Để nông sản phát triển bền vững:

Đối thoại chính sách, nút thắt sẽ mở

15:55 | 12/04/2018
Liên tiếp nhiều mặt hàng nông sản phải “giải cứu” do nhiều yếu tố, trong đó, vấn đề tiếp cận thị trường là một trong những nguyên nhân khiến đầu ra nông sản gặp khó. 
doi thoai chinh sach nut that se mo Tổ chức lại thị trường nông sản trong nước
doi thoai chinh sach nut that se mo Giải cứu nông sản - Chung tay cứu nông dân

Để giải quyết vấn đề này, tại buổi đối thoại “Tháo gỡ vướng mắc, khơi dòng động lực, tiếp đà 30 năm đổi mới với nông dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã cam kết tiếp tục quan tâm và tạo điều kiện cho người nông dân phát huy hết khả năng để làm giàu cho bản thân và cho đất nước.

Cần giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường

Những năm qua, nền nông nghiệp Việt Nam đã đạt được những thành tựu nhất định trong và ngoài nước cụ thể, thị trường xuất khẩu ngày một ổn định hơn, thu nhập và đời sống của người nông dân được thay đổi đáng kể.

doi thoai chinh sach nut that se mo
Đầu ra sản phẩm nông nghiệp luôn là vấn đề thời sự

Tuy nhiên, rất nhiều câu hỏi được đặt ra cho rằng, nền nông nghiệp thay đổi nhanh chóng là vậy nhưng vì sao nông dân chưa giàu? Vì sao nông sản liên tiếp rơi vào cảnh phải giải cứu và đặc biệt, tại sao có đến hơn 70% người dân sống ở nông thôn, nhưng chỉ đóng góp GDP được 18%?... trước những câu hỏi này rất nhiều chuyên gia nông nghiệp đã cho rằng, thông tin thị trường là vấn đề còn khá mù mờ với người dân và khiến người dân chưa thể giàu như kỳ vọng.

Đề cập đến những rào cản khiến người nông dân gặp khó trong quá trình sản xuất, ông Tăng Xuân Trường ở huyện Gia Lộc (Hải Dương) cho biết, cái khó khăn nhất chính là việc người nông dân vừa phải sản xuất và vừa phải tự tìm đầu ra cho sản phẩm nông sản.

Trong khi đó, nhiều người cảm thấy bế tắc khi nông sản trồng ra nhưng lại không tiêu thụ được, khiến người nông dân phải nhổ bỏ vì giá quá rẻ như su hào, củ cải thời gian gần đây. “Điểm yếu lớn nhất của những người làm nông nghiệp hiện nay chính là khâu tổ chức, trong đó, việc liên kết, thành lập hợp tác xã đã được đã được Nhà nước chỉ đạo từ lâu nhưng đến nay vẫn chưa có sự thay đổi”, ông Trường cho hay.

Bên cạnh vấn đề tiếp cận thông tin thị trường, nhiều người nông dân cũng cho rằng, vấn nạn hàng giả, hàng kém chất lượng hoành hành khiến nhiều sản phẩm chất lượng của người dân khi ra thị trường gặp khó khăn trong việc tiêu thụ bởi, người dân khó phân biệt được đâu là hàng giả, hàng thật.

Trong khi đó, để xây dựng thương hiệu, tiêu chuẩn cho nông sản phải mất rất nhiều chi phí. Vì thế, mong muốn của người dân chính là việc “các nông sản, sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, công nghệ tốt phải được bán với đúng giá trị thực trên thị trường”.

Đề cập tới hiện tượng nhổ bỏ củ cải ở Hà Nội, su hào ở Hải Dương vì giá giảm thời gian qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Đây chỉ là hiện tượng cục bộ, không phải là tình trạng chung của nông nghiệp cả nước.

Hiện nay, nhiều loại nông sản của Việt Nam đã tham gia các thị trường lớn, việc tìm thị trường Nhà nước phải làm, nhưng DN, người sản xuất cũng có vai trò quan trọng trong nhiệm vụ này, đó là khâu sản xuất phải theo tín hiệu của thị trường; phân phối phải đáp ứng được thị hiếu người tiêu dùng.

