Hệ lụy đau lòng khi cha mẹ chạy theo thành tích

14:24 | 15/04/2018
Mong muốn con học giỏi, đạt thành tích nổi trội trong học tập là mong muốn chính đáng của mọi bậc phụ huynh. Tuy nhiên, đổ tiền, trút bạc, ép con học giỏi bằng mọi giá lại là một suy nghĩ sai lầm của không ít cha mẹ khiến con cái phải gánh chịu nhiều hệ lụy.
he luy dau long khi cha me chay theo thanh tich Phụ huynh ngã ngửa vì điểm số vào lớp 10 của con
he luy dau long khi cha me chay theo thanh tich Phụ huynh, học sinh căng mình trước kỳ thi lớp 10
he luy dau long khi cha me chay theo thanh tich Tình yêu không thể đem ra đổi chác
he luy dau long khi cha me chay theo thanh tich Khi cha mẹ cứ động đến học là chửi con

Con luôn phải dẫn đầu

Vốn thông minh, học giỏi nhưng phải bỏ dở sự nghiệp đèn sách vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên chị Nguyễn Thúy Linh (một tiểu thương sống tại phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) quyết đặt giấc mơ học hành của mình lên vai cô con gái nhỏ. “Phải học, học thật giỏi mới thoát cảnh buôn thúng, bán bưng như mẹ”- đó là câu nói cửa miệng của chị đối với cô con gái Quỳnh Chi.

Để con có thể học giỏi, chị Linh không tiếc tiền cho con đi học thêm tối ngày. Công việc buôn bán ở chợ bận rộn nên chị thuê hẳn một người xe ôm gần nhà chuyên việc đưa bé Chi đi học. Cô bé mới 9 tuổi, học lớp 4 ấy, ngoài thời gian học trên lớp đến 5 giờ chiều, lại tất bật đi học thêm hôm thì học toán, hôm học tiếng Anh tới 8-9 giờ tối. “Hai ngày cuối tuần, con cũng chỉ được nghỉ một buổi sáng chủ nhật, còn lại ngày thứ 7 và chiều chủ nhật con cũng kín lịch học thêm”- Quỳnh Chi kể.

he luy dau long khi cha me chay theo thanh tich
Kỳ vọng quá lớn của bố mẹ đã vô tình tạo áp lực cho các con. Ảnh minh họa. Nguồn Internet

Không phụ công của và mong mỏi của bố mẹ, Quỳnh Chi học rất giỏi. Bé luôn có tên trong danh sách những bạn học sinh xuất sắc, được cô giáo nêu tên trước mỗi cuộc họp phụ huynh và cũng thường đạt giải cao trong các cuộc thi như thi giải toán, thi tiếng Anh qua mạng, thi viết chữ nét đẹp tuổi hồng v.v... Mỗi lần con được nêu tên hoặc đạt các giải cao như thế, chị Thúy Linh không giấu được niềm vui rạng rỡ. Và suy nghĩ, con phải học giỏi, phải dẫn đầu càng ngày càng khắc sâu trong chị.

Giống như chị Thúy Linh, chị Thanh Huyền- Phường Giang Biên, quận Long Biên, Hà Nội cũng sẵn sàng đầu tư tiền bạc, thời gian cho con học hành, miễn sao con phải học thật giỏi, phải luôn luôn đứng đầu. Ngoài thời gian theo học tại một trường Trung học cơ sở điểm của quận Long Biên, Hoàng Nam, con trai chị còn miệt mài theo học các lớp học thêm ở bên phố, thế nên ngày nào chị Huyền cũng tất tả “trốn” khỏi công sở sớm để kịp đón con, đưa con đi học. Chị cũng từng bộc bạch, lương công chức vốn không cao, trong khi tiền học thêm của con chị tốn hàng chục triệu mỗi tháng. Tuy nhiên với chị: “chỉ cần con học giỏi thì tôi thậm chí có thể vay mượn cho cháu đi học”.

Kết thúc năm học vừa rồi, Hoàng Nam (con trai chị Huyền, học sinh lớp 7) đạt kết quả học tập 9,3, trong khi bạn đứng hạng nhất lớp là 9,4. Cứ tưởng cháu phải vui mừng với kết quả mà nhiều bạn mơ ước ấy, nhưng Nam lại vô cùng buồn bã và không giấu được vẻ lo lắng. Cháu tâm sự: “Tuy được điểm cao nhưng cháu vẫn không được dẫn đầu, điều này khiến mẹ cháu không vui ”. Đúng như lời Nam chia sẻ, chị Huyền đã rít lên khi nghe con trai thông báo kết quả học tập: Tại sao học hành như thế mà vẫn không được điểm 10, tại sao bạn này, bạn kia lại đứng thứ nhất v.v...trước những câu hoi của mẹ, Nam chỉ biết cúi đầu im lặng, nước mắt lã chã rơi...

Những hệ lụy đau lòng

Theo các chuyên gia tâm lý, mong muốn con học giỏi là mong muốn chính đáng của mọi bậc cha mẹ, tuy nhiên, nếu bố mẹ quá mải chạy theo thành tích mà ép con học quá nhiều sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường. Nếu bệnh thành tích của nhà trưởng ảnh hưởng gián tiếp đến học trò thì bệnh thành tích của cha mẹ lại gây những áp lực trực tiếp lên đầu con trẻ, khiến chúng khủng hoảng. Từ kỳ vọng của gia đình, nhiều học trò khi không đạt được kết quả, thành tích như mục tiêu của bố mẹ rơi vào cảnh khủng hoảng, thậm chí có em tìm đến cái chết vì sợ bố mẹ thất vọng về mình.

