Chương trình Mái ấm công đoàn: Hiện thực hóa giấc mơ an cư

Bài cuối: Hiệu quả từ cách làm sáng tạo

10:46 | 13/04/2018
Trong quá trình triển khai hỗ trợ đoàn viên xây dựng “Mái ấm Công đoàn”, bên cạnh nguồn kinh phí từ Quỹ Xã hội của LĐLĐ Thành phố, các cấp công đoàn thành phố đã chủ động kêu gọi sự vào cuộc của các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn cùng chung tay chăm lo vì lợi ích đoàn viên.
bai cuoi hieu qua tu cach lam sang tao Bài 2: Tiên phong vì giấc mơ an cư
bai cuoi hieu qua tu cach lam sang tao Những giấc mơ trở thành hiện thực

Công đoàn tiếp thêm động lực

Chúng tôi trở lại thăm nhà anh Đỗ Văn Hà - công nhân Công ty CP Vận tải thương mại và Du lịch Đông Anh trong căn nhà cấp 4 khang trang được LĐLĐ thành phố Hà Nội hỗ trợ kinh phí xây dựng năm 2015. Trước khi xây dựng nhà mới, gia đình anh Hà sống tạm trong căn phòng 6m2 được cải tạo từ chuồng bò cũ.

bai cuoi hieu qua tu cach lam sang tao
Phó Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Đặng Thị Phương Hoa cùng lãnh đạo LĐLĐ huyện Gia Lâm, lãnh đạo Công ty Cổ phần Hãng Sơn Đông Á trao nhà Mái ấm công đoàn cho đoàn viên

Vợ anh Hà sức khỏe yếu, ở nhà bán dưa cà muối; anh Hà là công nhân bán vé xe bus, thu nhập 4,5 triệu/tháng; hai con (đứa 8 tuổi, đứa 6 tuổi) đang đi học. Vì vậy, để có thêm thu nhập lo cho cuộc sống gia đình, ngoài thời gian đi làm ca, anh Hà đi làm thêm thợ xây để có thu nhập. Với anh, có được mái ấm vẫn chỉ là ước muốn xa vời.

“Thực sự đến bây giờ nghĩ lại tôi vẫn thấy mình quá may mắn khi được LĐLĐ Thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng. Với số tiền ấy, để xây dựng được một ngôi nhà quả thật là không tưởng song điều đáng nói ở chỗ, từ sự hỗ trợ ban đầu của các cấp công đoàn, tôi đã có “đà” và thêm động lực mạnh dạn vay mượn thêm anh em, họ hàng xây dựng căn nhà cấp 4 khang trang trị giá hơn 60 triệu đồng. Có thể nói, tổ chức Công đoàn đã cho tôi niềm tin và sức mạnh để vượt qua thời điểm khó khăn nhất”, anh Hà tâm sự.

Câu chuyện của gia đình anh Lê Ngọc Tấn – đoàn viên Công đoàn Trường Tiểu học Tứ Liên (quận Tây Hồ) cũng tương tự. Hoàn cảnh gia đình anh Tấn vô cùng khó khăn. Đồng lương nhân viên bảo vệ trường của anh Tấn vốn đã thấp, còn phải “cõng” thêm chi phí ăn học của 2 con và vợ bị suy thận (mỗi tuần phải đi chạy thận tới 2 lần).

Vì thế, căn nhà mái bằng của anh được xây dựng từ năm 1995 đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng, nhà bị thấm dột từ lâu, tường nhà bị nứt, nhưng gia đình phải cố khắc phục vì không có kinh phí sửa chữa. Nắm được hoàn cảnh của đoàn viên Lê Ngọc Tấn, Công đoàn Trường Tiểu học Tứ Liên đã đề nghị LĐLĐ quận Tây Hồ, LĐLĐ TP Hà Nội và Công đoàn ngành Giáo dục xem xét, giúp đỡ.

Qua khảo sát, LĐLĐ TP Hà Nội đã quyết định hỗ trợ 20 triệu đồng để giúp gia đình anh Tấn sửa chữa lại nhà. Bên cạnh đó, Công đoàn Giáo dục Hà Nội cũng quyết định hỗ trợ gia đình anh Tấn 10 triệu đồng.

