Báo động việc người trẻ tiêu xài hoang phí trên sức lao động của người khác

16:40 | 07/05/2018
Hiện nay, thực trạng đáng lo ngại quanh lối sống đua đòi, thực dụng, có phần đề cao xu hướng “hưởng thụ” của một bộ phận giới trẻ. Biểu hiện dễ thấy ở nhóm người này là lười nhác, chểnh mảng học hành, thường đàn đúm trưng diện, la cà quán xá “vui là chính”. 
bao dong viec nguoi tre tieu xai hoang phi tren suc lao dong cua nguoi khac Tại sao những người trẻ khỏe mạnh lại bị đau tim?
bao dong viec nguoi tre tieu xai hoang phi tren suc lao dong cua nguoi khac Người trẻ bỏ Facebook với tốc độ nhanh hơn dự kiến
bao dong viec nguoi tre tieu xai hoang phi tren suc lao dong cua nguoi khac Lý do ngày nay nhiều người trẻ bị đột quỵ

Sống dựa dẫm vào cha mẹ, người thân, song lúc nào trông họ cũng bóng mượt, ăn ngon, mặc đẹp, xài sang, xe xịn, điện thoại di động đắt tiền, phụ kiện hàng hiệu, vi vu du lịch khắp chốn, dù rằng không ít bạn trẻ sinh trưởng trong gia đình không lấy gì làm khấm khá, thậm chí còn khó khăn, thiếu thốn.

“Bóc ngắn, cắn dài”

TS xã hội học Trương Xuân Trường, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam chia sẻ câu chuyện cười ra nước mắt: Nhóm người nước ngoài lần đầu đến Việt Nam cứ trầm trồ: “Hà Nội có nhiều đại gia trẻ tuổi…”. Các bạn đâu biết, trong số thanh niên được họ ngưỡng mộ qua vẻ bề ngoài có không ít “công tử, tiểu thư” bòn rút cha mẹ để đắp lên mình những món đồ đắt tiền, khẳng định đẳng cấp dân chơi. Triển khai đề tài nghiên cứu về lối sống của thanh niên các khu đô thị, vị TS này càng day dứt hơn khi tiếp xúc với các bậc phụ huynh mang nặng nỗi buồn lo lắng về những đứa con chỉ biết tiêu sài, hưởng thụ mà bê trễ bổn phận cá nhân.

Một cặp vợ chồng công tác trong ngành thủy sản sinh được một gái, một trai. Cậu con trai tên là Vũ Đức N. từ khi tốt nghiệp cấp ba đến nay đã gần mười năm vẫn chỉ rong chơi. Bố mẹ cho tiền không đủ tiêu xài thì cậu ta “ăn vạ”, hết ngồi lì ở công ty của chị gái lại đeo bám anh rể ở cơ quan lèo nhèo xin xỏ. Một ngày của N. giống như những thanh niên ăn chơi thường thấy là dậy muộn, lướt web, lên “phây”, rồi lượn phố săn hàng hiệu, tụ tập ăn uống, đi bar.

Một gia đình trí thức khác có cậu con trai duy nhất Hoàng Hải A. cũng thuộc nhóm ăn chơi vô độ. Tốt nghiệp trường trung cấp nhưng cậu ta cứ đòi bố mẹ phải tìm cho vị trí việc làm “ngồi mát, ăn bát vàng”, tại văn phòng máy lạnh mát rượi với mức thu nhập “khủng”.

bao dong viec nguoi tre tieu xai hoang phi tren suc lao dong cua nguoi khac
Ảnh minh họa.

Loại dân chơi này bản thân không kiếm nổi đồng nào nhưng luôn chê các cơ sở tuyển nhân viên đồng lương không đủ sống, công việc không “xứng tầm”. Họ cố tình “nhảy việc” chuyển hết chỗ này, tới chỗ khác, cuối cùng thất nghiệp trở về ăn bám cha mẹ. Trong đợt nghỉ lễ dài ngày 30-4, 1-5 vừa qua, không ít bạn trẻ đua nhau đi du lịch khắp nơi bằng những đồng tiền ngửa tay xin bố mẹ, hoặc vay mượn người quen, hay làm thẻ ghi nợ với ngân hàng.

Không chỉ du lịch ở trong nước, nhiều cô, cậu vi vu sang tận Thái Lan, Hàn Quốc, thậm chí châu Âu, Úc, Mỹ xa xôi. Những chuyến đi đó ngốn hàng chục triệu, trăm triệu đồng, nhưng thực chất không phải do mồ hôi, nước mắt bản thân mình làm ra, chỉ để thỏa mãn thói xa hoa, cứ hồn nhiên, vô tư xách va-li lên đường. Đặt chân tới đâu họ cũng không quên cập nhật lộ trình lên “phây” nhằm khoa trương, khoe mẽ với bàn dân thiên hạ.

Mẹ làm nghề buôn bán ở phường Đồng Xuân, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, cô con gái Đào Thùy L. suốt ngày đi spa, chải chuốt, mua sắm, sáng cà-phê, trưa nhà hàng, tối vũ trường. Dàn tiểu thư vô công rồi nghề như cô nàng L. hễ bị phụ huynh rầy la là bật lại: “Phải đầu tư mới có cơ hội sánh đôi cùng đại gia”.

