“Tinh giản” thủ tục tác quyền âm nhạc: Phù hợp với thực tiễn cuộc sống

Kỳ 1: Khi hành chính hóa không còn phù hợp

16:20 | 05/04/2018
Mới đây, Thứ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) Vương Duy Biên đã ký văn bản trình Chính phủ về việc xây dựng Nghị định quy định về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Trong đó, 2 vấn đề liên quan đến âm nhạc được đề cập là bãi bỏ việc cấp phép ca khúc quen thuộc, phổ biến, sáng tác trước năm 1975 và bãi bỏ văn bản thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép gây ra nhiều ý kiến trái chiều quanh việc nới lỏng tác quyền âm nhạc này.
ky 1 khi hanh chinh hoa khong con phu hop Thu phí tác quyền âm nhạc phát trên tivi khách sạn: Đảm bảo dung hòa lợi ích hai bên
ky 1 khi hanh chinh hoa khong con phu hop Lại gây tranh cãi việc thu tiền tác quyền âm nhạc đối với quán cà phê

Lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật chứng tỏ sức nóng khi chỉ trong 6 năm có tới 2 Nghị định số 79/2012 và Nghị định sửa đổi 15/2016 điều chỉnh lĩnh vực này. Lãnh đạo Bộ VHTT&DL đánh giá hai nghị định này “tạo hành lang pháp lý cơ bản minh bạch”, đồng thời tinh giản thủ tục hành chính theo tinh thần của Chính phủ điện tử.

Cấp phép chương trình không cần thỏa thuận quyền tác giả?

Theo Bộ VHTT&DL, mục tiêu của chính sách bãi bỏ văn bản thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép là để đảm bảo thực thi đúng thẩm quyền quản lý, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, các cơ quan có thẩm quyền cấp phép tập trung thẩm định, phê duyệt nội dung chương trình biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình ca múa nhạc, sân khấu. Nội dung chính sách nhằm giải quyết khó khăn, vướng mắc cho các cơ quan trong quá trình thực hiện thủ tục cấp phép khi vừa phải thực hiện thẩm định nội dung chương trình, vừa phải xác định tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, phạm vi ủy quyền sử dụng quyền tác giả.

ky 1 khi hanh chinh hoa khong con phu hop
Ảnh minh họa.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Vương Duy Biên cho biết, trong thực tế áp dụng, thủ tục này cũng gây ra nhiều bất lợi cho đơn vị tổ chức biểu diễn khi tổ chức đại diện quyền tác giả áp đặt các mức giá không công bằng, thiếu minh bạch giữa các đơn vị khai thác, sử dụng; không đảm bảo thực hiện nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự quy định tại Điều 3 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền bình đẳng giữa các bên trong quá trình thỏa thuận, ký kết hợp đồng, quan hệ dân sự được xác lập, thực hiện không dựa trên cơ sở tự do, tự nguyện, thiện chí, trung thực.

Cũng theo Bộ VHTT&DL, việc bãi bỏ cũng đảm bảo thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ và nâng cao năng lực bảo vệ quyền tác giả của tổ chức đại diện tập thể quyền tác giả, hạn chế sự chồng chéo các quy định trong hệ thống pháp luật.

Theo quy định Luật Sở hữu trí tuệ, các biện pháp bảo vệ đối với những hành vi xâm phạm quyền quyền tác giả, quyền liên quan dựa trên yêu cầu tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan (biện pháp dân sự, hải quan, hành chính, hình sự). Việc quy định thẩm quyền của cơ quan nhà nước trong quá trình cấp phép biểu diễn, trước khi tác giả, chủ sở hữu quyền áp dụng các biện pháp bảo vệ không phù hợp với quy định của pháp luật Sở hữu trí tuệ.

Nâng cao năng lực cạnh tranh của các tổ chức biểu diễn nghệ thuật cũng như sức sáng tạo của các tác giả và thực thi quy định tại Điều 41 Hiến pháp năm 2013 về đảm bảo “quyền hưởng thụ và tiếp cận các giá trị văn hoá, tham gia vào đời sống văn hóa, sử dụng các cơ sở văn hóa” của công dân.

