Để công nhân Thủ đô có chốn an cư: Sẽ có chung cư giá từ 200 triệu đồng

10:49 | 29/05/2018
Dự kiến trong tháng 8/2018, thành phố Hà Nội sẽ khởi công xây dựng nhà ở xã hội tại khu công nghiệp (KCN) Bắc Thăng Long và Quang Minh cho công nhân lao động (CNLĐ) có nhu cầu thuê trọ hoặc mua để ở; nếu mua, giá bán chỉ từ 200 đến 400 triệu đồng/1 căn hộ, tùy theo diện tích khác nhau (mức tối thiểu 1 căn hộ là 35m2).
de cong nhan thu do co chon an cu se co chung cu gia tu 200 trieu dong Phòng chống cháy nổ: Tránh tình trạng 'việc đã rồi' mới giải quyết
de cong nhan thu do co chon an cu se co chung cu gia tu 200 trieu dong Cháy chung cư tại Trần Thái Tông: Người dân chạy tán loạn trong đêm

Tin vui với công nhân khu công nghiệp

Khẳng định trên của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tại buổi gặp gỡ, đối thoại của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc với CNLĐ KCN 11 tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng thực sự là tin vui với CNLĐ đang làm việc tại các KCN của TP Hà Nội.

de cong nhan thu do co chon an cu se co chung cu gia tu 200 trieu dong
CNLĐ KCN – chế xuất mong mỏi được “an cư”

Đón nhận niềm vui trên, chị Phạm Thị Khuyên – công nhân Công ty TNHH Canon Việt Nam (KCN Bắc Thăng Long, TP Hà Nội) hồ hởi cho biết, không chỉ chị mà nhiều CNLĐ đang làm việc tại KCN Hà Nội từ lâu đã mong mỏi điều này. Như gia đình chị Khuyên, hai vợ chồng đều là “dân tỉnh lẻ” về Hà Nội lập nghiệp, thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng. Để yên tâm gắn bó với công việc hiện tại, chị Khuyên chỉ mong được “an cư”, đưa con cái lên ở cùng, được theo học tại các trường công lập gần KCN.

Còn với gia đình anh Nguyễn Văn Hưởng - công nhân Công ty Cổ phần Dụng cụ cơ khí xuất khẩu (KCN Quang Minh, TP Hà Nội) thì thông tin trên thực sự là niềm hy vọng, trông chờ bấy lâu nay. Vợ chồng anh Hưởng thuê nhà ở gần KCN Quang Minh đã 10 năm nay, tính ra chi phí thuê nhà cho cả gia đình mức tằn tiện cũng mất hơn 1 triệu đồng/tháng.

Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Tại KCN Bắc Thăng Long, hiện Hà Nội đã xây dựng 1 số khu nhà ở công nhân, theo nhu cầu của CNLĐ, thành phố đã tiến hành sửa, ngăn những phòng lớn hơn ra diện tích nhỏ hơn, đáp ứng nhu cầu thuê trọ của CNLĐ với giá cho thuê 29.000đ/m2/tháng.

Với giá cho thuê đó, đã phần nào tương ứng với nguồn thu nhập của CNLĐ tại KCN…

Anh Hưởng nhẩm tính, giờ nếu đi mua đất (khoảng 40m2) cũng mất hơn 400 triệu đồng, nếu xây tạm căn nhà cấp 4 để ở cũng mất thêm khoảng 200-300 triệu đồng nữa – mức tiền đó quá sức với đồng lương công nhân tiết kiệm của 2 vợ chồng.

“Nếu Thành phố có chủ trương xây nhà ở cho công nhân thuê trọ lâu dài với giá ưu đãi, và nếu bán với giá từ 200 – 400 triệu đồng thì quá tốt. Đó là niềm mơ ước của CNLĐ chúng tôi từ nhiều năm nay, niềm mong mỏi có được chốn “an cư để yên tâm lập nghiệp. Chúng tôi rất háo hức đón chờ”, anh Hưởng khẳng định.

Sẽ có thêm các dự án nhà ở cho công nhân

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 10/19 KCN trên địa bàn thành phố đang hoạt động, chỉ có 4 KCN đã bố trí đất theo quy hoạch để xây dựng nhà ở cho công nhân, gồm: KCN Phú Nghĩa, Bắc Thăng Long, Quang Minh II và Thạch Thất - Quốc Oai. Tại KCN Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), dự án nhà ở xã hội cho CNLĐ do Công ty CP Tập đoàn Phú Nghĩa là chủ đầu tư có diện tích 3,97 ha gồm 5 khu nhà với 10 đơn nguyên, tương đương 1.144 phòng, đáp ứng 7.900 chỗ ở. Đến nay, đã hoàn thiện được 1 tòa nhà với 106 phòng, đáp ứng chỗ ở cho 800 CNLĐ.

Tại KCN Thạch Thất - Quốc Oai có 2 dự án nhà ở. Trong đó, khu nhà ở công nhân do Công ty TNHH Điện tử Meiko Việt Nam làm chủ đầu tư có diện tích 2,07 ha gồm 3 đơn nguyên nhà cao 6 tầng; dự kiến, khi hoàn thành sẽ cung cấp 3.000 chỗ ở cho CNLĐ. Hiện tại, có 2 tòa nhà tương đương 2.000 chỗ ở cùng các công trình phụ trợ đã được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, còn dự án do Công ty TNHH Young Fast đầu tư có diện tích trên 4.400m2 đáp ứng khoảng 3.200 chỗ ở đã được đưa vào sử dụng phục vụ cho chuyên gia và công nhân công ty.