Cô lý luận, có tấm chồng giàu thì sướng cả đời, không phải làm gì cho cực khổ. Các cô tính vậy, nhưng những đại gia thật sự mấy khi chấp nhận kết hôn với tuýp người này? Rốt cuộc, các “tiểu thư” lại gặp đại gia…”rởm”, rồi vợ chồng trẻ tiếp tục sống bằng tiền bòn rút của cha mẹ đôi bên. Khi vợ chồng sinh con thì ông bà lại phải dốc hầu bao nuôi cháu.

Nếu ông bà tuyên bố không còn khả năng chu cấp thì bố mẹ đứa trẻ sẵn sàng bỏ nhà đi. Không có tiền ăn chơi họ bán điện thoại, đặt xe, vay nặng lãi. Chủ nợ tìm đến, cha mẹ sợ con bị hành hung, lại phải xoay xở trả nợ thay…

Theo số liệu thống kê quý 1-2018, nước ta có hơn 500 nghìn thanh niên độ tuổi từ 15 đến 24 thất nghiệp, tăng đáng kể so cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói là, trong số đó không ít người có cơ hội việc làm nhưng không chịu lao động. Thực tế đáng báo động này khiến cộng đồng lo lắng về hiện tượng số người trẻ sống dựa, bòn rút tiền của cha mẹ để thỏa mãn thói ăn chơi đang có xu hướng gia tăng.

Hệ lụy khôn lường

Không nên nghĩ một bộ phận thanh niên sống dựa, xài sang là chuyện nhỏ. Theo thông tin từ ngành công an, thủ phạm gây ra hơn 70% số vụ án hình sự là người trẻ, trong đó không ít đối tượng trước khi gây án không việc làm, sống nhờ sự bao bọc của gia đình. Ví lý do nào đó, nguồn chu cấp không còn hoặc không đủ để họ thỏa mãn nhu cầu ăn chơi thì họ lao vào con đường bất chính, gây đau khổ cho bao gia đình, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Mới đây, tại huyện Mê Linh, Hà Nội đã xảy ra vụ án đau lòng. Người mẹ 55 tuổi trong cơn nóng giận tự tay giết chết đứa con trai duy nhất mới 19 tuổi. Người mẹ nghèo bao năm vì con đã không nề hà bất cứ việc gì. Sự đòi hỏi quá đáng của con: điện thoại xịn, xe máy đắt tiền… khiến bà ức chế, suy sụp vì túng quẫn. Trong giây phút giận dữ người phụ nữ ấy đã có hành động bột phát vung tuýp sắt phang vào đầu con trai. Hệ quả của việc đòi hỏi, bòn rút cha mẹ không có điểm dừng thật là thảm khốc…

Trao đổi ý kiến chung quanh thực trạng này, bà Lê Thị Túy, chuyên gia tư vấn tâm lý Trung tâm tư vấn tuổi trẻ hạnh phúc gia đình Việt Nam nhấn mạnh vai trò của giáo dục gia đình. Con người phải biết tự kiếm sống mới không trở thành kẻ vô dụng. Chu cấp tiền bạc cho con tiêu xài vô tội vạ thì con càng ỷ lại.

Cho con cuộc sống dễ dàng từ thuở nhỏ, phụ huynh khiến con cái mất đi ý thức tự lập, phấn đấu vươn lên. Những đứa trẻ được chăm bẵm, quen hưởng thụ, khi đến tuổi thành niên chúng càng trở nên quá quắt. Phụ huynh biết con mình thật tệ nhưng họ vẫn không dám thay đổi biện pháp giáo dục, tiếp tục thương con theo cách yếm thế.

Sợ con khổ, thua kém bạn bè, sợ chúng “túng làm liều”, cha mẹ cố tự an ủi mình: con “chưa gặp thời”, “chưa đứng số”, rồi lại nai lưng chu cấp. Làm vậy là đồng nghĩa với việc cha mẹ tự hủy hoại cuộc sống của con và của chính mình. Cần thẳng thắn với con, không phải lúc nào cha mẹ cũng có đủ điều kiện kinh tế, sức khỏe để bao bọc, giúp con thỏa mãn nhu cầu hưởng lạc. Chưa thể ngay lập tức “cắt” nguồn chu cấp thì hãy giảm dần để con cái hiểu ý mẹ cha đã quyết và chúng buộc phải vận động, tự chịu trách nhiệm về hành động của mình.

Cha mẹ nào cũng mong được tự hào về con khi con khôn lớn. Người trẻ nếu không bị khuyết tật thể chất hay thiểu năng trí tuệ thì hãy lao động để ít nhất cũng tự lo được bản thân. Công việc sẽ cho ta sự tôn trọng của mọi người, giúp ta thấy cuộc đời có ý nghĩa chứ không phải là gánh nặng của gia đình, xã hội.

Ở tầm vĩ mô, đã đến lúc chúng ta cần đẩy mạnh can thiệp để ngăn ngừa sự gia tăng số người trẻ ăn chơi, hưởng lạc trên sức lao động của người khác. Cần có chế tài nghiêm khắc với việc con cái đã trưởng thành thực hiện hành vi ép buộc cha mẹ cung cấp tài sản, tiền bạc phục vụ các nhu cầu tiêu khiển xa hoa, lãng phí.

Theo Hoàng Hoa/nhandan.com.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này