Giữ văn bằng gốc của người lao động là sai quy định

09:33 | 01/06/2018
Không ít trường hợp người lao động khi đi làm được công ty yêu cầu cung cấp giấy tờ gốc (CMND, bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng...) như một thứ để “làm tin”. Thực tế cũng đã có nhiều người chưa nắm rõ Luật Lao động, nhẹ dạ cả tin nên chấp nhận đưa văn bằng gốc của mình cho công ty giữ.
giu van bang goc cua nguoi lao dong la sai quy dinh Bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp tốt nhất cho người lao động: Tăng cường đối thoại
giu van bang goc cua nguoi lao dong la sai quy dinh 'Người lao động bức xúc vì bị công ty "giam" bằng đại học

Hiện nay, có nhiều trường hợp vì không muốn người lao động tự ý chấm dứt hợp đồng hoặc một số nguyên nhân khác nên người sử dụng lao động đã giữ những giấy tờ gốc về bằng cấp, giấy tờ tùy thân…. Điều này làm cho người lao động luôn ở trong tình thế bất an, không thể chấm dứt hợp đồng để xin làm công việc khác vì hồ sơ không đầy đủ.

giu van bang goc cua nguoi lao dong la sai quy dinh
Một số doanh nghiệp chọn cách giữ văn bằng gốc của NLĐ để "làm tin" (Ảnh minh họa)

Chia sẻ về vấn đề này, bạn Q.M (làm việc tại công ty về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe) cho rằng đây là một đòi hỏi vô lý từ công ty, “sau khi kết thúc hợp đồng thử việc 2 tháng, công ty đã trao đổi và yêu cầu mình nộp lại bằng tốt nghiệp đại học hoặc sẽ phải chấp nhận bị giữ 10% lương trong 2 tháng tiếp theo. Mình đã thắc mắc và công ty chỉ trả lời rằng đây là quy định riêng của công ty”.

Khác với Q.M, bạn H.P không bị giữ văn bằng gốc nhưng hàng tháng công ty đều giữ một phần lương, "mình đã làm ở đây được một năm và tháng nào cũng bị giữ lương. Lấy tiền lương hiện tại chia 12 sẽ ra số tiền mỗi tháng bị giữ. Nếu nghỉ việc mà không vi phạm điều gì thì công ty sẽ hoàn trả lại 100%", H.P chia sẻ. Nhưng khi được hỏi trong tình huống có vi phạm thì số tiền đó sẽ như thế nào thì chính bản thân H.P cũng chưa được công ty giải đáp rõ ràng.

Theo khảo sát của phóng viên, các doanh nghiệp có nhiều cách để giữ chân người lao động. Có thể bằng chế độ đãi ngộ, phúc lợi tốt, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại những “chiêu” như: Giữ lương; giữ CMND; giữ bằng tốt nghiệp đại học, cao đẳng... Quy định về việc nghiêm cấm giữ giấy tờ gốc của lao động đã có từ lâu, nhưng không phải người sử dụng lao động nào cũng biết, tuân thủ đúng luật và biết được hậu quả của mình khi vi phạm là gì.

Trao đổi về lý do yêu cầu giữ văn bằng gốc của người lao động, đại diện của một công ty về dịch vụ quảng cáo tại Hà Nội cho rằng, “công ty chúng tôi có quy mô nhỏ và chủ yếu là lao động trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm. Tuy nhiên, có một thực trạng đó là nhân viên chỉ làm việc trong thời gian ngắn là xin nghỉ việc, điều này gây nhiều khó khăn cho công ty. Giữ lương hoặc giữ bằng sẽ là giải pháp tạm thời để giữ chân nhân viên làm việc và gắn bó lâu dài hơn”. Phía công ty này cho biết họ biết việc giữ văn bằng gốc của nhân viên là sai quy định, nhưng chưa tìm hiểu kỹ về mức độ xử phạt là như thế nào.

Điều 20, bộ luật Lao động 2012 quy định người sử dụng lao động không được giữ giấy tờ gốc của người lao động (bản chính giấy tờ tuỳ thân, văn bằng, chứng chỉ). Đây là một trong những quy định nghiêm cấm người sử dụng lao động không được làm, vì việc giữ giấy tờ tùy thân, giữ văn bằng chứng chỉ có thể làm ảnh hưởng đến công việc của người lao động.

Theo đó, Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 95/2013/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng có quy định: Phạt tiền từ 20 – 25 triệu đồng đối với người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động. Như vậy, nếu doanh nghiệp có hành vi giữ giấy tờ gốc của người lao động, thì bản thân người lao động có thể bảo vệ chính mình bằng các cách làm đơn đến cơ quan thanh tra lao động cấp quận, huyện để yêu cầu can thiệp, xử lý hành vi sai trái của công ty này.

Bên cạnh đó, Điều 20 Luật Lao động 2012 cũng quy định, người sử dụng lao động không được yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động. Do đó, việc doanh nghiệp giữ bản chính bằng tốt nghiệp đại học và một khoản tiền để bảo đảm việc thực hiện hợp đồng lao động là không phù hợp với quy định hiện hành.

N.P

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này