Nỗ lực để người dân có đủ nước sạch sử dụng trong mùa hè

14:55 | 24/05/2018
Cứ bắt đầu vào hè, người dân Hà Nội tại nhiều khu vực lại lo lắng trước cảnh thiếu nước sạch. Với lượng tiêu thụ nước dự kiến tiếp tục tăng, việc chủ động xây dựng phương án cấp nước là một trong những giải pháp cấp bách đang được TP Hà Nội nỗ lực khắc phục để giảm thiểu ảnh hưởng đến đời sống người dân.
bao dam nguoi dan co du nuoc sach su dung Phát động hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia Nước sạch vệ sinh môi trường năm 2018
bao dam nguoi dan co du nuoc sach su dung Hết lòng vì người lao động
bao dam nguoi dan co du nuoc sach su dung Nguồn nước ngày càng suy thoái

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong năm 2017, tổng nguồn cung cấp nước từ các nhà máy trên địa bàn thành phố khoảng 900.000m3/ngày đêm, trong khi nhu cầu nước sạch mùa hè tăng trung bình 10-12% so với mức bình thường, tương ứng trên 1.000.000m3/ngày đêm.

Năm 2018, dù hệ thống cấp nước đô thị đã được bổ sung khoảng 100.000m3/ngày đêm, tổng nguồn cấp từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố Hà Nội trung bình khoảng 942.145 lít/ngày đêm, song với lượng khách hàng sử dụng nước tăng đáng kể (khoảng 6%), nhu cầu sử dụng nước sạch cũng tăng từ 5 - 10% thì việc cung cấp nước sạch tại một số khu vực cuối nguồn sẽ còn khó khăn vào cao điểm.

bao dam nguoi dan co du nuoc sach su dung
Người dân chờ đợi để lấy nước sạch (ảnh: Ngọc Thành)

Cũng theo Sở Xây dựng, mặc dù các đơn vị chủ lực cung cấp nước sạch đã xây dựng các phương án ngay từ đầu năm, song dự kiến mùa hè này vẫn có nguy cơ thiếu hụt nguồn nước. Trong đó, Công ty TNHH Một thành viên Nước sạch Hà Nội, đơn vị cung cấp nước sạch cho địa bàn 15 quận, huyện, có khả năng thiếu hụt từ 30.000 - 60.000m3/ngày đêm; Công ty Viwaco, đơn vị cung cấp nước cho khu vực Tây Nam thành phố sẽ thiếu hụt khoảng 24.000m3…

Vào các tháng cao điểm, một số khu vực cuối nguồn có cốt địa hình cao như: Đại Kim, Định Công (quận Hoàng Mai); Khương Trung, Khương Đình, Khương Mai, Phương Liệt, Thịnh Liệt (quận Thanh Xuân); khu đô thị Đại Thanh (huyện Thanh Trì)... dự kiến sẽ thiếu khoảng 20.000-24.000m3/ngày đêm.

Ngoài ra, đường ống nước sông Đà, truyền tải gần 220.000m3/ngày đêm, chiếm 23,27% tổng sản lượng nước cấp cho Hà Nội vẫn đứng trước nguy cơ có thể vỡ bất cứ lúc nào. Nếu xảy ra sự cố, 100% khách hàng của Công ty CP Viwaco, 25 - 30% khách hàng thuộc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông và một số khách hàng khu vực các quận Đống Đa, Cầu Giấy, Ba Đình thuộc Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội sẽ bị ảnh hưởng.

Để đảm bảo công tác cung cấp nước sạch mùa hè 2018, Sở Xây dựng yêu cầu các Công ty nước sạch phải rà soát và xây dựng các giải pháp, biện pháp cụ thể, chi tiết nhằm khắc phục tình trạng khó khăn về nước sạch, đặc biệt đối với tình huống sự cố vỡ tuyến ống số 1 sông Đà.

Cùng với việc yêu cầu các đơn vị đảm bảo kế hoạch sản xuất, đẩy nhanh tiến độ các dự án đang triển khai, Hà Nội cũng yêu cầu các công ty cấp nước thực hiện một số giải pháp đồng bộ như vận hành van, điều tiết cấp nước; lắp đặt bơm tăng áp di động; vận hành mạng lưới cấp nước phân khu theo giờ; huy động các xe hỗ trợ cấp nước những đối tượng ưu tiên như bệnh viện, trường học...

Đặc biệt, thời gian sửa chữa, khắc phục không kéo dài quá 10 giờ mỗi điểm vỡ; tập trung thi công hoàn thành tuyến truyền dẫn cấp nước số 2 sông Đà, trạm bơm tăng áp Tây Mỗ và đoạn tuyến từ trạm tăng áp đến đường vành đai 3 như cam kết…

Trong những tháng tới đây, Hà Nội sẽ đưa vào vận hành một số dự án nâng cấp, sản xuất nước sạch như: Dự án nâng công suất Nhà máy Nước Bắc Thăng Long (150.000m3/ngày đêm) vận hành vào tháng 6/2018; Trạm cấp nước Dương Nội công suất 30.000m3/ngày đêm; dự án Nhà máy nước mặt sông Đà giai đoạn 2 bổ sung khoảng 80.000m3/ngày đêm dự kiến trong tháng 7/2018; Nhà máy nước mặt sông Đuống giai đoạn 1, công suất 150.000m3/ngày đêm đưa vào sử dụng trong tháng 10/2018. Theo tính toán, nếu các dự án trên vận hành đúng tiến độ, Hà Nội sẽ được tăng cường thêm trên 400.000m3/ngày đêm, sẽ làm giảm nhiệt “cơn khát” của thành phố.

Tại phiên họp tập thể UBND Thành phố tháng 4 để thảo luận một số nội dung thuộc thẩm quyền UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã nhấn mạnh, hiện tỷ lệ thất thoát nước của Hà Nội còn cao, cần có giải pháp giải quyết triệt để. Những địa điểm, địa bàn có nguy cơ thiếu nước phải có kế hoạch bổ sung cụ thể; phân công trách nhiệm, phần việc cụ thể của từng đơn vị để ứng phó khi xảy ra sự cố cấp nước sạch.

Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung đề nghị Sở Xây dựng xây dựng lộ trình lắp thêm thiết bị lọc nước để nâng cao chất lượng nước sạch theo tiêu chuẩn uống được tại vòi. Sở Y tế cần thường xuyên tăng cường kiểm tra chất lượng nước sạch, công khai để người dân biết.

Hoàng Phúc

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này