Cháy nổ không còn là “cảnh báo”

Kỳ cuối: Các biện pháp phòng cháy cơ bản

10:03 | 03/04/2018
Hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ đâu và bất cứ khi nào, đe dọa đến tài sản và tính mạng của người dân. Vì vậy, mỗi người nói riêng và các cơ quan, tổ chức nói chung cần đề cao tinh thần phòng cháy chữa cháy (PCCC) để hạn chế đến mức thấp nhất vụ cháy và thiệt hại do cháy gây ra, không để xảy ra các vụ cháy gây hậu quả nghiêm trọng
tin nhap 20180403092048 Hà Nội: Đề nghị hạ chuẩn PCCC cho 17 chung cư vi phạm
tin nhap 20180403092048 Kỳ 3: Phòng trộm mà quên phòng cháy

Những năm gần đây, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao, dẫn đến nhu cầu sử dụng điện cũng tăng lên đáng kể. Tuy nhiên, ý thức PCCC nói chung và ý thức an toàn PCCC trong sử dụng điện nói riêng của đa số người dân còn lơ là, mất cảnh giác. Vì vậy các vụ cháy, nổ nguyên nhân do điện ngày càng gia tăng.

Theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn (Trưởng phòng Cảnh sát PCCC số 2 - Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội), chỉ riêng trong quý I năm 2018 (từ 16/11/2017 đến 15/2/2018), trên địa bàn thuộc phòng quản lý đã xảy ra 59 vụ cháy. Trong đó có 32 vụ được xác định nguyên nhân là do sự cố điện và thiết bị điện.

tin nhap 20180403092048
Khi đốt vàng mã phải có người trông coi, che chắn để tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan.

Để đảm bảo an toàn trong công tác PCCC, hạn chế những vụ cháy do điện gây ra; người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở và chủ hộ gia đình khi lắp đặt hệ thống điện, các thiết bị tiêu thụ và bảo vệ điện phải tính toán, thiết kế theo đúng quy định về an toàn điện và PCCC, dùng thiết bị điện phù hợp với khả năng chịu tải của đường dây diện. Đặc biệt với các thiết bị điện động lực hay phụ tải có công suất lớn, trước khi dùng phải xem xét kỹ lại hệ thống điện và thông số của phụ tải đó.

Không cắm dây dẫn điện trực tiếp trên ổ cắm. Đồng thời, không nên sử dụng nhiều thiết bị điện trên cùng một ổ cắm cùng lúc, đặc biệt gần khu vực có nhiều chất dễ cháy. Không dùng đinh, dây thép để buộc giữ dây dẫn điện. Không luồn dây điện qua mái lá, mái tôn, câu mắc điện tùy tiện để hở các mối nối dây điện. Khi cần đấu, nối dây dẫn điện phải thực hiện các phương pháp đấu, nối đúng kỹ thuật điện, có các biện pháp cách điện đảm bảo an toàn điện và an toàn PCCC.

Điều 14, Luật Phòng cháy Chữa cháy đã nêu rõ biện pháp cơ bản trong phòng cháy, bao gồm: Quản lý chặt chẽ và sử dụng an toàn các chất cháy, chất nổ, nguồn lửa, nguồn nhiệt, thiết bị và dụng cụ sinh lửa, sinh nhiệt, chất sinh lửa, sinh nhiệt; bảo đảm các điều kiện an toàn về phòng cháy. Thường xuyên, định kỳ kiểm tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót về phòng cháy và có biện pháp khắc phục kịp thời.

Không nên dùng dây điện trần để dẫn điện mà phải dùng dây dẫn điện đảm bảo các tiêu chuẩn an toàn, luồn dây điện trong các ống luồn chuyên dụng có khả năng chống cháy cao. Trước khi ra khỏi phòng phải đóng ngắt tất cả các thiết bị tiêu thụ điện không cần thiết và tắt hết các nguồn lửa, nguồn nhiệt. Bóng đèn hoặc những thiết bị điện khác không đặt gần những vật dễ cháy như giá áo, tủ sách, giá báo, tủ quần áo... nhằm tránh tình trạng bức xạ nhiệt.

Bên cạnh đó, phải định kỳ kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng hệ thống điện và các thiết bị điện do trong quá trình sử dụng lâu trong môi trường có bụi, bụi sẽ tích tụ dẫn đến làm nóng các thiết bị tiêu thụ điện, gây rò rỉ điện hoặc do côn trùng, gián, chuột cắn làm hư hỏng lớp vỏ ngoài dây điện, dẫn đến chạm chập gây cháy nổ. Kiểm tra đột xuất khi phát hiện các nguy cơ, dấu hiệu gây mất an toàn về PCCC do điện và kịp thời khắc phục nhằm hạn chế các nguy cơ xảy ra cháy, nổ.

Nên lắp đặt, sử dụng thiết bị bảo vệ aptomat có mức độ an toàn cao; có khả năng cách ly chống ngắn mạch, quá tải, chống dò điện đất và bảo vệ các thiết bị điện chống quá nhiệt. Mỗi cơ quan, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hộ gia đình cần bố trí lối thoát nạn an toàn hoặc các lối ra khẩn cấp ở ban công, lô gia, lối lên mái… đồng thời trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC để kịp thời xử lý khi có cháy, nổ xảy ra.

Việc thắp hương, đốt vàng mã nếu không chú ý sẽ dễ xảy ra cháy gây thiệt hại khó lường. Khi bố trí nơi thắp hương, thờ cúng phải đảm bảo các quy định về an toàn PCCC như bố trí nơi thờ cúng hợp lý. Theo đại tá Nguyễn Trường Sơn, ban thờ phải cách xa vật liệu dễ cháy ít nhất 0.75m. Tường phía đặt bàn thờ, phía trên bàn thờ, bàn thờ phải làm bằng vật liệu khó cháy hoặc không cháy và có vách ngăn chống cháy lan sang khu vực xung quanh. Chân đèn, bát hương, nến phải đặt chắc chắn trên các vật liệu không cháy(tấm kính, tấm tôn, gỗ phíp) và cách xa các đồ thờ (vàng mã, nến) ít nhất 0.2 m. Hạn chế tối đa vàng mã, hương, nến để trên bàn thờ. Khi thắp hương phải có người trông coi đến khi hết tàn hương. Nơi hóa vàng phải riêng biệt, các xa vật liệu dễ cháy.

Khi đốt vàng mã phải trông coi, có che chắn để tránh cháy lan hoặc bị gió cuốn tàn lửa gây cháy lan. Đối với nhà chung cư, nhà tập thể, các hộ liền kề phải hóa vàng tại đúng nơi quy định.Tuyệt đối không sử dụng lửa trần, hút thuốc, thắp hương, đốt vàng mã; tồn chứa sử dụng các chất có nguy hiểm cháy nổ như xăng, dầu, cồn, gas và các hóa chất dễ cháy, nổ trong khu vực kinh doanh của chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cơ sở sản xuất, kho chứa hàng, các hộ dân và tại những nơi có quy định cấm.

Để không còn những tai nạn thương tâm do cháy nổ gây ra, công tác phòng cháy cần phải được ưu tiên hàng đầu, đi trước so với chữa cháy. Vấn đề này đòi hỏi ý thức trách nhiệm của mỗi hộ gia đình, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp và mỗi người dân. Chỉ có tuân thủ nghiêm ngặt các quy định và quy chuẩn PCCC tại mỗi công trình, dự án, ngôi nhà… thì mới có thể hạn chế tối đa nguy cơ xảy ra cháy nổ.

Phạm Thảo

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này