Chung tay đẩy lùi ma túy đá

08:22 | 27/04/2018
Để hạn chế các vụ án do đối tượng “ngáo đá” gây ra, thời gian qua trên cả nước đã nói chung và địa bàn TP. Hà Nội nói riêng, có nhiều mô hình, biện pháp quản lý, xử lý người có biểu hiện sử dụng ma túy đá. Đồng thời, tuyên truyền để người dân nói không với ma túy đá.
ky cuoi chung tay day lui ma tuy da Trường THCS Ngô Sĩ Liên tuyên truyền về phòng chống ma túy tới học sinh
ky cuoi chung tay day lui ma tuy da Chiến công từ những chuyên án ma túy
ky cuoi chung tay day lui ma tuy da Cách nhận biết và đề phòng người bị “ngáo đá”

Thời gian qua, Công an TP. Hà Nội đã triển khai thực hiện Hướng dẫn số 452 về “Công tác quản lý người sử dụng ma túy tổng hợp gây suy giảm chức năng nhận thức, hoang tưởng, loạn thần, ảo giác trên địa bàn TP. Hà Nội”; Kế hoạch số 349 về “phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm gây án rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng do nguyên nhân xã hội, quản lý người tâm thần có xu hướng bạo lực, người sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” trên địa bàn TP. Hà Nội”.

Theo đó, 100% các đối tượng có biểu hiện ngáo đá đều có hồ sơ quản lý; mỗi đối tượng có biện pháp quản lý và giao trách nhiệm cụ thể gắn với từng cán bộ quản lý. Chỉ tính trong khoảng thời gian từ tháng 11/2016 đến giữa năm 2017, Công an TP. Hà Nội đã rà soát, lập hồ sơ quản lý gần 300 đối tượng có biểu hiện “ngáo đá”. Tiến hành đưa đi cai nghiện bắt buộc; vận động đi cai nghiện tự nguyện; đi chữa bệnh tâm thần… Các biện pháp trên đã góp phần giảm các vụ phạm pháp hình sự do đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” gây ra.

Cơ quan Công an cũng tiếp tục đẩy mạnh công tác nắm tình hình địa bàn; di biến động của các đối tượng có điều kiện, khả năng hoặc biểu hiện nghi vấn các hoạt động vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy nói chung và ma túy tổng hợp nói riêng để tập trung phòng ngừa, đấu tranh, xử lý. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự gồm quản lý nhân, hộ khẩu; kiểm soát tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ nhạy cảm như quán bar, karaoke...

Để đấu tranh với đối tượng “ngáo đá” thì công tác phòng ngừa phải đi trước một bước, đồng thời phát huy được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các ban, ngành đoàn thể, các tầng lớp nhân dân vào công tác phòng ngừa. Cùng với đó là việc nâng cao chất lượng dịch vụ cai nghiện phục hồi cho người nghiện ma túy; hỗ trợ, nhân rộng mô hình cai nghiện dựa vào gia đình, cộng đồng và có hiệu quả.

ky cuoi chung tay day lui ma tuy da
Một chiến sĩ công an tuyên truyền về tác hại của ma túy đá cho cho các em học sinh.

Tại Kế hoạch số 36/KH-UBND ngày 31/1/2018 về phòng, chống ma túy trên địa bàn Thành phố năm 2018, cũng yêu cầu triển khai đồng bộ các loại hình thông tin, tuyên truyền của hệ thống cơ quan thông tin, tuyên truyền, tổ chức chính trị - xã hội các cấp, chú trọng đổi mới nội dung, duy trì, phát huy loại hình tuyên truyền có hiệu quả.