Quy mô lớn nhất hiện nay là dự án khu nhà ở xã hội cho CNLĐ tại xã Kim Chung (huyện Đông Anh) phục vụ CNLĐ làm việc tại KCN Bắc Thăng Long, đến nay đã hoàn thành 24 đơn nguyên nhà 5 tầng và 3 khối nhà 15 tầng, đáp ứng 13.350 chỗ ở.

Như vậy, các dự án đã hoàn thành tại các KCN mới giải quyết được khoảng hơn 19.000 chỗ ở cho CNLĐ và nếu hoàn thành theo kế hoạch, tới đây các khu nhà ở khi hoàn thành cũng chỉ đáp ứng được 27.000 chỗ ở - con số quá khiêm tốn so với khoảng 150.000 CNLĐ đang làm việc tại các KCN - chế xuất trên địa bàn đang có nhu cầu về nhà ở.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội: Ngoài các dự án nhà ở công nhân trong các KCN đã hoạt động, hiện nay một số KCN cũng đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết và bố trí đất xây dựng nhà ở cho CNLĐ. Cụ thể, theo Quyết định số 6363/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 28/11/2014 phê duyệt Kế hoạch phát triển nhà ở của Hà Nội năm 2015 và các năm tiếp theo thì mục tiêu phát triển nhà ở công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp giai đoạn 2016-2020 là 567.539m2 sàn xây dựng.

Căn cứ vào quyết định này, Hà Nội đang triển khai 7 dự án nhà ở công nhân (khoảng 65,2ha, tương đương 9.090 căn hộ). Đến nay, có 2 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, 1 dự án đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 nhưng chưa có quyết định đầu tư; 4 dự án còn lại đang trong giai đoạn lập quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500.

Được biết, tại KCN Quang Minh I và II đã được UBND thành phố chấp thuận chủ trương cho phép chủ đầu tư điều chỉnh quy hoạch chi tiết để dành một phần đất xây dựng quỹ nhà cho CNLĐ. Còn lại 9 KCN, thành phố sẽ nghiên cứu, bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở CNLĐ gắn liền với các khu công nghiệp.

Chăm lo cho CNLĐ là nhiệm vụ quan trọng

“Thành phố luôn luôn xác định việc chăm lo thiết chế cho CNLĐ là nhiệm vụ quan trọng”, đó là khẳng định của người đứng đầu thành phố Hà Nội. Theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung: Tại KCN Bắc Thăng Long, hiện Hà Nội đã xây dựng 1 số khu nhà ở công nhân, theo nhu cầu của CNLĐ, thành phố đã tiến hành sửa, ngăn những phòng lớn hơn ra diện tích nhỏ hơn, đáp ứng nhu cầu thuê trọ của CNLĐ với giá cho thuê 29.000đ/m2/tháng.

Với giá cho thuê đó, đã phần nào tương ứng với nguồn thu nhập của CNLĐ tại KCN. Tại cuộc tiếp xúc, đối thoại với CNLĐ năm 2016, CNLĐ KCN Bắc Thăng Long cũng đã đề cập với lãnh đạo chính quyền thành phố xây các trường mẫu giáo. Ngay sau đó, thành phố đã xây dựng trường mầm non tại khu Kim Chung – Đông Anh, bước đầu đã đáp ứng được việc học tập cho 300 cháu là con CNLĐ KCN Bắc Thăng Long.

Đặc biệt, ngày 24/4 vừa qua, sau buổi gặp gỡ với cán bộ công đoàn, CNLĐ tại Đại hội Công đoàn Thành phố lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2018-2023, thành phố đã giao huyện Đông Anh, trước mắt mở rộng ngay trường mầm non và trường phổ thông cơ sở trên địa bàn huyện, đến tháng 11/2018 sẽ có thêm vào 1-2 trường được đưa vào phục vụ tại KCN Bắc Thăng Long để có thể đón con em CNLĐ vào học tập.

Riêng đối với chương trình nhà ở, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cho biết: Thành phố đã có chương trình dùng ngân sách của Thành phố, cố gắng trong tháng 8/2018 sẽ khởi công xây dựng nhà ở xã hội tại KCN Bắc Thăng Long và Quang Minh, bước đầu xác định nếu CNLĐ có tiền mua – giá sẽ từ 200 đến 400 triệu đồng/1 căn hộ tùy theo diện tích khác nhau, nhưng căn hộ tối thiểu nhất là 35m2.

Bên cạnh đó, nhằm đáp ứng nhu cầu CNLĐ khu vực phía Nam, Thành phố vừa giao Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Hạ tầng đô thị UDIC sửa lại 4 tòa nhà ở khu vực Pháp Vân – trước đây xây dựng cho sinh viên nhưng hiện nay nhu cầu đó không còn nữa –để đáp ứng nhu cầu nhà ở cho CNLĐ. “Với những nỗ lực trên, thời gian tới, thành phố sẽ giải quyết dần những khó khăn về nhà ở cho CNLĐ trên địa bàn thành phố”, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Bên cạnh vấn đề nhà ở, trường học, đáp ứng nguyện vọng của CNLĐ, thành phố đã giao cho Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tăng tần suất vận tải của các tuyến xe buýt vận chuyển CNLĐ ra – vào các KCN; tiến hành lắp wifi; xây dựng thiết chế văn hóa... góp phần nâng cao đời sống cho CNLĐ KCN – chế xuất. Chủ tịch Nguyễn Đức Chung cũng khẳng định, những kiến nghị chính đáng của CNLĐ sẽ tiếp tục được lãnh đạo thành phố Hà Nội xem xét, đáp ứng trong thời gian tới.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này