Để phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống người dân, Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung vào một số vấn đề trọng tâm trong đó, cần quyết liệt trong việc triển khai thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, quy mô lớn, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Bên cạnh đó người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ rõ, cần có giải pháp giải quyết căn bản vấn đề tiếp cận thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hạn chế tối đa tình trạng bị động, dư thừa sản phẩm, phải giải cứu như thời gian qua. Cần nghiên cứu các mô hình kinh tế chia sẻ, giải pháp công nghệ mới nâng cao khả năng kết nối sản xuất - thị trường, tăng cường tính minh bạch trong chuỗi giá trị nông nghiệp, cải thiện khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ngăn chặn thực phẩm bẩn…

Vay vốn nói thì dễ tiếp cận thì khó

Là một trong những lĩnh vực đầu tư mạo hiểm, nhiều rủi ro, trong khi đó việc tiếp cận được vốn vay để đầu tư, phát triển nông nghiệp lại gặp nhiều trở ngại. Nhiều hộ dân cho biết, họ muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh nhưng việc tiếp cận vốn vay từ ngân hàng rất khó khăn, thậm chí nhiều người phải vay lãi cao từ tín dụng đen để đầu tư.

Có thể thấy, không chỉ tại buổi đối thoại vấn đề khó khăn khi tiếp xúc với vốn vay sản mới được đưa ra, trước đó, những vướng mắc trong việc vay vốn để sản xuất nông nghiệp như các quy định, thủ tục rườm rà, thế chấp tài sản hay nhiều tài sản trên đất chưa được định giá… cũng đã được nhiều người nông dân đề cập đến, tuy nhiên, hướng giải quyết thì vẫn chưa có nhiều thay đổi.

Thậm chí, khi đề cập đến việc vốn vay sản xuất nông nghiệp, người dân cho rằng “vay vốn nghe thì dễ nhưng để tiếp cận thì khó”. Cụ thể như việc tiếp cận vốn vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân của Hội Nông dân, người dân cho rằng, để tiếp cận được nguồn vốn vay thì dễ nhưng lại rất khó bởi, nguồn vốn của quỹ lại ít so với nhu cầu thực tế của người nông dân. Vì thế, nhiều người không thể tiếp cận được với vốn vay này dù dễ hay khó.

Trong khi đó, nguồn vay từ gói 100 nghìn tỷ lại càng khó tiếp cận. Đề cập đến nguyên nhân khiến người nông dân khó tiếp cận vốn vay, ông Đào Minh Tú, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng, đó là do tính minh bạch của thông tin chưa đảm bảo. Trên thực tế, rất nhiều người vay vốn nhưng không sử dụng hiệu quả đồng vốn, hoặc sử dụng sai mục đích. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nợ xấu, khiến các ngân hàng siết chặt quy định cho vay.

Về lãi suất vay vốn, theo ông Tú, hiện nay lãi suất cho vay đầu tư nông nghiệp đã giảm khoảng 1 nửa so với năm 2013 (từ 14% xuống về dưới 6,5%). Còn về tài sản thế chấp, theo ông Tú, Thông tư 59 mới ban hành thì tài sản thế chấp không phải điều kiện duy nhất để được cho vay mà phải trên cơ sở quản lý dòng tiền. Theo đó, các hộ nông dân vay vốn nếu chứng minh được dòng tiền, chứng minh được đồng vốn phát huy hiệu quả thì có thể được cho vay mà không cần thế chấp.

Có thể thấy, lần đầu tiên một cuộc đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu Chính phủ với nông dân diễn ra đã giải quyết được nhiều vấn đề khúc mắc, nhiều tâm tự, nguyện vọng của người dân. Tuy nhiên, theo các chuyên gia nông nghiệp, để tâm tư của người dân đến gần hơn với Chính phủ, để chính sách phát triển nông nghiệp sát hơn với thực tế, thì cần nhiều hơn nữa các cuộc đối thoại, tiếp xúc trực tiếp như vậy.

Trước những tâm tư trên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Chính phủ sẽ tiếp tục quan tâm sâu sắc hơn nữa đến nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Đồng thời mở thêm các kênh để lắng nghe được nhiều hơn ý kiến của người dân, tạo môi trường thuận lợi nhất cho phát triển nông nghiệp, nông thôn để người nông dân phát huy hết khả năng làm giàu cho bản thân, cho đất nước.

Đỗ Đạt

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này