“Từ sự tiên phong hỗ trợ của LĐLĐ Thành phố và Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, gia đình tôi mạnh dạn vay mượn đồng nghiệp, họ hàng và cũng được cơ quan, đồng nghiệp, họ hàng hỗ trợ về nhân lực, vật lực nên tôi mới hoàn thiện được giấc mơ an cư của mình. Dù 30 triệu không xây lên được ngôi nhà, nhưng với tôi, đó chính là “món quà” tạo lên sự đổi thay trong cuộc sống của gia đình tôi”- anh Tấn tâm sự.

Chị Trần Thị Nhung (đoàn viên công đoàn Trường mầm non Bột Xuyên, huyện Mỹ Đức) cũng có chung tâm sự với anh Tấn, khi được hỏi về ngôi nhà Mái ấm công đoàn mà chị được LĐLĐ Thành phố hỗ trợ xây dựng. Sinh năm 1971, chị Trần Thị Nhung đã trải qua cuộc hôn nhân không hạnh phúc, bởi vậy, một mình chị phải gồng gánh trên vai gánh nặng gia đình, nuôi con và cha mẹ già yếu.

Trong khi đó, bản thân chị cũng ốm đau, bệnh tật thường xuyên. Hoàn cảnh quá khó khăn như vậy, nên mặc dù nhà ở đã xuống cấp, chị Nhung cũng không bao giờ dám nghĩ tới việc xây mới hay sửa chữa ngôi nhà cho tử tế hơn. Thấu hiểu hoàn cảnh khó khăn của tôi, LĐLĐ huyện Mỹ Đức đã khảo sát, đề nghị và được LĐLĐ Thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng.

“30 triệu đồng tuy không thể xây lên cả một ngôi nhà nhưng đó là một khoản tiền rất lớn đối với gia đình tôi, nó cũng tạo động lực để tôi mạnh dạn quyết định phải xây lại nhà để còn an cư, lạc nghiệp”- chị Nhung nói.

Đúng lời của chị Nhung, từ 30 triệu kinh phí ban đầu do LĐLĐ Thành phố hỗ trợ, LĐLĐ huyện Mỹ Đức, Hiệp hội Công đoàn doanh nghiệp Thành phố, Công đoàn ngành Giáo dục Thành phố, Công đoàn Trường Mầm non Bột Xuyên... mỗi đơn vị cũng tích cực hỗ trợ từ 5-15 triệu đồng giúp chị Nhung có nền tảng ban đầu để mạnh dạn vay mượn thêm anh em họ hàng, quyết tâm xây nhà. Đến giờ, ngôi nhà mới của chị Nhung đã hoàn thành với tổng giá trị 250 triệu đồng.

Suy nghĩ của anh Hà, anh Tấn, chị Nhung có lẽ cũng là suy nghĩ của hầu hết các đoàn viên công đoàn khó khăn được hỗ trợ Mái ấm công đoàn. Với mức hỗ trợ ban đầu từ 20-30 triệu đồng theo Quy chế Quỹ xã hội của LĐLĐ Thành phố, thật khó để có thể xây dựng hay sửa chữa được một ngôi nhà, song đối với những đoàn viên khó khăn, thì đó thật sự là một khoản tiền đáng kể.

Đáng nói hơn, số tiền ấy cùng với sự tiên phong của tổ chức công đoàn đã tạo nền tảng, tạo động lực để họ quyết tâm xây nhà cũng như là cách vận động, lôi cuốn hiệu quả nhất sự vào cuộc, chung tay hỗ trợ đoàn viên, người lao động của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn xã hội.

Kết nối doanh nghiệp, chung tay vì lợi ích đoàn viên

Năm 2017 và 2018, LĐLĐ quận Long Biên bàn giao 2 Mái ấm công đoàn tới gia đình đoàn viên Lê Bá Minh và Nguyễn Ngọc Ảnh - trị giá hỗ trợ 80 triệu đồng. Đây là số tiền LĐLĐ quận vận động hoàn toàn từ doanh nghiệp đóng trên địa bàn quận, cùng chung tay với tổ chức công đoàn chăm lo đời sống cho CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Minh Hiền - Phó Giám đốc, Chủ tịch Công đoàn Công ty Xăng dầu khu vực I - doanh nghiệp chung tay chăm lo lợi ích đoàn viên - cho biết: Từ chương trình “Mái ấm công đoàn” do LĐLĐ quận Long Biên phát động, chúng tôi nhận thấy đây là chương trình thiết thực và ý nghĩa, góp phần chăm lo đời sống tốt hơn cho những đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn. Vì vậy, Công đoàn Công ty đã phát động toàn thể CNVCLĐ Công ty đóng góp kinh phí, cùng chung tay với Công đoàn quận thực hiện tốt chương trình an sinh xã hội.

