Sân khấu thời 4.0: Loay hoay tìm biện pháp “giải cứu”

09:59 | 27/03/2018
Đứng trước những phương tiện nghe nhìn thời công nghệ cao, sân khấu ngày càng trở nên lép vế, nhiều sân khấu đã phải đóng cửa vì thua lỗ. Thực trạng này đã khiến nhiều nghệ sỹ và các nhà quản lý nghệ thuật lo lắng.
tin nhap 20180327093916 Kiệt tác sân khấu ‘Vòng phấn Kavkaz’ trở lại với khán giả Hà Nội
tin nhap 20180327093916 Rối cạn kết hợp rối nước chào năm mới 2018
tin nhap 20180327093916 Luồng gió mới cho sân khấu kịch Thủ đô

“Sân khấu đang nằm ở khoa hồi sức cấp cứu”

Cần phải thẳng thắn nhìn nhận, sân khấu thời gian qua chập chững bước vào thị trường cạnh tranh nhưng nhiều yếu kém. Các nhà quản lý sân khấu ít hiểu biết về thị trường nên sân khấu ngày càng lép vế trước các phương tiện nghe nhìn công nghệ cao. Theo NSƯT Trần Minh Ngọc - Trưởng ban lí luận Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, việc mò mẫm làm sân khấu theo thị trường mà không nắm được quy luật sẽ dẫn đến bế tắc.

Chẳng hạn các sân khấu xã hội hóa ở phía Nam chạy theo thị hiếu của một bộ phận khán giả đã biến sân khấu thành một thứ “nghệ thuật tiêu dùng”, biến khán giả thành người thụ động, người chứng kiến những “trò” kinh dị, đồng tính, ma mị… Còn khán giả biết hưởng thụ cái hay, cái đẹp, cái tinh hoa của sân khấu thì không muốn bước vào rạp chỉ để giải trí.

tin nhap 20180327093916
Vở kịch sân khấu “Bão tố Trường Sơn”. Ảnh: Bảo Thoa

“Chúng ta chưa xây dựng được trên sân khấu con người của hôm nay, chưa tạo dựng được xung đột của thời đại mới, thế giới mới. Nhiều sân khấu chỉ quanh quẩn với các đề tài về quá khứ lịch sử, về đời sống hàng ngày với những mâu thuẫn cá nhân, vụn vặt, đời thường”, NSƯT Trần Minh Ngọc nhấn mạnh trong buổi Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới” vừa diễn ra.

Đồng quan điểm, PGS.TS Phạm Duy Khuê, Giảng viên trường ĐH Sân khấu Điện ảnh Hà Nội cũng cho rằng, mấy chục năm qua nghệ thuật sân khấu đã không theo kịp sự phát triển của hiện thực đời sống, bất cập đối với các chức năng nghệ thuật, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức và chiêm nghiệm nghệ thuật của công chúng. Nói cách khác, sân khấu rơi vào khủng hoảng nhưng chưa sao thoát ra được. “Nội dung một kịch bản sân khấu được hiện ra trước hết và nhiều nhất từ lời đối thoại giữa các nhân vật và lời độc thoại của nhân vật. Tuy nhiên, đối thoại chứ không phải “đấu khẩu” hay “chém gió” mà kịch bản cứ viết quá nhiều lời như hiện nay…”, PGS.TS Phạm Duy Khuê nhấn mạnh.

PGS.TS Đinh Quang Trung, viện trưởng Viện Sân khấu Điện ảnh cũng nhìn nhận, quá trình giao lưu - hội nhập quốc tế cùng sự phát triển của khoa học công nghệ đầu thế kỷ 21 đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động nghệ thuật của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn nói chung, đơn vị nghệ thuật sân khấu nói riêng. Cạnh tranh ngày càng gay gắt đã góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng nghệ thuật nhưng cũng khiến nhiều đơn vị nghệ thuật đứng trước nguy cơ tan rã do không đáp ứng được nhu cầu của xã hội.

NSƯT Lê Chức, Phó chủ tịch Thường trực Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam trăn trở: “Nhắc đến sân khấu hiện nay mà có cảm giác như sân khấu đang nằm ở khoa hồi sức cấp cứu của bệnh viện. Nhìn cả vào hai dòng sân khấu là công lập và xã hội hóa, dòng nào cũng có vấn đề”. Lời nói của NSƯT Lê Chức khiến đông đảo đại biểu tham dự Hội thảo “Nâng cao chất lượng hoạt động nghệ thuật sân khấu trong thời kỳ mới” chạnh lòng. Hàng năm, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Cục Nghệ thuật biểu diễn, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và các thành phố tổ chức khá nhiều cuộc thi dành cho giới làm sân khấu chuyên nghiệp. Tuy nhiên, sau mỗi cuộc thi qua đi, rất ít những vở diễn, vai diễn để lại dấu ấn trong giới làm nghề và công chúng.

