vào cơ thể như vùng cổ, cổ tay, cổ chân gây đứt động mạch là một trong những trường hợp nghiêm trọng và rất có thể gây ra tử vong ở trẻ nếu không được sơ cấp cứu đúng cách.

Để phòng tránh tai nạn thương tâm xảy ra với các em, bên cạnh việc hướng dẫn, tạo những không gian vui chơi an toàn cho con em mình, thì các bậc cha mẹ cũng rất cần trang bị các kiến thức sơ cấp cứu các vết thương mạch máu.

Theo các bác sĩ Lê Tuấn Anh, khi tiến hành sơ cứu các vị trí như cổ tay, cổ chân phải tuân theo nguyên tắc cơ bản sau đây: Có thể cho bệnh nhân dùng thuốc giảm đau (đường uống); Đặt gạc sạch, vải sạch, khăn tay sạch…lên trị trí vết thương sau đó băng ép cầm máu; Đưa bệnh nhân tới các cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị.

Bác sĩ Tuấn Anh khuyến cáo tuyệt đối không được tự ý rửa vết thương vì khi vệ sinh vết thương không đúng cách có thể đưa vi khuẩn và các chất bẩn vào sâu bên trong vết thương.

Lê Mai - Nguyễn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này