Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị công an "cắm chốt" trong bệnh viện để bảo vệ bác sĩ

10:44 | 18/04/2018
"Chúng tôi mong muốn lực lượng công an ở các địa phương cần cắm chốt tại bệnh viện và có sự phối hợp chặt chẽ giữa công an địa bàn gần nhất với bệnh viện" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
bo truong bo y te de nghi cong an cam chot trong benh vien de bao ve bac si Bác sĩ Bệnh viện Xanh Pôn bị người nhà bệnh nhi hành hung
bo truong bo y te de nghi cong an cam chot trong benh vien de bao ve bac si Bộ Y tế: Đề nghị truy cứu trách nhiệm đối tượng hành hung nhân viên y tế Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái

Chiều 17/4, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã trả lời báo chí về tình trạng các cán bộ ngành Y tế liên tiếp bị hành hung trong thời gian gần đây.

Theo Bộ trưởng Tiến, hành vi hành hung cán bộ y tế, cán bộ đang thi hành công vụ là vi phạm nghiêm trọng luật hình sự đã được sửa đổi năm 2017 và Bộ Y tế đã có nhiều văn bản cũng như nội dung ký kết với Bộ Công an về việc này.

Bộ trưởng cho biết, thời gian sắp tới, giải pháp cụ thể, thiết thực nhất để giảm thiểu việc bác sĩ bị hành hung là đề nghị các đơn vị y tế, sở y tế và công an các tỉnh ký cam kết, lập những đường dây nóng giữa công an với các bệnh viện để bệnh viện có thể gọi công an bất cứ lúc nào khi có sự cố xảy ra.

“Chúng tôi mong muốn lực lượng công an ở các địa phương cần cắm chốt tại bệnh viện và có sự phối hợp chặt chẽ giữa công an địa bàn gần nhất với bệnh viện. Đồng thời, bệnh viện phối hợp với công an lắp đặt hệ thống camera để quan sát, theo dõi hành vi mà các đối tượng gây ra với cán bộ y tế để công an sớm nắm được" - người đứng đầu Bộ Y tế nói.

Theo bà Tiến, những đối tượng hành hung các bác sĩ cần phải được điều tra, xử lý nghiêm minh theo pháp luật hiện hành và nếu làm đúng như những gì Bộ Y tế đưa ra thì hiệu quả sẽ rất rõ.

“Ví dụ, Bệnh viện Việt Tiệp (Hải Phòng) có công an cắm chốt tại bệnh viện, có đường dây nóng 113 và công an đi tuần tra theo ca tại bệnh viện nên hiện tượng hành hung bác sĩ sẽ giảm rõ rệt” - Bộ trưởng dẫn chứng.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nhấn mạnh: “Cách tốt nhất là phải có lực lượng công an đi tuần tra, kiểm soát, cắm chốt ngay tại trong bệnh viện, tại những điểm nóng như phòng cấp cứu thì mới có biện pháp hiệu quả...".

bo truong bo y te de nghi cong an cam chot trong benh vien de bao ve bac si
Bác sĩ bệnh viện xanh Pôn bị hành hung

Trước nhiều ý kiến cho rằng thái độ của các bác sĩ trong quá trình phục vụ bệnh nhân chưa được tốt nên đã xảy ra mâu thuẫn giữa người nhà bệnh nhân và bác sĩ dẫn tới việc các bác sĩ bị hành hung, Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng dù trong hoàn cảnh nào mà hành hung người đang thi hành công vụ, lại đang chăm sóc sức khoẻ cho chính người nhà của mình thì đều là vi phạm hình sự và cần phải xử lý nghiêm.

Còn vấn đề thái độ của bác sĩ thuộc về đề án đổi mới thái độ phong cách, trách nhiệm của cán bộ y tế là lĩnh vực khác mà Bộ Y tế đang nỗ lực xử lý.

Theo thống kê của Bộ Y tế, chỉ tính từ đầu năm 2018 đến nay đã liên tiếp xảy ra 5 vụ hành hung nhân viên y tế, bác sỹ tại các bệnh viện trong cả nước.

Cụ thể: Ngày 14/2 (ngày 29 Tết), chiếc xe cấp cứu của Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) chở một bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng xin đường nhưng xe 4 chỗ do anh N.V.Kh (làm việc tại Hà Nội) điều kiển không cho vượt. Khi xe cấp cứu vượt qua, anh N.V.Kh đã đuổi theo và tấn công tài xế xe cấp cứu ngay tại Bệnh viện Hùng Vương.

Ngày 17/2 (ngày mùng 2 Tết), khoa Cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên tiếp nhận một bệnh nhân trong tình trạng nguy kịch, ngừng hô hấp. Trong lúc các y bác sỹ đang cấp cứu thì anh trai bệnh nhân quay phim, chụp ảnh, đe dọa, chửi bới bác sỹ. Khi nhân viên y tế mời người nhà bệnh nhân ra ngoài, người nhà bệnh nhân đã đập phá khoa Cấp cứu. Toàn bộ cánh cửa của khoa Cấp cứu bị đạp vỡ nát, kính bị vỡ tung, các y bác sỹ và bệnh nhân khác hoảng loạn.