Tiếp tục tuyên truyền trên các phương tiện thông tin báo, đài; đưa tin hàng tuần với nhiều tin, bài tuyên truyền về công tác phòng, chống ma túy, nhất là công tác đấu tranh, triệt xóa các đường dây, ổ nhóm phạm tội về ma túy. Thực hiện tốt Quy chế phối hợp trong xây dựng, cung cấp thông tin (giữa Công an Thành phố và Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội) về tình hình an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố cho Bản tin 141 phát sóng hàng ngày theo khung giờ cố định trên Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội và phát trực tuyến trên mạng Facebook “BẢN TIN 141” với các nội dung cảnh báo, hướng dẫn giúp nhân dân nhận diện tội phạm và các vi phạm pháp luật, phương thức, thủ đoạn mới của các loại tội phạm, tội phạm ma túy, tệ nạn xã hội như: các phương thức, biện pháp để phòng ngừa số đối tượng tâm thần có xu hướng bạo lực, số đối tượng có biểu hiện “ngáo đá” gây án; cách nhận biết cây cần sa, tác hại của ma túy tổng hợp nhất là các loại ma túy mới để giúp người dân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động phòng ngừa, tích cực tham gia phát hiện, tố giác tội phạm...

Bên cạnh đó, chú trọng lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng, chống ma túy thông qua các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao và du lịch, các buổi tọa đàm, tập huấn, nói chuyện chuyên đề, tổ chức các cuộc thi, giao lưu, sinh hoạt Câu lạc bộ...

Tuyên truyền trọng điểm vào các đối tượng trong nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, người đang cai nghiện trong các cơ sở cai nghiện, người phạm tội về ma túy trong cơ sở giam giữ, số người có nguy cơ cao về tội phạm và tệ nạn ma túy ở cộng đồng, học sinh trong trường học, cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động trong các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Phát huy vai trò của lực lượng Tình nguyện viên Đội công tác xã hội tình nguyện trong hoạt động phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy đặc biệt trong công tác tuyên truyền từ cơ sở; phát huy hiệu quả các mô hình về phòng, chống ma túy được thường xuyên đánh giá hiệu quả hoạt động...

Đẩy mạnh công tác vận động quần chúng tham gia phong trào phòng, chống ma túy ngay từ gia đình, cộng đồng dân cư. Duy trì mô hình có hiệu quả như: Phong trào quần chúng tố giác tội phạm; quản lý giáo dục, giúp đỡ người sau cai nghiện ma túy tại cộng đồng dân cư; phong trào tự phòng, tự quản...

Tổ chức các hoạt động tuần tra nhân dân trên các tuyến, địa bàn trọng điểm về ma túy. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phòng, chống ma túy; có chính sách hỗ trợ thỏa đáng đối với tập thể, cá nhân bị thương, hy sinh hoặc bị thiệt hại về tài sản khi tham gia phòng, chống ma túy.

Thực hiện phân công, phân cấp, phân trách nhiệm cụ thể của các cơ quan chủ trì, phối hợp tham gia tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống ma túy; thực hiện phân loại đối tượng tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền cá biệt, phân công phân cấp về đối tượng tuyên truyền để đạt hiệu quả cao nhất.

Thực hiện chỉ đạo của UBND Thành phố, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội và Công an TP đã phối hợp tổ chức nhiều Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng Tình nguyện viên Đội Công tác xã hội tình nguyện trong công tác phòng, chống ma túy.

Đồng thời, đẩy mạnh phong trào "Tình nguyện viên giúp đỡ người nghiện ma túy cai nghiện và hòa nhập cộng đồng". Hiệu quả từ những phong trào này là góp phần kiềm chế tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô.

Lực lượng tình nguyện viên duy trì thực hiện nhiệm vụ trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội. Chủ động tiếp cận và tư vấn trực tiếp cho hàng chục ngàn lượt hộ gia đình có người trong diện nguy cơ cao vi phạm tệ nạn xã hội; người sau cai nghiện và những người có nguy cơ cao sử dụng trái phép chất ma túy. Thông qua việc tiếp cận, động viên, giúp đỡ, các tình nguyện viên đã vận động, hỗ trợ được nhiều người tham gia chương trình cai nghiện.

Hà Phong

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này