Vì Hà Nội văn minh: Xe máy vẫn “vô tư” leo vỉa hè

15:53 | 12/04/2018
Xe máy lưu thông trên vỉa hè dành cho người đi bộ là một trong những hành vi vi phạm về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) bị xử lý theo hướng tăng nặng đã được quy định tại Nghị định 46/2016 của Chính phủ. Quy định là vậy nhưng thực tế cho thấy, vi phạm này vẫn diễn ra phổ biến trên các tuyến đường trung tâm Thủ đô, nhất là khi ùn tắc giao thông.
vi ha noi van minh xe may van vo tu leo via he Ô tô chồm lên vỉa hè tông ô tô và 2 xe máy
vi ha noi van minh xe may van vo tu leo via he Cứ tắc đường là leo lên vỉa hè

Quan sát của PV Báo Lao động Thủ đô, trên nhiều tuyến đường như: Hồ Tùng Mậu, Trường Chinh, Tố Hữu... việc các phương tiện leo lên vỉa hè không còn xa lạ. Thậm chí, nhiều người tham gia giao thông coi đó là điều bình thường. Vi phạm giao thông tại đường Hồ Tùng Mậu là một ví dụ.

vi ha noi van minh xe may van vo tu leo via he
Các phương tiện “vô tư” đi trên vỉa hè trục đường Trường Chinh

Tại trục đường này, đoạn từ số nhà 306 đến đầu phố Hoàng Công Chất và đoạn thuộc khu vực trường ĐH Thương Mại, thời điểm tan tầm từ 16h – 19h mỗi ngày, thường xuyên tái diễn hiện tượng xe máy “vô tư” leo vỉa hè.

Đáng nói, dù vỉa hè khu vực này cao hơn so với mặt đường gần 20cm, nhưng các chủ phương tiện vẫn cố “tăng ga”, len lỏi để cho xe vượt lên vỉa hè, qua trục đường nhanh nhất có thể. Để tự đảm bảo an toàn cho bản thân, người đi bộ trên tuyến đường này ngoài việc phải tránh né các phương tiện, để di chuyển được họ cũng buộc phải len lỏi qua những xe máy vi phạm.

Tương tự, tại trục đường Trường Chinh hướng đi Giải Phóng, tình trạng vỉa hè biến thành “lòng đường” để xe máy lưu thông cũng diễn ra phổ biến. Xe máy lưu thông trên vỉa hè đặc biệt nhức nhối là đoạn phố Cù Chính Lan; ngõ 301; ngõ 47… tại những “điểm đen” này, có thời điểm lượng phương tiện leo vỉa hè thậm chí còn áp đảo hơn so với ở dưới lòng đường. Hàng trăm phương tiện thản nhiên nối đuôi nhau lên vỉa hè ngoài việc gây mất TTATGT thì hệ lụy dễ thấy nhất là vỉa hè ở khu vực này đã bắt đầu có dấu hiệu xuống cấp, hư hỏng.

Trao đổi về vấn đề xử lý các vi phạm về TTATGT, đặt biệt là hành vi đi xe máy lên vỉa hè dành cho người đi bộ, theo quyền Đội trưởng Đội CSGT số 7, Công an TP Hà Nội Nguyễn Đức Thắng, quy định của Nghị định 46, đối với trường hợp người điều khiển xe máy đi trên vỉa hè sẽ bị xử phạt từ 300.000 - 400.000 đồng.

Trường hợp điều khiển ô-tô đi trên vỉa hè sẽ bị xử phạt từ 800.000 đồng đến 1,2 triệu đồng. Trong trường hợp, nếu đi xe trên vỉa hè gây tai nạn thì lái xe còn chịu thêm hình phạt bổ sung là tịch thu giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng.

Quy định là vậy nhưng khi chốt trực, xử lý thì vi phạm liên quan vẫn có xu hướng tái diễn. Trao đổi với phóng viên, đại diện Đội CSGT số 7 cho biết, không ít lần đã gặp phải cảnh “dở khóc dở cười” từ người vi phạm. “Có người, sau khi vi phạm còn lý luận rằng bản thân đi trên vỉa hè nhưng đi… cùng chiều. Với những trường hợp này, cán bộ CSGT phải giải thích để họ hiểu dù là cùng chiều hay ngược chiều nhưng hành vi lưu thông xe máy trên vỉa hè vẫn là vi phạm giao thông” – ông Nguyễn Đức Thắng cho biết.

Rõ ràng, để đảm bảo TTATGT, triệt để xử lý hành vi xe máy “vô tư” leo vỉa hè, cần sự vào cuộc, tuyên truyền tích cực của các đơn vị chức năng liên quan. Ngoài ra, bản thân những người tham gia lưu thông cũng cần chấp hành nghiêm các quy định chung, không điều khiển phương tiện đi lên vỉa hè cho người đi bộ… chỉ có đồng bộ như vậy mới có thể giảm thiểu các ẩn họa giao thông, từ đó tạo dựng nền tảng thực hiện Luật Giao thông đường bộ một cách hiệu quả và văn minh.

Đinh Luyện

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này