Ngày 20/2 (ngày mùng 5 Tết), tại Bệnh viện Sản nhi Yên Bái, Lê Hồng Nam, chồng của sản phụ đang được mổ đã trèo lên lan can để quay phim, chụp ảnh. Khi được nhắc nhở thì anh đã lăng mạ và chửi bới. Sau đó, Lê Hồng Nam và 15 đối tượng khác do Nam gọi đến dùng đèn pin đập vào đầu, hành hung bác sỹ Phạm Hải Ninh và bác sỹ Hoàng Đức Trung (2 bác sỹ vừa mổ cho vợ của Nam). Một bác sỹ đã bị khâu hơn 20 mũi ở mặt và đầu.

Ngày 25/2, Bệnh viện đa khoa huyện Bố Trạch (Quảng Bình) tiếp nhận 2 nạn nhân bị tai nạn giao thông. Hai nạn nhân này đã tử vong trước khi nhập viện. Khi các bác sỹ thông báo tin này thì nhóm bạn của 2 nạn nhân đã la hét, đập vỡ các cửa kính của bệnh viện. Họ chửi bới, đánh đuổi các bác sỹ, đe dọa những bệnh nhân khác có mặt tại khoa cấp cứu...

Gần đây nhất, ngày 13/4, bố một bệnh nhi 7 tuổi trong lúc trao đổi với bác sỹ về tình trạng vết thương của con đã xông tới đấm vào mặt bác sỹ V.H.C, Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).

Đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đề nghị công an có biện pháp bảo vệ các bác sĩ và nhân viên y tế. Trước đó, cũng vào thời gian này của năm 2017, hàng loạt vụ việc tấn công, hành hung bác sĩ và nhân viên y tế đã xảy ra và Bộ Y tế đã phải lên tiếng.

Cụ thể, tối ngày 8/4/2017, tại Bệnh viện đa khoa Cái Nước, Cà Mau một nhóm thanh niên đã mang theo dao, mã tấu, ống sắt,… đánh người bệnh là anh Nguyễn Hoàng Linh gây thương tích ở đầu và đánh nhân viên bảo vệ bệnh viện là anh Đỗ Hoàng Dũng gây chấn thương ở má trái.

Đêm ngày 16/4/2017 tại Bệnh viện đa khoa huyện Thạch Thất, Hà Nội anh Cấn Ngọc Giang là bố của người bệnh Cấn Ngọc Thanh đã dùng cốc ném vào đầu bác sĩ Lê Quang Dương khiến bác sĩ Dương ngất tại chỗ, đầu có 2 vết thương, phải khâu 7 mũi và theo dõi chấn thương sọ não.

Tối 29/4/2017 tại Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên, trong khi đang chuẩn bị vận chuyển người bệnh đi chiếu chụp phim, sinh viên y khoa Phạm Lê Tùng đã bị người thân của người bệnh Bùi Thế Sơn chửi, dọa dẫm và tát liên tiếp.

Rạng sáng ngày 7/5/2017 tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, 3 thanh niên mang hung khí vào bệnh viện khống chế bảo vệ và nhân viên y tế và xông vào khoa cấp cứu đâm chém người bệnh là anh Đinh Giang Nam đang trong lúc được bác sĩ cấp cứu, xử trí vết thương trước đó cho người bệnh và gây nhiều thương tích trong đó có vết thương ở cổ chém đứt khí quản...

Trước tình hình đó, Bộ Y tế đã phải ra văn bản đề nghị Bộ Công an tiếp tục chỉ đạo các đơn vị công an địa phương tăng cường phối hợp chặt chẽ với các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn, cắt cử cán bộ tuần tra, bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự tại các bệnh viện lớn, có lượng người đến đông và năng lực chuyên môn của các nhân viên bảo vệ còn hạn chế.

Đồng thời thiết lập mạng lưới đường dây nóng của lực lượng Cảnh sát cơ động và cơ quan công an gần nhất cho Bệnh viện và điểm nóng hay xảy ra mất an ninh trật tự bệnh viện trên địa bàn để kịp thời gọi và hỗ trợ khẩn cấp trước các tình huống nguy cơ mất an ninh, trật tự.

Tháng 8/2017, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã phải viết một bài báo với nhan đề "Áo blouse nhuốm máu".

Tuy nhiên, các vụ việc tấn công, hành hung bác sĩ, nhân viên y tế vẫn liên tiếp xảy ra trong thời gian vừa qua và đến nay, vẫn chưa có biện pháp nào thực sự hữu hiệu được triển khai trên toàn bộ các bệnh viện.

Theo Hoàng Hải/ vnmedia.vn

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này