Vượt “cửa ải” Nghị định 116, nhiều xe nhập khẩu đã về cảng:

Người mua chưa vội, vẫn chờ thực hư

11:44 | 30/03/2018
Thông tin về việc 2.000 chiếc xe Honda CRV nhập khẩu đã về tới Việt Nam và được công bố mức giá thấp hơn hàng trăm triệu đồng so với giá trước đó, khiến thị trường ôtô trong nước bắt đầu “nóng trở lại”. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng vẫn đang chờ đợi giá xe ôtô sẽ giảm hơn nữa trong thời gian tới. Liệu niềm tin người tiêu dùng có thành hiện thực?.
nguoi mua chua voi van cho thuc hu Xe con nhập về Việt Nam, giá chỉ 496 triệu đồng/chiếc
nguoi mua chua voi van cho thuc hu Quy định mới về nhập khẩu ô tô: Kẻ khóc người cười

Người mua vẫn rụt rè…

Động thái đầu tiên của hãng xe Honda sau khi lô xe CRV cập cảng và tiến hành kiểm định thông quan, chờ ngày ra thị trường đó là, giá dòng xe này bắt đầu giảm mạnh so với hồi đầu năm. Theo đó, mức giá dự kiến sẽ được hãng này điều chỉnh giảm từ 150 triệu đồng/chiếc, đến vài trăm triệu đồng/chiếc, tùy từng phiên bản.

nguoi mua chua voi van cho thuc hu
Người tiêu dùng chờ đợi giá xe nhập khẩu giảm khi hãng Honda CRV đưa thông tin giảm giá với lô xe mới nhập khẩu.

Sau động thái trên, hàng loạt đại lý Honda đã bắt đầu “bung” hàng, giới thiệu thông tin về giá bán xe đến khách hàng với cam kết, khách hàng sẽ được giao xe ngay trong đầu quý II/2018. Cụ thể, giá mẫu Crossover Honda CRV sẽ có giá dao động chỉ từ 989 triệu - 1,106 tỷ đồng. Thấp hơn thời điểm đầu năm tới gần 200 triệu đồng (giá trước đó từ 1,136 - 1,256 tỉ đồng).

Tuy nhiên, cùng phân khúc với Honda CRV ở thị trường Việt Nam hiện nay còn có những mẫu xe nhập khẩu khác cũng có giá hấp dẫn không kém với mức từ 700 triệu đến 1,3 tỷ đồng như: Toyota Fortuner hay Ford Ranger… Đây luôn là những dòng xe được người tiêu dùng đón đợi nhiều nhất và gây ra cuộc chiến căng thẳng nhất trên thị trường, đặc biệt là câu chuyện giảm giá bán trong năm 2017.

Tuy nhiên, cũng cùng với dòng nhập khẩu CRV của Honda, còn các đối thủ lắp ráp xứng tầm không kém là Mazda CX-5, Hyundai Tucson, Huyndai Santafe... cũng được người tiêu dùng chờ đợi động thái giảm giả mới, khiến thị trường ôtô trong tháng 3 dù đã “nóng” lên, nhưng vẫn chưa thật sự hấp dẫn người tiêu dùng.

Giá “quảng cáo’ là vậy, song người mua vẫn khá rụt rè. Lý giải về nguyên nhân này anh Đỗ Mạnh Tiến, nhân viên kinh doanh tại Showroom Huyndai Cầu Diễn cho biết, trước những thông tin liên quan đến dòng xe nhập về Việt Nam, chắc chắn thị trường ôtô trong quý II sẽ có nhiều diễn biến khó lường, nhiều hãng lắp ráp sẽ phải “chờ” thị trường để có động thái tiếp cận khách hàng trong thời kỳ “người khôn của khó”.

Ví dụ như Huyndai, hãng này đã lắp ráp hầu hết các dòng xe ở Việt Nam nhưng những mẫu hot nhất cũng vẫn phải chịu cảnh “nằm yên chờ thị trường” do các dòng cạnh tranh trực tiếp đang có những thông tin lợi thế về giá sau khi thuế nhập khẩu về 0%. Cụ thể, dòng xe Tucson, mặc dù trước Tết khá “hot”, nhưng hiện nay khách mới chỉ đến xem lác đác và chưa đặt mua.

