Để không ùn tắc giao thông các “điểm đen” giờ cao điểm:

Mấu chốt vẫn là ý thức người dân

09:28 | 04/05/2018
Nhằm kiểm soát tình hình giao thông tại các khu vực đông đúc vào giờ cao điểm, cách đây ít lâu Hà Nội đã đưa ra đề xuất bổ sung thu phí nội đô ở những khu vực ùn tắc. Do tính mới mẻ của đề án nên hiện vẫn tồn tại không ít ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, nếu xem xét thấu đáo và có lộ trình phù hợp thì đây là một trong những giải pháp hoàn toàn có thể áp dụng.
tin nhap 20180504090736 Giải pháp nào khắc phục tình trạng ùn tắc?
tin nhap 20180504090736 Năm 2018: Mục tiêu là phải giảm ùn tắc và tai nạn giao thông

Nhiều ý kiến trái chiều

Lý giải về đề án này, tại Hội nghị đánh giá công tác phối hợp giữa UBND TP Hà Nội và Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), Giám đốc Sở GTVT TP Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, thời gian qua, tình hình ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, các vi phạm trật tự an toàn giao thông… đã được tập trung chỉ đạo giải quyết nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.

Với tốc độ phát triển dân số, phương tiện giao thông trên địa bàn thành phố, đặc biệt là ý thức của một bộ phận doanh nghiệp vận tải và người dân tham gia giao thông chưa cao thì việc thu phí phương tiện đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông sẽ là một trong những giải pháp hạn chế ùn tắc.

tin nhap 20180504090736
Thu phí sẽ khó giải quyết vấn đề, hiệu quả nhất nâng cao ý thức người dân

Cần phải khẳng định, đây là giải pháp không quá mới và đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng. Ở Singapore là một ví dụ. Tại đây, khi người tham gia giao thông đi vào giờ cao điểm hoặc những khu vực đông người, có nguy cơ ùn tắc thì họ phải nộp phí. Qua công nghệ thông tin, chủ mỗi phương tiện sẽ có một tài khoản và nếu họ đi vào giờ chỗ ùn tắc sẽ bị trừ tiền trong tài khoản. Tiền phí thu được, chính quyền sẽ sử dụng để tu bố đường sá, cải tạo cảnh quan môi trường và chống ô nhiễm.

Tuy nhiên, ở chiều tiếp cận thông tin khác, nhiều ý kiến lại cho rằng đề xuất này vẫn tương đối mới mẻ ở Việt Nam nên nếu được chấp thuận triển khai sẽ gặp khó khăn nhất định. Ngoài ra, hệ lụy ùn tắc ở Hà Nội một phần cũng xuất phát từ hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, bởi vậy việc đánh phí như đề án khó khả thi. “Ở nhiều điểm biết là sẽ ùn tắc như đường Trường Chinh, đường Cầu Giấy… nhưng nếu cơ quan làm việc ở đó thì chắc chắn vẫn phải đi. Nếu thu phí như vậy tôi thấy sẽ gây bức xúc vì không công bằng” – một người dân chia sẻ.

Có chung quan điểm trên, nhiều ý kiến lại tỏ ra băn khoăn bởi Hà Nội có quá nhiều ngõ ngách nên việc thu phí nếu triển khai sẽ gặp khó. Đường Đê La Thành là một ví dụ. Tại trục đường này, có nhiều điểm tồn tại khả năng gây ùn ứ cục bộ như đoạn ngã tư giao cắt với đường Khâm Thiên, đoạn qua Bệnh viện Nhi… nhưng đáng nói hơn cả, trải khắp trên trục đường này hiện tồn tại hàng trăm ngõ, ngách, việc thu phí sẽ vô cùng khó khăn. “Tôi ủng hộ thành phố trong các giải pháp mới nhằm giảm ùn tắc giao thông.

Tuy nhiên, tôi băn khoăn nhất vẫn là việc thu và sử dụng nguồn thu này như thế nào. Tôi cũng như nhiều người dân mong muốn nếu đề án được các cơ quan chức năng chấp thuận triển khai thì cần công khai, có lộ trình cụ thể cho người dân được biết” – chị Đinh Thị Hè (quận Thanh Xuân) chia sẻ.