Loay hoay tìm biện pháp “giải cứu” sân khấu

Đạo diễn Lê Quý Dương, người sáng lập Hiệp hội Các trường sân khấu và kịch nghệ khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trực thuộc UNESCO): "Ở các nước phát triển như Anh, Australia… khi tiến hành một cuộc hội thảo nghệ thuật thì có 4 thành phần không thể thiếu: Bộ Văn hóa đưa ra những định hướng, hoạch định, Bộ Tài chính quản lý kinh phí đầu tư, Bộ Nội vụ giám sát các hoạt động và các tổ chức tiếp thị quảng bá tác phẩm, định hướng thẩm mỹ tới khán giả.

Nhưng ở hầu hết các hội thảo về nghệ thuật của Việt Nam gần như vắng bóng những thành phần kể trên. Như vậy thì kinh phí của Nhà nước đầu tư mà không có người kiểm soát, chẳng cần biết anh làm gì, đầu tư có hiệu quả hay không; làm vở diễn xong cũng không có ai giới thiệu tới công chúng; các cấp lãnh đạo không hoạch định được những khuynh hướng, đổi mới… thì mãi sân khấu sẽ chỉ ở vòng luẩn quẩn".

Sân khấu Việt Nam đang hiện hữu hai hình thức hoạt động: Công lập của Nhà nước và xã hội hóa của tư nhân. Sân khấu công lập hướng tới dàn dựng những vở diễn, đề tài nghiêm túc, ẩn chứa những chủ đề chính trị, triết lý, nhân văn, nhân loại. Còn sân khấu tư nhân chủ yếu hướng về những đề tài giải trí, hài cười qua các chủ đề đời thường, tình yêu hoặc những xung đột gia đình… Nhưng hiện cả hai hình thái hoạt động trong và ngoài công lập đều có một tình trạng khó khăn là vắng khách.

Hiện thực đời sống thế kỷ 21 thay đổi toàn diện và liên tục phát triển nên muốn có những tác phẩm tương xứng với cuộc sống đương đại buộc các đơn vị sân khấu phải thay đổi cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn nhận, cách phản biện và cách phản ánh hiện thực. Trong đó, cần phải sáng tạo ra những ngôn ngữ hình thể mới, giầu sức biểu cảm trong sự phối kết hợp tương thích với sáng tạo của các thành phần nghệ thuật và các yếu tố kỹ thuật hiện đại cùng tham gia xây dựng vở diễn để thể hiện tốt nhất đời sống của nhân vật.

Tác phẩm sân khấu ngày nay không nhất thiết phải có cốt truyện song nhất thiết phải tái hiện, tái tạo, xây dựng được những tình huống thích hợp giầu kịch tính, được đặt trong những hoàn cảnh phát triển lịch sử cụ thể của nhân vật. Trong những tình huống “éo le” ấy, con người - nhân vật phải tích cực hành động ứng xử để thích nghi, chinh phục, vượt qua tình huống.

PGS.TS Đinh Quang Trung bày tỏ rằng, để sân khấu có thể tồn tại và phát triển được trong quá trình hội nhập với thế giới mở, một trong những yêu cầu quan trọng chính là chất lượng nghệ thuật. Thực tế cho thấy, tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao không đồng nghĩa với mức độ hoành tráng về dàn dựng cũng như mức đầu tư kinh phí. Nó cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với thẩm mỹ của số đông khán giả và lượng kinh phí thu được. Tác phẩm nghệ thuật đỉnh cao, trước tiên là tác phẩm đẹp về nội dung, hình thức, đảm bảo yêu cầu thể loại và đáp ứng nhu cầu giải trí. Đặc biệt, tác phẩm đó phải mang hơi thở của thời đại và bản sắc dân tộc.

PGS.TS Phạm Duy Khuê cho rằng, sân khấu muốn thoát khỏi phải đổi mới từ cách thức tổ chức đến biểu diễn, quản lý. Riêng người làm sân khấu phải thay đổi cách cảm, cách nghĩ, cách nhìn nhận, phản biện và phản ánh mới đối với hiện thực cuộc sống, các vấn đề nảy sinh trong cuộc sống.

Bảo Thoa

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này