Lực lượng an toàn vệ sinh viên trong doanh nghiệp:

Quan trọng nhưng còn nhiều khó khăn

12:09 | 31/05/2018
Với nhiệm vụ vừa hướng dẫn công tác an toàn cho NLĐ, vừa theo dõi, giám sát và kiến nghị với người sử dụng lao động trong việc thực hiện các quy định về an toàn, đội ngũ an toàn vệ sinh viên (ATVSV) trong các doanh nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng, giúp hạn chế tai nạn tại nơi sản xuất. Tuy nhiên, trên thực tế, quyền lợi cũng như cơ chế cho các ATVSV chưa được đảm bảo đã phần nào dẫn đến chất lượng hoạt động của lực lượng an toàn vệ sinh viên bị ảnh hưởng.
quan trong nhung con nhieu kho khan Tất cả vì an toàn vệ sinh lao động
quan trong nhung con nhieu kho khan Nâng cao chất lượng đội ngũ an toàn vệ sinh viên

Vai trò quan trọng nhưng còn nhiều khó khăn

Theo quy định của pháp luật, mạng lưới ATVSV được thành lập theo thoả thuận giữa người sử dụng lao động và BCH Công đoàn, nội dung hoạt động phù hợp với luật pháp, bảo đảm quyền của người lao động và lợi ích của người sử dụng lao động. ATVSV là những người lao động trực tiếp có am hiểu về nghiệp vụ, nhiệt tình và gương mẫu về bảo hộ lao động được tổ sản xuất bầu ra.

quan trong nhung con nhieu kho khan
An toàn vệ sinh viên tham gia giám sát quá trình thi công

Mỗi tổ sản xuất phải bố trí ít nhất một ATVSV; đối với các công việc phân tán theo nhóm thì nhất thiết mỗi nhóm phải có một ATVSV. Để đảm bảo tính khách quan trong hoạt động, ATVSV không được là tổ trưởng.

Vì “gánh” một trọng trách đối với cả đồng nghiệp và doanh nghiệp, mà chủ yếu là trách nhiệm đối với sự an toàn của mọi người, trước mỗi ca sản xuất, ATVSV phải quan sát tình trạng ATVSLĐ của máy, thiết bị, điện, mặt bằng sản xuất, phương tiện phòng cháy chữa cháy, phương tiện cấp cứu sự cố… Nếu phát hiện yếu tố hoặc nguy cơ gây tai nạn lao động thì lập tức ATVSV phải báo cáo tổ trưởng.

Trên thực tế, lực lượng ATVSV đã phát huy được trách nhiệm của mình, trở thành lực lượng quan trọng góp phần phòng ngừa, hạn chế tai nạn lao động tại nơi sản xuất. Tại Hà Nội, theo LĐLĐ Thành phố, mạng lưới an toàn vệ sinh viên được thành lập ở 2.030 doanh nghiệp với trên 32.000 an toàn vệ sinh viên. Mạng lưới ATVSV đã được các CĐCS tổ chức chỉ đạo hoạt động tốt, góp phần duy trì và nâng cao chất lượng hoạt động trong công tác ATVSLĐ.

Đây thực sự là lực lượng nòng cốt làm công tác ATVSLĐ ở cơ sở, thường xuyên có các kiến nghị đề xuất các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc cho người lao động, đảm bảo các chế độ chính sách đối với người lao động như: Chế độ về tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, khám sức khỏe định kỳ, bồi dưỡng độc hại, cấp phát phương tiện bảo vệ cá nhân, huấn luyện ATVSLĐ…

Dù có vai trò quan trọng như vậy, không ít ATVSV lại bị coi là đối tượng gây khó khăn, cản trở sản xuất chỉ vì họ kiến nghị với tổ trưởng về hiện tượng thiếu an toàn của thiết bị làm việc, chẳng hạn như câu chuyện sau đây của chị Phạm Thị T (ATVSV của một doanh nghiệp thuộc ngành dệt may).