Cần chuẩn bị kỹ lưỡng

Theo Quyết định số 5953/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân TP Hà Nội, liên quan đến việc phê duyệt Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố Hà Nội, giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030” để tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường, thành phố sẽ tập trung phát triển đồng bộ hệ thống vận tải hành khách công cộng để đảm bảo thị phần khu vực đô thị trung tâm. Cụ thể, đến năm 2020 đạt từ 30% đến 35% tổng nhu cầu đi lại, năm 2030 từ 50% đến 55%; các đô thị vệ tinh đến năm 2020 đạt 15%, năm 2030 khoảng 40%.

Riêng giai đoạn 2017 - 2020, sẽ tập trung thực hiện các giải pháp về quản lý số lượng, chất lượng phương tiện tham gia giao thông và phát triển vận tải hành khách công cộng. Áp dụng giải pháp hạn chế phương tiện cá nhân theo ngày chẵn, lẻ đối với những khu vực, tuyến phố ùn tắc thường xuyên, nghiêm trọng. Giai đoạn 2017 - 2030, từng bước hạn chế hoạt động trên một số khu vực và thời gian, đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030.

Khách quan nhìn nhận, những giải pháp giảm thiểu ùn tắc giao thông tại Hà Nội không phải đến bây giờ mới được đề cập. Trong đó, nhiều giải pháp như đi xe ngày chẵn lẻ, hạn chế phương tiện cá nhân… đã được nhiều chuyên gia đề xuất. Tuy nhiên, việc hạn chế phương tiện cá nhân nói chung, xe máy nói riêng hiện vẫn tồn tại một số bất cập. Minh chứng dễ thấy nhất là số lượng phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy vẫn chiếm số lượng lớn và chưa có dấu hiệu giảm.

Cụ thể, theo báo cáo của Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam, mỗi năm chỉ tính riêng Hà Nội có khoảng gần 22.000 xe máy đăng ký mới. Tổng lượng xe máy bán ra năm 2017 của các thành viên đạt khoảng 3,3 triệu xe, tăng gần 5% so với năm 2016.

Việc hạn chế phương tiện cá nhân, đặc biệt là xe máy đang gặp “khó”, theo ông Nguyễn Ngọc Sinh - Chuyên viên tư vấn luật (Công ty cổ phần tư vấn DLS Việt Nam) sở dĩ tồn tại tình trạng trên là bởi loại phương tiện này phù hợp với nhiều loại đường phố, ngõ hẻm ở cả nông thôn và thành thị.

Ngoài ra, với mức thu nhập bình quân đầu người ở mức 7,5 triệu đồng/tháng (khoảng 88 triệu đồng/năm) chuyện “nuôi” một chiếc xe máy là tương đối phù hợp với điều kiện kinh tế của địa đa số người dân. “Hà Nội đã có hệ thống xe buýt công cộng nhưng cấu trúc phố phường vẫn mang đậm tính làng xã, ngõ ngách nên để đi từ nhà ra phố, người dân phải đi bộ cả cây số. Do vậy, nhiều người vẫn chọn phương tiện cá nhân thay cho xe buýt” – ông Sinh cho biết.

Trở lại những ý kiến trái chiều quanh đề xuất thu phí phương tiện đi vào khu vực có nguy cơ ùn tắc giao thông, theo PGS.TS Nguyễn Văn Thụ, nguyên viện trưởng Viện Quy hoạch và Quản lý Giao thông vận tải, nếu có sự chuẩn bị kỹ lưỡng thì việc thu phí hoàn toàn khả thi và đạt được mục tiêu hạn chế được ùn tắc cũng như giảm phương tiện cá nhân. Nói các khác, nếu các đơn vị chức năng liên quan chuyển bị tốt các phương án như: Hệ thống vận tải hành khách công cộng; phương thức thu phí; công nghệ thu phí; tư tưởng người dân… thì chuyện thu phí chống ùn tắc có thể đi vào thực tế.

Khách quan nhìn nhận, hiện tốc độ phát triển cơ sở hạ tầng và hệ thống giao thông công cộng ở nước ta nói chung và Hà Nội nói riêng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu tham gia giao thông của người dân. Bởi vậy, muốn xử lý tận gốc rễ vấn đề ùn tắc xét cho cùng vẫn xoay quanh chuyện hoàn thiện hạ tầng giao thông và nâng cao ý thức cho người dân.

Giang Nam

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này