Sử dụng lao động nước ngoài “chui”: Sẽ bị phạt tối đa 75 triệu đồng

21:02 | 22/03/2018
Sẽ phạt tiền người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn, trong đó mức phạt tối đa là 75 triệu đồng và đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm.
su dung lao dong nuoc ngoai chui se bi phat toi da 75 trieu dong Sử dụng lao động nước ngoài “chui” sẽ bị phạt tới 75 triệu đồng
su dung lao dong nuoc ngoai chui se bi phat toi da 75 trieu dong Cấp giấy phép lao động qua mạng cho lao động nước ngoài

Đó là đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) quy định xử phạt vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nằm trong Dự thảo Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

su dung lao dong nuoc ngoai chui se bi phat toi da 75 trieu dong
Nếu chủ sử dụng lao động vi phạm quy định về người nước ngoài làm việc tại Việt Nam sẽ bị xử phạt và đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng. Ảnh: B.D

Trong đó Nghị định quy định cụ thể về hành vi vi phạm, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt, thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Theo đó, sẽ trục xuất người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi sau đây: Làm việc nhưng không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động; sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc báo cáo nhưng chưa đảm bảo những nội dung, thời hạn theo quy định của pháp luật.

Phạt tiền người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn theo một trong các mức sau đây: Từ 30 - 45 triệu đồng với vi phạm từ 1-10 người; từ 45-60 triệu đồng với vi phạm từ 11-20 người; từ 60-75 triệu đồng với vi phạm từ 21 người trở lên. Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm quy định này.

Dự thảo cũng đề xuất mức phạt đối với vi phạm quy định về tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Theo đó, phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người lao động Việt Nam nhưng không báo cáo tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam về tình hình tuyển dụng, sử dụng người lao động Việt Nam theo quy định của pháp luật;

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng người lao động Việt Nam mà không thông báo bằng văn bản kèm bản sao hợp đồng lao động đã ký kết với người lao động Việt Nam cho tổ chức có thẩm quyền tuyển, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Cũng theo Dự thảo Nghị định này, đối với những vi phạm về tuyển, quản lý lao động, sẽ phạt tiền từ 1-3 triệu đồng đối với người sử dụng lao động khi có 1 trong các hành vi sau đây: Không thông báo công khai về nhu cầu tuyển lao động hoặc thông báo ít hơn 5 ngày làm việc trước khi nhận hồ sơ đăng ký dự tuyển của người lao động hoặc thông báo không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật; không thông báo công khai kết quả tuyển lao động hoặc thông báo sau 5 ngày làm việc, kể từ ngày có kết quả tuyển lao động.

Phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người sử dụng lao động có 1 trong các hành vi sau đây: Thu tiền của người lao động tham gia tuyển lao động; không lập sổ quản lý lao động; lập sổ quản lý lao động không đúng thời hạn, không đảm bảo các nội dung cơ bản theo quy định pháp luật; không ghi chép, nhập đầy đủ thông tin về người lao động vào sổ quản lý lao động khi hợp đồng lao động có hiệu lực; không cập nhật thông tin khi có sự thay đổi vào sổ quản lý lao động.

Phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi phân biệt đối xử về giới tính, dân tộc, màu da, thành phần xã hội, tình trạng hôn nhân, tín ngưỡng, tôn giáo, nhiễm HIV, khuyết tật trong tuyển dụng, sử dụng và quản lý lao động. Dự thảo cũng nêu rõ biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc người sử dụng lao động hoàn trả người lao động khoản tiền đã thu đối với hành vi vi phạm quy định này.

Hiện Dự thảo Nghị định đang được lấy ý kiến người dân và chuyên gia kéo dài đến 16/5/2018. Nghị định này khi có hiệu lực thi hành sẽ thay thế cho Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và Nghị định số 88/2015/NĐ-CP ngày 7 tháng 10 năm 2015 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 95/2013/NĐ-CP ngày 22 tháng 8 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Bảo Duy

© 2021 Ghi rõ nguồn "laodongthudo.vn" khi phát hành lại thông tin từ website này