Trước ca sản xuất, chị T phát hiện cây lấy chỉ của chiếc máy may bị lệch liền báo cáo tổ trưởng và kiến nghị kiểm tra thay mới vì lo ngại quá trình lấy chỉ bị gián đoạn, suốt chỉ có thể văng vào mặt công nhân. Tuy nhiên, người tổ trưởng cho rằng nếu thay cây lấy chỉ thì sẽ mất thời gian, chậm tiến độ giao hàng nên không thực hiện.

May mắn, hôm đó không xảy ra sự cố nhưng chị Phạm Thị T đã được nhắc nhở không nên đưa ra đề xuất làm ảnh hưởng tới quá trình sản xuất của tổ. Thực tế có không ít người khi được tín nhiệm bầu làm ATVSV đã xác định sẽ chịu “quyền rơm vạ đá” nhưng họ vẫn sẵn lòng vì sự an toàn của đồng nghiệp và của chính mình. Có cả những ATVSV còn tích cực tham gia cấp cứu đồng đội khi bị tai nạn hoặc tham gia giải quyết các sự cố xảy ra.

Chưa được động viên khuyến khích kịp thời

ATVSV hầu hết là CNLĐ trực tiếp sản xuất nên họ vừa phải thực hiện công việc của mình khi tổ trưởng sản xuất phân công vừa phải làm tròn trách nhiệm của ATVSV. Nếu không làm ra sản phẩm, không hoàn thành định mức thì không có tiền lương và không hoàn thành nhiệm vụ khi bình xét. Nếu phát hiện ra vi phạm, sai sót trong quá trình sản xuất thì ảnh hưởng đến năng suất, thành tích chung của tập thể, ảnh hưởng đến thu nhập của mỗi thành viên nên chịu nhiều sức ép.

Bên cạnh đó, quy định pháp luật về mạng lưới ATVSV, nhất là quy định về nhiệm vụ và quyền hạn của ATVSV chưa cụ thể. Hiện nay, mạng lưới ATVSV được trao rất nhiều quyền: Quyền được hưởng phụ cấp trách nhiệm; quyền được yêu cầu NLĐ ngừng công việc; quyền được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ... nhưng lại chưa có cơ chế để đảm bảo thực hiện, do đó hầu như những quyền này của ATVSV không được thực hiện trong thực tế.

Hiện, mạng lưới ATVSV mới chỉ có phụ cấp nếu doanh nghiệp có quy chế. Tại Hà Nội, theo đánh giá của LĐLĐ Thành phố, mạng lưới an toàn vệ sinh viên tại một số đơn vị chưa được thành lập hoặc đã thành lập song chỉ là hình thức, hoạt động không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp chưa xây dựng được quy chế hoạt động và chưa có chế độ phụ cấp theo quy định nên không động viên, khuyến khích được các An toàn vệ sinh viên hoạt động tích cực.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của mạng lưới ATVSV, góp phần ngăn ngừa, hạn chế TNLĐ, BNN và duy trì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng, Nhà nước cần có những quy định cụ thể hơn về trách nhiệm, quyền lợi, quyền hạn của ATVSV về các cơ chế bảo đảm thực hiện các quyền này.

Bên cạnh đó, cần tăng cường các hoạt động thông tin, tuyên truyền cho người lao động và người sử dụng lao động thấy rõ ý nghĩa, tầm quan trọng của mạng lưới ATVSV để người sử dụng lao động hiểu, tạo điều kiện cho mạng lưới ATVSV hoạt động và người lao động hiểu và hợp tác tốt với mạng lưới ATVSLĐ trong công tác phòng ngừa TNLĐ, BNN ở đơn vị, doanh nghiệp.

Đối với tổ chức công đoàn, nhất là CĐCS cần chủ động tham gia cùng chuyên môn xây dựng quy chế hoạt động của mạng lưới ATVSV; đề xuất các cơ chế hoạt động cho ATVSV trong Thỏa ước lao động tập thể trong nội quy, quy chế của đơn vị...

Ngọc Tú

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này