Vì lẽ đó, Bộ VHTT&DL đề nghị bãi bỏ “thủ tục cứng nhắc” này để hạn chế sự chồng chéo các quy định trong hệ thống pháp luật. Tuy nhiên nếu loại bỏ thủ tục này liệu việc thu tác quyền có bị “làm khó”?.

Bỏ cấp phép một số bài hát “quen thuộc”

Năm ngoái rộ dư luận nên bỏ cấp phép ca khúc âm nhạc trước 1975, nay Bộ VHTT&DL đưa nội dung này vào nhóm các chính sách thay đổi lớn nhất khi xây dựng Nghị định mới.

Cụ thể, Bộ VHTT&DL nêu vấn đề phát sinh trong quản lý cấp phép ca khúc trước 1975 như: Việc cấp phép một số bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến có cần thiết? Danh mục bài hát được phổ biến rộng rãi có phù hợp thực tế? Giải pháp do Bộ VHTT&DL đưa ra dựa trên tinh thần của Chính phủ “Các bài hát quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc địa điểm, thời gian sáng tác”.

Theo Bộ VHTT&DL, quy định về việc quản lý, cấp phép đối với tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 là vấn đề phức tạp, trong đó có yếu tố lịch sử để lại. Trong thời gian trước đây, việc cấp phép, phổ biến tác phẩm sáng tác trước năm 1975 được thực hiện theo đúng quy định pháp luật. Toàn bộ các bài hát được cấp phép phổ biến đều của các tác giả phía Nam hoặc tác giả miền Bắc di chuyển vào phía Nam định cư.

Việc cấp phép phổ biến được thực hiện đối với các bài hát “nhạc đỏ” hoặc do các tác giả phía Nam sáng tác. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua đã nảy sinh một số vấn đề phức tạp đối với công tác quản lý trong hoạt động này như: Việc cấp phép một số bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế có cần thiết hay không; danh mục bài hát được phổ biến rộng rãi có phù hợp với thực tế hay không...

Vì vậy đặt ra yêu cầu cần quy định lại nội dung quản lý đối với tác phẩm âm nhạc, sân khấu trong thời kỳ mới, cụ thể là bãi bỏ quy định về cấp giấy phép phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu nhằm giải quyết các vấn đề phức tạp đối với công tác quản lý tác phẩm âm nhạc, sân khấu. Việc cần thiết quy định lại để đảm bảo biện pháp quản lý đối với các tác phẩm âm nhạc, sân khấu, ngăn chặn những bài hát có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, đi ngược lại chính sách của Đảng, trái với pháp luật Nhà nước.

Đồng thời, làm đơn giản hóa thủ tục hành chính, việc phổ biến tác phẩm âm nhạc, sân khấu sáng tác trước năm 1975 được thực hiện thống nhất với quy định tại Luật Xuất bản năm 2012. Đảm bảo biện pháp phối hợp quản lý nhà nước đối với các tác phẩm âm nhạc, sân khấu giữa Bộ VHTT&DL và Bộ Thông tin và Truyền thông trong việc ngăn chặn những bài hát có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, đi ngược lại chính sách của Đảng, trái với pháp luật Nhà nước.

Theo đó, các bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái với thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc vào địa điểm, thời gian sáng tác.

Hiện nay, ngoài phương án bỏ cấp phép những sáng tác trước năm 1975, lập danh mục những bài hát cấm. Bộ VHTT&DL vẫn đề ra phương án tiếp tục quy định cấp phép nhưng sẽ kèm theo các điều kiện lưu hành. Tuy nhiên, dư luận đang băn khoăn với việc nếu bỏ cấp phép, thì rất nhiều ca khúc có ca từ phản động, hoặc kèm theo những chi tiết phản động được sáng tác trong thời kỳ này sẽ được “lách luật” để biểu diễn. Nhiều ý kiến ủng hộ quan điểm tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho nghệ thuật, nhưng cũng không thể thả nổi.

Đến nay, phương án giữ hay bỏ phấp phép các sáng tác trước năm 1975 vẫn là một bài toán cần tháo gỡ. Bởi nếu mở toang cánh cửa cấp phép liệu công tác hậu kiểm có đảm bảo tất cả các chương trình, bài hát phổ biến đều đảm bảo chất lượng?.

Bảo Thoa

Kỳ 2: Thu tiền tác quyền ra sao?

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này