Còn anh Tân đang làm việc tại Công ty Chứng khoán Bảo Việt thì cho rằng, thận trọng là không thừa bởi lẽ, chỉ trong vài tháng nữa thôi, rất có thể nhiều dòng xe khác không chỉ riêng Honda sẽ có giá giảm mạnh khi họ được hưởng thuế suất nhập khẩu về 0%. Khi đó, cuộc đua giảm giá giữa các hãng sẽ trở nên gay gắt hơn và người tiêu dùng chắc chắn sẽ được hưởng lợi.

Người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi?

Bên cạnh việc khách hàng vẫn đang “chờ đợi” tình hình biến động của thị trường ôtô theo hướng có lợi, thì các hãng khác ôtô cũng tỏ ra hết sức “bí hiểm” khi sử dụng chiến thuật “im lặng” trước thông tin Honda đang chuẩn bị ra thị trường hàng ngàn xe nhập khẩu với giá giảm đến 200 triệu/chiếc.

Điển hình có thể kể đến là đối thủ trực tiếp của Honda CRV là Mazda CX5. Số liệu thống kê trong năm 2017 cho thấy, trong năm, hai mẫu xe này so kè nhau về doanh số rất căng thẳng. Có thời điểm Madza đã phải “giảm giá sốc kèm khuyến mại sâu” để quyết chơi cú dứt điểm trước những ưu thế về xe nhập của Honda CRV. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại hãng xe này lại đang “án binh bất động”.

Tìm hiểu thông tin liên quan đến 2 hãng xe trên, tại một số diễn đàn ôtô, không khó để người tiêu dùng có thể tìm được các thông số kỹ thuật một cách tỉ mỉ, qua đó dễ dàng so sánh xem vào thời điểm này, mẫu xe nào sẽ được lựa chọn nhiều hơn. Và kết luận đưa ra, CRV có những ưu thế mà Mazda CX-5 khó có thể vượt qua, ưu thế lớn nhất là “xe nhập nguyên chiếc” mà người dân Việt Nam vốn ưa chuộng hàng ngoại.

Trong khi đó, hiện nay, giá cả không còn là một lợi thế của dòng xe lắp ráp trong nước so với các mẫu cùng phân khúc nhập khẩu. Và dường như lợi thế đang đứng về phía xe nhập khẩu. Trong khi đó, thời điểm Nghị định 116 ra đời, không chỉ có Honda, mà đối với các dòng xe khác, hầu như cũng bị Madza bỏ xa khi hãng này thu hút lượng khách hàng tăng đột biến.

Trên đây chỉ là một điểm so sánh nhỏ giữa 2 hãng xe lớn là Honda và Madza về chiến thuật kinh doanh, lượng tiêu thụ và khả năng nắm bắt thị trường. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng dễ dàng so sánh và đặt câu hỏi, liệu không biết đến thời điểm Ford và Toyota “vượt” qua được những “rào cản” từ Nghị định 116 và chính thức có thông tin về những dòng xe nhập khẩu cập cảng Việt Nam, thị trường ô tô sẽ có những biến động như thế nào?.

Trước những thông tin trên, theo nhận định của các nhà chuyên môn cho biết, thời điểm xuất hiện Nghị định 116 là quãng thời gian thị trường ôtô trở nên “đáng sợ” nhất, bởi không chỉ khó khăn về giá, mà việc sở hữu được một chiếc xe ô nhập khẩu cũng không phải là chuyện đơn giản. Và rồi đến thời điểm hiện tại, người tiêu dùng thì vẫn “chờ đợi” sự thay đổi tích cực từ các chính sách, trong khi đó các hãng xe lại phải “nhìn nhau” cầm chừng và biết đâu, thời điểm người tiêu dùng được hưởng lợi thật sự sẽ đến.

Tuấn Minh

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này