he luy dau long khi cha me chay theo thanh tich
Trường THPT Nguyễn Khuyến, quận Tân Bình, TP Hồ Chí Minh nơi xảy ra vụ việc nam sinh nhảy lầu tự tử hôm 10/4. Ảnh nguồn Lao động

Theo kết quả y tế trường học giai đoạn 2011 - 2015 do Bộ Y tế và Bộ GDĐT công bố, số học sinh có ý định tự tử ngày càng tăng cao, cứ 5 em học sinh lại có một em có ý định tự tử. Mỗi năm, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp nhận 20 trường hợp trẻ em uống thuốc độc tự tử. ThS.BS Phạm Minh Triết, trưởng khoa tâm lý Bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết, khoa vẫn thường tiếp nhận, điều trị cho bệnh nhi đến khám vì gặp khó khăn trong học tập, một trong những lý do thường gặp là do áp lực thành tích học tập từ phía gia đình. Lúc đầu, những trẻ này có thể có biểu hiện chống lại ý muốn của cha mẹ, càng về sau trẻ càng không có hứng thú với học tập. Nếu mâu thuẫn này tiếp tục kéo dài, trẻ có thể có biểu hiện buồn, lo lắng và sợ đi học, học tập sa sút, trẻ có thể bị trầm cảm vì không chia sẻ được với ai.

Trên thực tế cũng đã có nhiều câu chuyện đau lòng xảy ra khi có những học sinh tìm đến cái chết vì quá áp lực. Mới đây nhất, ngày 11/4/2018, một nam sinh lớp 10, Trường Nguyễn Khuyến (TPHCM) đã nhảy từ mái tôn lầu 4 của trường xuống đất và tử vong tại chỗ. Trước khi tự sát, nam sinh đã để lại một thư tuyệt mệnh với nội dung do áp lực học tập; điểm số và hơn hết là mong đợi từ gia đình muốn con mình được học lớp đứng đầu khối.

Trước đó, hồi đầu tháng 1, một nữ sinh lớp 7A, Trường THCS Tân Lâm (trú tại xã Thạch Tân, huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) cũng treo cổ tự tử trong lớp học sau khi để lại thư tuyệt mệnh có nội dung xin lỗi vì kết quả học tập giảm sút, không đạt được kết quả tốt như kỳ vọng của bố mẹ và thầy cô.

Đặc biệt, câu chuyện nữ sinh Thùy Trang (THPT Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước) tự tử để lại 5 lá thư tuyệt mệnh từ tháng 12/2015 đến giờ hẳn vẫn còn làm bàng hoàng dư luận.Trong số 5 bức thư tuyệt mệnh, có 2 bức thư Trang gửi cho bố mẹ, 3 bức thư còn lại cô nữ sinh gửi cho chị gái và bạn bè. Tất cả đều thể hiện sự buồn chán vì kết quả học tâp không đáp ứng được sự kỳ vọng của bố mẹ, chị.

Cha mẹ nên biết lượng sức con mình

Hơn 10 năm đứng trên bục giảng, gắn bó với nhiều thế hệ học trò, cô giáo Phạm Tươi, Trường tiểu học Yên Nghĩa, quận Hà Đông, Hà Nội chia sẻ, điều đáng băn khoăn hiện nay là nhiều em học sinh đang mất đi mục tiêu học tập đúng đắn. Nhiều em dù còn rất nhỏ đã có suy nghĩ mình phải phấn đấu để trở thành lớp trưởng, để được điểm cao nhất lớp. “Thay vì học cho bản thân, học để hiểu mình các em học cho bố mẹ, cho những mong muốn của gia đình. Áp lực rất lớn nhưng các em lại không có động lực học tập nên dẫn đến bi quan, chán nản”- cô Tươi nói.

Theo các chuyên gia tâm lý, có không ít học trò sẵn sàng từ bỏ cuộc sống, từ bỏ tương lai của mình vì những sự cố trong học tập, trong cuộc sống. Sự thất bại tạm thời không giết chết các em nhưng khi đặt chúng bên cạnh những kỳ vọng, nhất là kỳ vọng từ gia đình thì nó trở thành nỗi sợ khủng khiếp.

Yêu cầu đối với con trẻ ngày càng cao, đòi hỏi ở các em phải nỗ lực rất nhiều để thích nghi với cuộc sống. Nhưng hơn tất cả, đòi hỏi từ gia đình là áp lực lớn nhất mà trẻ phải trực diện đối mặt. Khi không đáp ứng được kỳ vọng này các em sẽ có xu hướng buông xuôi, dễ có những suy nghĩ tiêu cực.

Thêm nữa, cha mẹ ngày nay thường đánh giá không đúng khả năng của con trẻ, họ đặt kỳ vọng cao hơn nhiều so với năng lực, mong muốn của con. Trẻ gặp thất bại không hẳn vì các em kém mà do phải chạy theo những mục tiêu quá cao, không phù hợp với mình.

Chương trình học nặng, học trò phải đối mặt với bệnh thành tích ở trường học nhưng không nỗi sợ nào với con trẻ lớn hơn sự kỳ vọng của chính bố mẹ. Ánh mắt buồn bã, tiếng thở dài thất vọng từ của bố mẹ đủ sức mạnh “giết” con trẻ hơn bất kỳ áp lực nào từ bên ngoài.

Vì thế các chuyên gia khuyên các bậc cha mẹ nên lượng sức con mình. Ai cũng muốn con giỏi nhất, ngoan nhất, nhưng không phải em nào cũng có khả năng và sự chăm chỉ để đạt được mong muốn ấy.

Cha mẹ không nên đặt nhiều kỳ vọng quá vào con mà “quan tâm song song”, bên cạnh quan tâm việc học hành, học thêm của con thì nên để con có thời gian thư giãn, luyện tập thể thao, vui chơi các trò chơi lành mạnh

Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này