Bên cạnh sự vào cuộc của Công ty xăng dầu khu vực I, chương trình “Mái ấm công đoàn” và các chương trình chăm lo đến lợi ích đoàn viên trên địa bàn quận Long Biên còn nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của nhiều doanh nghiệp như: Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam; Công ty TNHH Thương mại Việt Tuấn; Công ty Cổ phần Bột giặt và Hóa chất Đức Giang...

Chủ tịch LĐLĐ quận Long Biên Phan Thị Thu Hằng khẳng định: Chăm lo đời sống cho gia đình đoàn viên và người lao động khó khăn trên địa bàn là hoạt động thường xuyên của LĐLĐ quận thời gian qua. Trong điều kiện Quỹ Xã hội dành cho các hoạt động hỗ trợ người lao động còn hạn chế, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn, cần sự hỗ trợ còn nhiều, LĐLĐ quận đã chủ động kết nối, vận động các doanh nghiệp trên địa bàn quận cùng chung tay.

Chỉ tính riêng chương trình phúc lợi đoàn viên – bán hàng ưu đãi, giảm giá cho đoàn viên công đoàn được triển khai trong năm 2017, đã có 16 doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn quận hưởng ứng, cùng chăm lo thiết thực đến đời sống, sinh hoạt của đoàn viên công đoàn.

Nhấn mạnh ý nghĩa tốt đẹp, nhân văn từ chương trình “Mái ấm Công đoàn” do Tổng LĐLĐ Việt Nam phát động, thực sự đã tạo ra cơ hội tốt để mỗi gia đình đoàn viên, CNVCLĐ nghèo có điều kiện xây dựng, sửa sang mái ấm cho gia đình, góp phần khẳng định niềm tin của đoàn viên, người lao động với tổ chức Công đoàn - thực sự là mái ấm, chỗ dựa vững chắc, tin cậy cho đoàn viên, CNVCLĐ, Chủ tịch LĐLĐ quận Phan Thị Thu Hằng khẳng định: Thời gian tới, LĐLĐ quận sẽ tích cực vận động đoàn viên, CNVCLĐ tham gia đóng góp và sự ủng hộ của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn để có thêm nhiều căn nhà mái ấm công đoàn được xây mới, sửa chữa khang trang, để các gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn đều có được niềm vui trọn vẹn.

Giống như LĐLĐ quận Long Biên, ở LĐLĐ huyện Gia Lâm, chương trình Mái ấm công đoàn cũng được triển khai với nhiều cách làm sáng tạo. Ông Nguyễn Tuấn Khanh, Chủ tịch LĐLĐ huyện Gia Lâm cho biết, những năm qua, LĐLĐ huyện Gia Lâm đã có nhiều hình thức sáng tạo và xã hội hóa để nâng cao hiệu quả các chương trình chăm lo cho đoàn viên công đoàn, người lao động, trong đó có việc hỗ trợ xây dựng Mái ấm công đoàn.

Cụ thể, với mỗi “Mái ấm công đoàn”, ngoài phần hỗ trợ của Quỹ Xã hội LĐLĐ Thành phố và của LĐLĐ huyện, LĐLĐ huyện đã ký được chương trình cam kết với Công ty Cổ phần Hãng Sơn Đông Á hỗ trợ 50% giá trị sản phẩm sơn tưởng của doanh nghiệp và Công ty TNHH Lixil Việt Nam (thương hiệu Inax) hỗ trợ thiết bị sản phẩm vệ sinh cho gia đình đoàn viên.

Có thể nói, với những cách làm linh hoạt, sáng tạo của các cấp công đoàn Thành phố, chương trình Mái ấm công đoàn không chỉ hỗ trợ thiết thực cho đoàn viên mà còn lan tỏa nét đẹp nhân văn đến các doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, qua đó ngày càng khẳng định và nâng cao vai trò, vị thế của tổ chức công đoàn.

Lan Ngọc- Phạm Diệp

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này