Từ chối yêu cầu, đối thoại, thương lượng của Công đoàn:

Sẽ bị phạt nặng về tài chính

10:42 | 23/03/2018
Người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng nếu: Từ chối yêu cầu, đối thoại, thương lượng của Công đoàn (CĐ); không thỏa thuận bằng văn bản với Ban Chấp hành CĐ cơ sở hoặc Ban Chấp hành CĐ cấp trên trực tiếp cơ sở khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, chuyển làm công việc khác theo hợp đồng lao động, kỷ luật sa thải đối với người lao động là cán bộ CĐ không chuyên trách.
se bi phat nang ve tai chinh Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn sẽ đối thoại với đoàn viên, thanh niên cả nước
se bi phat nang ve tai chinh LĐLĐ Thành phố đôn đốc tiến độ tổ chức Hội nghị Người lao động năm 2018

Đó là đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) quy định xử phạt, nằm trong Điều 33 Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

se bi phat nang ve tai chinh
Người sử dụng lao động sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng nếu từ chối đối thoại, thương lượng của Công đoàn. nh: B.D

Trong đó Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Cụ thể, cũng tại Điều 33 của Dự thảo quy định, nếu vi phạm quy định về đảm bảo thực hiện quyền CĐ, sẽ xem xét phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Không bố trí nơi làm việc, không bảo đảm các phương tiện làm việc cần thiết cho cán bộ CĐ; không bố trí thời gian trong giờ làm việc cho cán bộ CĐ không chuyên trách hoạt động công tác CĐ; không cho cán bộ CĐ cấp trên cơ sở vào tổ chức, doanh nghiệp để hoạt động công tác CĐ; không cung cấp thông tin, phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để CĐ thực hiện quyền, trách nhiệm đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động.

Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí CĐ tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí CĐ cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng.

Về biện pháp khắc phục hậu quả: Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức CĐ số tiền kinh phí CĐ chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí CĐ chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định.

Hiện Dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến rộng rãi trong người dân và chuyên gia kéo dài đến 16/5/2018

Mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng cũng sẽ áp dụng đối với hành vi lợi dụng quyền CĐ để vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân. Về biện pháp khắc phục hậu quả: Dự thảo quy định, phải bảo đảm các điều kiện làm việc cần thiết cho tổ chức CĐ, bố trí thời gian cho người làm công tác CĐ đối với vi phạm quy định; phải nhận người lao động trở lại làm việc nếu vi phạm.

Tại Điều 34 của Dự thảo quy định chi tiết về những vi phạm quy định về phân biệt đối xử vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ. Cụ thể, phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Phân biệt đối xử về tiền lương, thời giờ làm việc và các quyền và nghĩa vụ khác trong quan hệ lao động nhằm cản trở việc thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ của người lao động; không gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ CĐ không chuyên trách đang trong nhiệm kỳ CĐ mà hết hạn hợp đồng lao động; kỷ luật lao động hoặc chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật đối với người lao động vì lý do thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ; quấy rối, ngược đãi, cản trở hoặc từ chối thăng tiến nghề nghiệp cho cán bộ CĐ; thông tin không đúng sự thật nhằm hạ thấp uy tín của cán bộ CĐ đối với người lao động.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong những hành vi như: Có quy định hạn chế quyền của người lao động tham gia làm cán bộ CĐ; chi phối, cản trở việc bầu, lựa chọn cán bộ CĐ; ép buộc người lao động thành lập, gia nhập và hoạt động CĐ. Về biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc gia hạn hợp đồng lao động đối với cán bộ CĐ không chuyên trách đối với hành vi vi phạm quy định này; buộc nhận người lao động trở lại làm việc và trả đủ tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc đối với hành vi vi phạm quy định; buộc cải chính thông tin sai sự thật đối với hành vi vi phạm quy định này.

Cũng tại Dự thảo, tại Điều 35 quy định rõ về vi phạm quy định về sử dụng các biện pháp kinh tế hoặc các biện pháp khác gây bất lợi đối với tổ chức và hoạt động CĐ. Trong đó, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Không trả lương cho người lao động làm công tác CĐ không chuyên trách trong thời gian hoạt động CĐ; không cho người lao động làm công tác CĐ chuyên trách được hưởng các quyền lợi và phúc lợi tập thể như người lao động khác trong cùng tổ chức; thực hiện các biện pháp kinh tế tác động đến người lao động để người lao động không tham gia CĐ hoặc không hoạt động CĐ.

Trường hợp vi phạm, sẽ phải khắc phục hậu quả theo hướng: Buộc trả lương cho người làm công tác CĐ không chuyên trách trong thời gian hoạt động CĐ; buộc giải quyết các quyền lợi và phúc lợi tập thể cho người làm công tác CĐ chuyên trách như người lao động khác trong cùng tổ chức.

Cũng liên quan đến hoạt động CĐ, tại Điều 36 của Dự thảo Nghị định quy định cụ thể về mức phạt đối với vi phạm quy định về đóng kinh phí CĐ. Trong đó, phạt tiền với mức từ 12% đến dưới 15% tổng số tiền phải đóng kinh phí CĐ tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau: Chậm đóng kinh phí CĐ; đóng kinh phí CĐ không đúng mức quy định; đóng kinh phí CĐ không đủ số người thuộc đối tượng phải đóng.

Phạt tiền với mức từ 18% đến 20% tổng số tiền phải đóng kinh phí CĐ tại thời điểm lập biên bản vi phạm hành chính nhưng tối đa không quá 75 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không đóng kinh phí CĐ cho toàn bộ người lao động thuộc đối tượng phải đóng. Về biện pháp khắc phục hậu quả: Chậm nhất 30 ngày, kể từ ngày có quyết định xử phạt, người sử dụng lao động phải nộp cho tổ chức CĐ số tiền kinh phí CĐ chậm đóng, đóng chưa đủ hoặc chưa đóng và số tiền lãi của số tiền kinh phí CĐ chưa đóng, chậm đóng theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt đối với hành vi vi phạm quy định.

Hiện Dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến rộng rãi trong người dân và chuyên gia kéo dài đến 16/5/2018. Nghị định này khi được thông qua, có hiệu lực thi hành sẽ thay thế cho Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

N.Lan

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này